Cuộc chơi di động "khó nhằn" tại Việt Nam

Cuộc chơi di động "khó nhằn" tại Việt Nam

Trong 15 smartphone bán chạy nhất tại Thế Giới Di Động quý 3/2018, nhìn đâu cũng thấy những cái tên quen thuộc của Samsung và Oppo. Chỉ riêng hai hãng này đã chiếm 13/15 máy bán chạy nhất. Cần biết rằng Thế Giới Di Động công bố chiếm 50% thị phần điện thoại tại Việt Nam.

Cuộc chơi di động khó nhằn tại Việt Nam

Khách hàng đang chơi game tại một cửa hàng công nghệ - Ảnh: H.Đ

Trong top 5 smartphone bán chạy của FPT Shop (FPT Shop chỉ thống kê đến top 5) thì cả hai hãng nói trên cũng chiếm 4/5 sản phẩm.

Trong các thống kê vài năm gần đây trên hai chuỗi này, cả Samsung và Oppo vẫn đang thống trị thị trường smartphone, hầu như rất khó có cơ hội cho các hãng còn lại bứt lên.

Thông thường, Apple sẽ được nhắc đến như cái tên tiếp theo đứng ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, ở quý này trong danh sách của Thế Giới Di Động, hãng này chỉ có một đại diện iPhone 6 32GB đứng ở vị trí thứ 13. Trong top 5 của FPT Shop, không có đại diện Apple nào.

Mặc dù chỉ có một đại diện nằm trong top nhưng rõ ràng Apple là đại diện xứng đáng, phản ánh đúng bản chất thị trường. Hãng này chính là đối trọng duy nhất, ít nhất từ quý 3 về trước, thường xuyên góp mặt trong các danh sách smartphone bán chạy để Samsung, Oppo không cùng nhau có mặt hết ở các danh sách.

Việc độc chiếm của Samsung và Oppo ở thị trường smartphone cho thấy chiến lược kinh doanh phù hợp thị thiếu của hai thương hiệu này. Dù rất nhiều hãng smartphone gia nhập thị trường Việt Nam và vài hãng đầu tư công sức nhưng để chen chân vào hàng top ở Việt Nam cực kỳ khó khăn.

Hai hãng có những hoạt động sôi nổi tại Việt Nam thời gian qua hẳn nhiên phải kể đến Huawei, Xiaomi. Và cả hai đều đạt được những ghi nhận trong quý 3 này.

Trong danh sách 15 smartphone bán chạy của Thế Giới Di Động, xếp trước iPhone 6 32GB chính là Huawei Nova 3i - vị trí 12. Chiếc điện thoại này trang bị hai cặp camera kép, màn hình tai thỏ, chất lượng hoàn thiện sản phẩm tốt và trải nghiệm sử dụng thân thiện, giá dễ chịu, do đó nhận được sự quan tâm của người dùng.

Cùng với đó, trong danh sách top 5 của FPT Shop có Xiaomi Redmi Note 5 32GB, đứng vị trí thứ 4. Không dễ để có vị trí trong top 5 nhưng điện thoại của Xiaomi đã làm được.

Thành quả của Xiaomi có được do việc cố gắng đẩy doanh số của FPT Shop, và tất nhiên từ việc mở cửa hàng Mi Store, quảng bá hình ảnh, chăm chút những người hâm mộ,... của Xiaomi. Hãng này có cách làm khá khác biệt tại Việt Nam và hẳn nhiên đang có những thành quả nhất định.

Đáng tiếc nhất trong danh sách này chính là thiếu vắng tên tuổi Nokia. Trong báo cáo 8 tháng đầu năm của GfK do HMD Global (công ty sở hữu quyền kinh doanh thương hiệu điện thoại, máy tính bảng Nokia) công bố, Nokia đứng thứ hai thị phần điện thoại tại Việt Nam về lượng bán. Nếu số bán của Nokia lớn như vậy hẳn nhiên đến từ điện thoại cơ bản, vì smartphone Nokia vẫn chưa thấy xuất hiện đều đặn trong các danh sách top của hai chuỗi di động đang dẫn đầu thị trường hiện nay.

Một hãng mới khác là Vivo, nằm trong top hãng smartphone lớn toàn cầu, quý này cũng không có đại diện nào trong top của hai nhà bán lẻ. Các thống kê gần trong năm nay cho thấy Vivo Y55 từng vài lần xuất hiện trong top của FPT Shop.  

Những tên tuổi cũ có chỗ đứng tốt tại Việt Nam trước đây như Sony, HTC đang dần mất hút trước làn sóng mới, nơi các hãng smartphone mới nổi chứng tỏ sự nhanh nhạy, thay đổi kịp thời với thị trường và có đầu tư bài bản.

Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên - một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực di động, cho biết rất khó để cạnh tranh tại Việt Nam. Muốn có thị phần so được với các ông lớn, cần có sự nhanh nhẹn, nguồn lực và quyết tâm đủ lớn.

Cuộc chơi di động khó nhằn tại Việt Nam

Một chương trình bán hàng của Oppo "phủ xanh" siêu thị điện thoại - Ảnh: H.Đ

Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung và Oppo vẫn áp đảo ở số lượng smartphone bán ra tại thị trường Việt Nam. Apple khá đều đặn góp mặt một vài mẫu smartphone trong nhóm này, nhưng đặc biệt khiến đối thủ e dè vì luôn luôn có smartphone trong nhóm mang về doanh thu cao nhất.

Ngoài 3 tên tuổi phải nhắc đến kể trên, những hãng mới như Huawei, Xiaomi và có thể kể thêm Nokia, cũng đang có những bước tiến nhất định nhưng chưa vững.

Realme, Honor - hai cái tên thương hiệu con của Oppo, Huawei vừa gia nhập thị trường Việt Nam cũng chứng tỏ quyết tâm của những anh cả khi muốn thu gom thị trường.

Hầu hết những người quan sát thị trường smartphone Việt Nam đều nhận định thị trường đang đấu tranh quyết liệt, song cục diện vẫn chưa thay đổi nhiều. Có lẽ phải một vài năm nữa, khi những cái tên nổi bật được đề cập kể trên có kinh nghiệm thị trường thì mới có thay đổi nào đó.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận