Đối mặt khủng hoảng sinh tồn, Facebook làm gợi nhớ Nokia, BlackBerry

Đối mặt khủng hoảng sinh tồn, Facebook làm gợi nhớ Nokia, BlackBerry

Facebook đang phải đối mặt với những áp lực lớn liên quan tới bê bối công ty dữ liệu Cambridge Analytica tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Bê bối này của Facebook nối tiếp loạt sự cố như phát tán tin tức giả mạo, gây bức xúc, chia rẽ xã hội suốt từ năm ngoái.

Khủng hoảng lớn nhất từ khi Facebook ra đời

Để vượt qua khủng hoảng lớn nhất kể từ khi ra đời này, Facebook cần sự dẫn dắt sáng suốt và chiến lược khôn ngoan.

Bê bối hiện tại của Facebook cho thấy vấn đề lớn trong cốt lõi hoạt động của mạng xã hội này: Kiếm tiền bằng cách khai thác dữ liệu.

Một trong những mảng kinh doanh quan trọng nhất của công ty là khai thác thông tin của người dùng và bán nó cho các nhà phát triển ứng dụng cũng như nhà quảng cáo. Và việc ngăn chặn những đối tượng này cung cấp dữ liệu đó cho các bên thứ 3 là điều gần như không thể. 

Doi mat khung hoang sinh ton, Facebook lam goi nho Nokia, BlackBerry hinh anh 1
Facebook đang đối mặt với nhiều vấn đề. 

Điều đáng nói nhất trong “vi phạm” của Cambridge Analytica là trên thực tế nó không phải là “vi phạm”. Việc này xảy ra gần như nằm hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của Facebook và liên hệ mật thiết với chính sách của mạng xã hội này.

Cụ thể, Aleksandr Kogan - giáo sư tâm lý của Đại học Cambridge - đã tiếp cận thông tin của 50 triệu người dùng Facebook chỉ đơn giản bằng cách tạo ra một bài khảo sát và phát tán nó ra cho 270.000 người. Facebook đã mang lại cho Kogan dữ liệu về bất kỳ ai tham gia bài khảo sát cũng như về bạn bè họ.

Trong một thông cáo, Facebook nói rằng: “Kogan đã tiếp cận những dữ liệu này một cách hợp pháp và qua các kênh phù hợp dành cho tất cả các nhà phát triển ứng dụng khác trên Facebook thời điểm đó”.

Theo Facebook, điều duy nhất mà Kogan vi phạm đó là chuyển các thông tin người dùng đó cho bên thứ 3, bao gồm Cambridge Analytica - công ty dữ liệu chính trị được thành lập bởi cựu trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump -Steve Bannon.

Khó giám sát việc sử dụng dữ liệu

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin nội bộ Facebook thừa nhận rằng việc giám sát cách sử dụng các dữ liệu trong tay các nhà phát triển ứng dụng và nhà quảng cáo là điều không thể. Việc này giống như bán thuốc lá cho một người và nói với họ rằng không được chia sẻ nó với người khác.

Sự hạn chế trong việc đảm bảo thực thi các điều khoản về dữ liệu người dùng của Facebook thể hiện rõ ở phản ứng của mạng xã hội này với vi phạm của Kogan.

Doi mat khung hoang sinh ton, Facebook lam goi nho Nokia, BlackBerry hinh anh 2
Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg. Ảnh: Daily Mirror.

Facebook nói rằng họ đã biết về vi phạm của Kogan vào năm 2015 và sau đấy đảm bảo rằng tất cả các bên đều đã xóa bỏ những dữ liệu đó. Tuy nhiên, sau đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới lại nói rằng họ mới biết “không phải tất cả dữ liệu đều đã bị xóa” cách đây vài ngày. 

Trong một thông cáo mới đây, cố vấn pháp lý của Facebook - Paul Grewal - nói rằng “bảo vệ thông tin của người dùng là trọng tâm hoạt động của chúng tôi”. Tuy nhiên, dư luận khó có thể chấp nhận điều này khi mà cốt lõi việc kinh doanh của Facebook là cung cấp thông tin của người dùng cho các đối tác bên ngoài - những người sẽ sử dụng chúng với mục đích ít ai biết được.

Giới chức Mỹ cũng đang tìm cách siết chặt quy chế quản lý với các hãng công nghệ lớn sau những nghi vấn sự can thiệp của người Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Làm gợi nhớ đến phản ứng của sếp Nokia, BlackBerry

Theo CNBC, những động thái hiện tại của các sếp Facebook gợi nhớ tới phản ứng của lãnh đạo của Nokia và BlackBerry khi điện thoại iPhone của Apple ra mắt thị trường. Vì lợi nhuận vẫn tăng nên các ông lớn điện thoại di động này bỏ qua những đe dọa của đối thủ mới. Và tới khi người dùng bắt đầu quay lưng thì mọi thứ đã quá muộn.

Trước những bê bối liên quan tới vấn đề bảo mật của Facebook, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của mạng xã hội này tại Mỹ - khoảng 184 triệu - đã lần đầu tiên sụt giảm vào quý IV/2017. Facebook cũng mất khoảng 2,8 triệu người dùng dưới 25 tuổi trong năm ngoái và dự kiến mất thêm 2 triệu nữa trong năm nay, theo eMarketer.

Bê bối với Cambridge Analytica có thể sẽ thúc đẩy thêm nhiều người dùng từ bỏ mạng xã hội này. Facebook cũng đang ngày càng bị xem là một nền tảng dễ bị thao túng bởi các tổ chức chính trị, chính phủ nước ngoài và còn tồi tệ hơn nữa. Sau cùng thì mũi dìu của dư luận sẽ không nhắm vào Cambridge Analytica hay người Nga mà vào chính Facebook.

  • Facebook

    Facebook

    Facebook là công ty đa quốc gia của Mỹ sở hữu mạng xã hội trực tuyến cùng tên, sáng lập bởi Mark Zuckerberg cùng với bạn bè khi còn theo học Đại học Harvard. Công ty Facebook chính thức lên sàn vào tháng 2/2012 và đến 13/7/2015 trở thành công ty nhanh nhất trong "Chỉ số Standard & Poor's 500" đạt mức vốn hóa thị trường 250 tỷ USD. Tính đến tháng 6/2017, Facebook công bố có hơn 2 tỉ người mỗi tháng dùng sản phẩm mạng xã hội của họ. Ngoài ra, công ty còn mua lại các sản phẩm phổ biến của giới trẻ khác như Instagram (mạng xã hội chia sẻ hình ảnh), Whatsapp (tin nhắn).

    Bạn có biết: Facebook mở đầu là một phiên bản "Hot or Not" (một ứng dụng so sánh sắc đẹp) của Đại học Harvard với tên gọi Facemash.

    • Thời gian thành lập: 04/02/2004
    • Người sáng lập: Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes
    • Trụ sở chính: Menlo Park, California, Mỹ
    • Mã cổ phiếu: FB (NASDAQ)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận