Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

Ngay từ đầu, Google đã có mối quan hệ vô cùng phức tạp với hệ điều hành di động của chính mình.

Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

Đầu tháng này, khi Google đổi tên hệ điều hành smartwatch từ "Android Wear" sang "Wear OS by Google", một số chuyên gia đã nhận thấy có điều gì đó "quen quen".

"Google đang từ từ giết chết thương hiệu Android" - đó là tít của một bài viết trên trang Gizmodo Australia. Trong bài viết này, tác giả còn nhắc lại rằng Google trước đó cũng đã đổi tên dịch vụ Android Pay thành Google Pay, còn trên trang web của flagship Pixel 2 của mình, Google cũng chỉ nhắc đến Android ở một dòng chữ khá nhỏ ở cuối trang. Trang tin The Verge nhận định rằng việc đổi tên Android Wear cũng tương tự, là một "xu hướng đang xảy ra" nhằm giảm thiểu sự xuất hiện của thương hiệu Android trên các sản phẩm của Google.

Những nhận định trên hoàn toàn không sai, nhưng cũng chẳng có gì mới mẻ. Trong hơn một thập kỷ qua, Google đã luôn phân vân rằng Android - vốn bắt nguồn từ tên gọi của một startup mà công ty này đã mua lại nhằm bước chân vào cuộc chơi hệ điều hành di động - nên là một thương hiệu được mọi người tiêu dùng yêu thích, hay chỉ là một thước đo mà chỉ những fan cuồng công nghệ mới quan tâm. Do đó, dù thương hiệu Android có lẽ đã bị khai tử từ trước, nó vẫn tiếp tục lay lắt đến tận ngày nay.

Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

T-Mobile G1 - chiếc điện thoại Android đầu tiên

Những năm đầu tiên

Xung đột giữa Google và thương hiệu Android bắt đầu với sự ra mắt của chiếc điện thoại Android đầu tiên, được gọi tên chính thức là "T-Mobile G1 with Google". Dù báo chí tung hô G1 là "chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android", và giới truyền thông cũng nói về nó như vậy, nhưng chiến dịch quảng cáo rầm rộ hơn lại tập trung vào bàn phím vật lý của máy, cũng như việc nó được tích hợp các dịch vụ của Google. Một đoạn quảng cáo trên TV về chiếc G1 này cũng không hề đề cập gì đến Android cả!

Công chúng chỉ bắt đầu biết nhiều hơn đến Android khi Verizon sử dụng thương hiệu "Droid" cho một series điện thoại được họ bán ra, do Motorola, HTC và Samsung sản xuất. Cùng lúc đó, AT&T vẫn đang trong hợp đồng độc quyền bán iPhone, do đó Verizon đã quảng cáo chiếc Droid đầu tiên do Motorola sản xuất là lựa chọn hàng đầu dành cho những người ghét iPhone. Một chiến dịch quảng cáo được tiến hành, tập trung hoàn toàn vào những tính năng mà iPhone không có như pin rời và đa nhiệm.

Những chiếc smartphone Droid quả thực được đón nhận nồng nhiệt, và chúng chính là những thanh củi khơi mào nên cuộc chiến Android-iPhone kéo dài đến ngày nay. Nhưng theo một cách nào đó, thương hiệu Droid lại quá thành công, đến nỗi chẳng lạ gì khi nhiều người tiêu dùng thông thường đánh đồng cả series điện thoại Droid của Verizon với toàn bộ nền tảng Android.

Dù Google không thực sự bị lấn át bởi thành công của dòng Droid, nhưng hãng vẫn thực hiện nhiều chương trình nằm quảng bá cho thương hiệu Android. Năm 2011, Google bắt đầu cho phép các nhà mạng và hãng sản xuất điện thoại tái sản xuất và chỉnh sửa nhân vật robot màu xanh lá cây của Android nhằm phục vụ mục đích quảng cáo, và nhà mạng Australia là Telstra đã mở hẳn một cửa hàng Androidland ở Melbourne trang trí bằng tông màu xanh lá với hình ảnh chú robot Android xuất hiện khắp mọi nơi. Cũng trong năm đó, Google mang chú robot Android cỡ lớn đến đặt tại một gian hàng của MWC 2011, và khi Google cùng Samsung tung ra chiếc điện thoại Galaxy Nexus, họ quảng cáo nó là "chiếc điện thoại đầu tiên với Android 4.0". Thay vì đẩy Android vào hậu trường, Google lại nêu bật hệ điều hành này một cách tự hào.

Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

Chế ngự các hãng sản xuất tablet và smartphone

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chẳng bao lâu sau, Google lại bắt đầu "dìm" thương hiệu Android. Năm 2012, Google đổi tên kho ứng dụng từ Android Market thành Google Play Store, và áp dụng luôn cả thương hiệu Goolge Play cho mọi kho nhạc, phim và ebook của mình.

Đối với Google, đây là cách để đối chọi với Amazon - vốn đã phát triển các mẫu tablet Kindle Fire chạy một phiên bản Android cải biến chưa được Google chứng nhận, nhưng lại nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tablet Android.

Cùng lúc đó, nhiều hãng sản xuất smartphone - những người chẳng hào hứng mấy với việc nhắc người tiêu dùng rằng mọi thiết bị họ đang bán ra đều chạy cùng một hệ thống phần mềm, do một hãng khác cung cấp - cũng tìm cách tránh né mối quan hệ với cái tên Android. Ví dụ, HTC chẳng hề nhắc đến Android khi công bố flagship HTC One hồi đầu năm 2013, còn Samsung thì quảng bá dòng Galaxy của mình tập trung hoàn toàn vào các tính năng phần mềm độc quyền của hãng. Google lúc này cũng tìm cách giảm bớt sự hiện diện tại MWC, mà theo nhiều nguồn tin cho biết đây là động thái nhằm hạ thấp danh tiếng của thương hiệu Android.

Nhưng một năm sau, Google có vẻ nhận thấy rằng người dùng đang dần quên mất Android. Đây cũng là thời điểm Google đang tìm cách đẩy mạnh tầm nhìn của mình đối với Android thông qua một đợt cập nhật giao diện (gọi là Material Design), và thông qua chiếc smartphone Nexus 6 của hãng (được bán bởi cả 4 nhà mạng lớn tại Mỹ). Google cũng tung ra chương trình Android One dành cho các thị trường mới nổi như Ấn Độ, với một phiên bản Android thuần tương tự như dòng Nexus.

Đến đầu năm 2014, Google yêu cầu các hãng sản xuất smartphone phải hiển thị dòng chữ "Powerd by Android" lúc khởi động máy. Sau đó, vào mùa thu, Google khởi động chiến dịch quảng cáo lớn đầu tiên cho Android với thông điệp "Be together. Not the same", hàm ý về các tính năng tuỳ biến của Android và một lượng lớn các lựa chọn về mặt phần cứng. Google tiếp tục sử dụng thông điệp đó trong các quảng cáo trên TV trong hai năm tiếp theo, nêu lên tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay rằng Android là một thương hiệu tiêu dùng. Năm 2015, hãng cũng chuyển dịch vụ thanh toán di động Google Wallet của mình sang một phiên bản mới, được cải tiến với tên gọi Android Pay.

Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

Wear OS và hơn thế nữa

Mới đây nhất, Google lại có một bước đi xa rời khỏi thương hiệu Android. Với Wear OS và Google Play, lý do đã trở nên quá rõ ràng: cả hai dịch vụ này sẽ không chỉ dành riêng cho người dùng Android. Wear OS được phát triển dựa trên Android nhưng vẫn ghép nối được với iPhone. Google Play cung cấp tính năng chạm để trả (tap to pay) trên các điện thoại Android, nhưng vẫn cho phép mọi người mua hàng trực tuyến và chuyển tiền đến mọi người khác trên bất kỳ thiết bị nào.

Nhưng tại sao Google không hề nhắc đến Android khi quảng bá cho Pixel 2 và Pixel 2 XL? Có lẽ họ, cũng như mọi hãng điện thoại khác, cuối cùng đã nhận ra rằng Android không phải là một tính năng có thể quảng bá được, kể cả khi phiên bản Android của Pixel là cực kỳ thuần nhất, không hề pha trộn với bất kỳ thứ gì khác. Họ biết rằng, tốt hơn nên tập trung vào các tính năng mới lạ như kho lưu trữ ảnh không giới hạn và dễ dàng truy cập đến Google Assistant.

Đến cả Google cũng đối xử kỳ lạ với Android, lúc yêu lúc lại dìm hàng

Bên cạnh đó, Google không cảm thấy phải gấp gáp trong việc quảng cáo Android nữa. Cuộc chiến hệ điều hành smartphone đã chấm dứt vào năm ngoái, khi Android chiếm giữ 86% lượng đơn hàng smartphone trên toàn cầu, và chẳng có mối đe doạ nào có thể làm giảm con số này được. Thị phần iPhone bị trì tệ, Microsoft thì ngừng phát triển Windows Phone, BlackBerry nay cũng sản xuất điện thoại Android, smartphone của Amazon thì thành "bom xịt", và các hãng sản xuất điện thoại Android khác phần lớn đều chưa đủ sức mạnh để thoát khỏi hệ sinh thái của Google.

Rồi một lần nữa, các hãng sản xuất Android vẫn không thích để Android là chính Android. Ví dụ, Samsung mang lên chiếc Galaxy S9 của hãng một nút bấm cứng dành riêng cho trợ lý ảo Bixby và cấm tiệt người dùng chuyển nó thành Google Assistant, trong khi Microsoft lại bán một phiên bản Galaxy S9 được tích hợp các phần mềm và dịch vụ của hãng.

Do đó, đừng ngạc nhiên nếu bỗng một ngày, Google lại bắt đầu quảng bá Android lần nữa, đặc biệt là khi hãng đang quảng bá các điện thoại Android One và Android Go với các dịch vụ Google. Nhìn lại lịch sử, ta có thể thấy thương hiệu Android không chết đi, nó chỉ đang trong giấc ngủ đông mà thôi.

Minh.T.T

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận