Google thu phí ứng dụng của các nhà sản xuất Android tại châu Âu

Google thu phí ứng dụng của các nhà sản xuất Android tại châu Âu

Google thu phí ứng dụng của các nhà sản xuất Android tại châu Âu

Thay đổi được Google đưa ra để đối phó với phán quyết của Ủy ban châu Âu hồi tháng 7/2018, phạt gã khổng lồ công nghệ 5 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền và yêu cầu ngừng hành vi “gắn kết phi pháp” Chrome và ứng dụng tìm kiếm với hệ điều hành Android.

Trong lịch sử, Google chưa từng tính phí Android và ứng dụng vì Chrome và tìm kiếm đều mang về doanh thu. Bản thân nền tảng Android vẫn là nguồn mở và miễn phí, nhưng nếu các nhà sản xuất điện thoại và máy tính bảng muốn ứng dụng Google và Play Store, họ phải trả phí sử dụng tại châu Âu. Họ cũng có thể trả phí để dùng Chrome và tìm kiếm độc lập thay vì phải chấp nhận mọi thứ theo hình thức trọn gói.

Để dễ hiểu, thay đổi của Google bao gồm những điểm chính sau: Android (hay đúng hơn là dự án nguồn mở Android) miễn phí (1); Play Store và nhiều ứng dụng khác của Google như Gmail, Google Maps, YouTube sẽ được cung cấp theo thỏa thuận cấp phép có trả phí (2); Chrome cùng Google Search có thể được thêm vào miễn phí theo thỏa thuận (2) nhưng không bắt buộc.

Không rõ mức phí là bao nhiêu nhưng chắc chắn các nhà sản xuất thiết bị phải trả tiền nếu muốn bất kỳ dịch vụ nào từ Google. Như vậy, họ có 3 lựa chọn: sản xuất thiết bị không có Play Store hoặc ứng dụng Google; sản xuất thiết bị với Play Store và tất cả ứng dụng Google trừ Chrome và tìm kiếm; sản xuất thiết bị với tất cả ứng dụng như hiện tại. Nếu chọn phương án 2, Google có thể mất nguồn thu đáng kể, trong khi các đối thủ khác trong lĩnh vực trình duyệt web và tìm kiếm lại có cơ hội để thế chân Google.

Ông Hiroshi Lockheimer, người đứng đầu Android, cho biết: “Do việc cài trước Google Search và Chrome cùng với các ứng dụng khác của chúng tôi hỗ trợ phát triển và phân phối Android miễn phí, chúng tôi sẽ giới thiệu thỏa thuận cấp phép trả phí mới với các smartphone và tablet bán tại châu Âu”.

Một thay đổi quan trọng diễn ra ở đây chính là từ nay các nhà sản xuất thiết bị có thể làm điện thoại, máy tính bảng cài đặt hệ điều hành Android đã qua chỉnh sửa (forked Android). Chẳng hạn, Samsung hoàn toàn có thể bán cả Galaxy S9 chạy Android lẫn Galaxy S9 chạy Amazon Fire OS (trên nền Android) tại châu Âu.

Ông Leckheimer nhấn mạnh Android vẫn tiếp tục miễn phí và là nguồn mở. Những thay đổi này chỉ áp dụng với các sản phẩm Google đang được cung cấp theo gói với hệ điều hành. Nếu các nhà sản xuất không muốn trả phí, họ có thể bán thiết bị không có ứng dụng và dịch vụ Google như Amazon đang làm và những gì đang diễn ra tại Trung Quốc, nơi Google không hiện diện.

Song, Play Store là nơi người dùng tìm thấy phần lớn các ứng dụng Android. Nếu phải trả phí để đưa Play Store lên thiết bị, nhiều khả năng người dùng phải “gánh” phần chi phí này, thể hiện qua giá thiết bị tăng lên. Google vẫn đang kháng cáo quyết định của Ủy ban châu Âu. Sau cùng, họ không hề muốn phải chia tách Android, Chrome và tìm kiếm nhưng trong thời gian chờ đợi, công ty buộc phải tuân thủ phán quyết. Thay đổi có hiệu lực từ 29/10.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận