Đi sau Samsung và Apple, liệu Google có thể giành chiến thắng trong cuộc đua phần cứng?

Đi sau Samsung và Apple, liệu Google có thể giành chiến thắng trong cuộc đua phần cứng?

Mario Queiroz, người đứng đầu bộ phận sản phẩm của Google đã chia sẻ kế hoạch đánh bại Apple, Amazon và Samsung ở chính "sân chơi" của họ.

Đi sau Samsung và Apple, liệu Google có thể giành chiến thắng trong cuộc đua phần cứng?

Theo Wired, khi Mario Queiroz gia nhập Google vào năm 2005, công ty chỉ có một sản phẩm phần cứng duy nhất; một chiếc hộp màu vàng rực rỡ, thứ ngồi ở trong phòng server của các công ty lớn và giúp họ biên soạn, tìm kiếm tài liệu nội bộ. Đó chính xác là loại thiết bị mà một công ty chuyên về tìm kiếm sẽ làm ra: thiết dụng, xấu xí và không bao giờ được thiết kế để đến tay người tiêu dùng.

Nhưng kể từ khi ra mắt Google Chromecast, gã khổng lồ tìm kiếm đã tập trung nhiều hơn vào mảng phần cứng. Giờ họ đã sản xuất laptop, smartphone, loa thông minh và một loạt các sản phẩm khác ở nhiều hạng mục của riêng mình. Trong tháng 9 năm nay, Google cũng đã bỏ ra 1,1 tỷ USD để mua lại một phần của bộ phận di động của HTC.

Thương vụ với HTC sẽ mang lại cho Google khoảng 2.000 kỹ sư di động, giúp họ tăng khả năng phát triển nhiều điện thoại thông minh cho nhiều quốc gia hơn. Queiroz nói: "Thực sự, để đưa tất cả những ý tưởng của chúng tôi vào các sản phẩm, chúng tôi cần phải có nhiều người hơn nữa. Giờ chúng tôi có các kỹ sư phần cứng của riêng mình, làm việc với các kỹ sư phần mềm của riêng mình trên chuỗi cung ứng cũng của riêng chúng tôi để phát triển sản phẩm". Ông cũng tiêt lộ mục tiêu lớn nhất là đưa điện thoại Pixel đến tay càng nhiều người dùng càng tốt.

Đối với Queiroz, Google đã bắt đầu trở nên nghiêm túc hơn với phần cứng vào năm 2013, khi họ ra mắt Chromecast, mang những tính năng thông minh lên các TV có cổng HDMI. Ông nói: "Chúng tôi đã có một ý tưởng để đưa "streaming video" lên một lượng lớn các TV, và cách duy nhất để thực hiện là chúng tôi tự phát triển phần cứng. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi làm cả phần cứng và phần mềm cùng một lúc".

Sau khi thấy mọi người dùng chiếc Chromecast gốc để phát âm thanh, Queiroz nói họ chỉ cần thực hiện một bước nhảy nhỏ để tạo ra một chiếc Chromecast chỉ-có-âm-thanh. Cộng thêm trợ lý ảo Google Assistant và một cái loa, chiếc Chromecast chỉ-có-âm-thanh ấy đã phát triển thành Google Home, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với loa thông minh Echo của Amazon.

Tuy vậy, phải đến 2016 thì Google mới ra mắt Google Home, gần 1 năm rưỡi sau khi chiếc Echo đầu tiên ra mắt. Sự khởi đầu chậm chạp này của Google đã giúp Amazon chiếm một phần rất lớn của thị trường các thiết bị hỗ trợ gia đình thông minh (76%, theo báo cáo tháng 9 của Consumer Intelligence Research Partners). Gần đây, sự cạnh tranh giữa hai công ty đã được đẩy lên một tầm cao mới, khi Google gỡ Youtube ra khỏi các thiết bị Fire TV và Echo Show, nhằm đáp trả việc Amazon không chịu liệt kê các sản phẩm của Google trên cửa hàng trực tuyến của mình.

Queiroz nói: "Chúng tôi đang ở trong tình trạng không mấy hòa đồng [với Amazon]. Mục tiêu của chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục là cởi mở và đưa các dịch vụ của chúng tôi lên càng nhiều thiết bị càng tốt".

Bên cạnh các loa thông minh, Google cũng tỏ ra khá chậm chạp trong việc đưa các sản phẩm khác của họ lên thị trường. Mặc dù họ đã hợp tác phát triển điện thoại Android với các nhà sản xuất khác từ năm 2010, mãi đến năm 2016 thì Google mới phát hành Pixel, chiếc điện thoại đầu tiên mà họ tự mình sản xuất.

Tuy nhiên, Queiroz không nghĩ rằng việc có một khởi đầu chậm đồng nghĩa với việc Google là một "copycat" khi giới thiệu sản phẩm phần cứng mới. "Khi chúng tôi đến với một thứ gì đó, chúng tôi muốn tiếp cận theo một cách mới. Yahoo! Mail đã tồn tại khá lâu khi Gmail xuất hiện. Bạn không thể thay đổi những gì đã ở phía sau lưng, bạn chỉ có thể nghĩ đến những trải nghiệm mà bạn có thể mang lại và tiến lên phía trước".

Đi sau Samsung và Apple, liệu Google có thể giành chiến thắng trong cuộc đua phần cứng?

Tại buổi ra mắt Pixel 2 vào tháng 10 năm nay, Giám đốc bộ phận phần cứng của Google, ông Rick Osterloh đã công bố về kế hoạch phát triển sản phẩm của công ty: đó là sự kết hợp phần cứng, phần mềm và trí tuệ nhân tạo. AI chính là chìa khóa để sản phẩm của Google trở nên nổi bật trong một thị trường đã quá đông đúc. Queiroz nói: "Mặc dù trên thị trường có rất nhiều thiết bị phần cứng tốt, chúng tôi mang lại sự độc đáo bằng những khả năng của AI, cả trên thiết bị và trên máy chủ".

Chiếc Pixel 2 là thứ tiệm cận với tầm nhìn của Google nhất. Nó mang trong mình những tính năng nhỏ như nhận diện bài hát Now Playing, thứ tự động phát hiện bài hát đang phát ở gần và cho phép người dùng thêm bài hát đó vào thiết bị nghe nhạc của mình. Tất cả công việc nhận diện đều được thực hiện ngay trên thiết bị, không có bất kì dữ liệu nào được gửi tới máy chủ của Google.

Queiroz chia sẻ: "Việc phát triển khả năng của smartphone là rất quan trọng với chúng tôi, không chỉ vì tốc độ và hiệu suất mà còn vì các lí do khác nữa. Chúng tôi muốn có khả năng làm nhiều việc theo cách mà không phải mọi thứ đều phải truy cập vào máy chủ của Google".

Tuy nhiên, việc đưa khả năng của AI lên điện thoại cũng đồng nghĩa với việc nới rộng khoảng cách giữa điện thoại Pixel và các thiết bị Android khác. Giờ đây, khi họ tự tạo ra điện thoại của riêng mình, Google có thể tinh chỉnh hệ điều hành Android của mình để tận dụng các tính năng chỉ có trên các điện thoại Pixel. Trong tương lai, một số tính năng sẽ được đưa lên Pixel trước, rồi mới đến lượt các thiết bị Android khác; một số tính năng khác sẽ xuất hiện độc quyền trên điện thoại Pixel. Phần lớn các tính năng còn lại, theo ông Queiroz, sẽ vẫn có mặt trên mọi thiết bị Android.

Điều này có thể gây căng thẳng giữa Google và các nhà sản xuất điện thoại lớn khác đang sử dụng hệ điều hành Android. Những sự tùy biến khác nhau từ lâu đã là điểm gắn bó giữa Google và Samsung, và trong một thỏa thuận bằng sáng chế giữa hai công ty trong năm 2014, Samsung cam kết sẽ làm mới lại giao diện Android của mình. Giờ đây Google đã nâng cao khả năng sản xuất điện thoại thông minh của riêng mình, và họ có vị trí thuận lợi nhất để tạo ra chiếc điện thoại Android hoàn hảo.

Nhưng Queiroz lại không nghĩ như vậy. Ông không nghĩ rằng Google muốn tạo ra chiếc điện thoại Android tốt nhất trên thị trường, vì như vậy sẽ đưa Samsung và HTC, những đối tác chính của công ty, vào tầm ngắm. Thay vào đó, chiến lược của công ty có tính "ngoại giao" hơn: "Mục tiêu của chúng tôi là biến Pixel trở thành những trải nghiệm Google tốt nhất mà bạn có thể có được", ông nói.

Google vẫn còn chặng đường dài để đi, trước khi họ thực sự phá vỡ được "phương trình" mà họ tự đặt ra cho riêng mình. Chiếc tai nghe đầy tham vọng Pixel Bud chưa có được cái nhìn thiện cảm từ những người đánh giá, và nó giống một bản mẫu hơn là một sản phẩm mà người tiêu dùng thực sự muốn sử dụng. Công ty cũng không công bố doanh thu từ phần cứng, nên rất khó để nói liệu Google có thực sự muốn kiếm lời từ mảng phần cứng hay không, hay đó chỉ là một nền tảng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của mình.

"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là giúp bạn sử dụng trợ lý trên bất kì thiết bị nào một cách liền mạch", Queiroz nói. Có vẻ như, sau khi Google thất bại trong việc tạo ra một thứ đột phá với Google Glass, họ đang tập trung xây nhựng những thiết bị kết hợp chặt chẽ với nhau hơn, với Google Assistant là trung tâm. Theo ông Queiroz, chìa khóa để công ty có thể làm điều này là kết hợp thiết kế phần cứng với sức mạnh của Google trong trí tuệ nhân tạo. "Đó là những điều mới mẻ mà chúng tôi tin rằng mình có thể mang lại".

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận