Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Original Equipment Manufacturer là cụm từ chỉ "Nhà sản xuất thiết bị gốc". Trong ngành công nghiệp di động, các hãng như Apple, Samsung, HTC, Huawei, Xiaomi đều có thể gọi là nhà sản xuất thiết bị gốc. Trong bài viết này, chúng ta cùng xem xét OEM nào có cơ hội thành công trên toàn cầu.  

Theo Android Authority, có thể nói ngành công nghệ tiêu dùng đang trải qua thời kỳ phát triển rực rỡ, đặc biệt là mảng sản xuất điện thoại thông minh. Thiết bị này ngày càng trở nên mỏng hơn, đẹp hơn và mạnh mẽ hơn. Rất nhiều hãng công nghệ nhỏ, phần lớn bắt nguồn ở châu Á và chưa nổi tiếng, đang lớn mạnh rất nhanh. Họ đang tạo ra những mẫu điện thoại ấn tượng, tốt đến từng mảnh ghép, chất lượng tương đương với những thiết bị của các hãng công nghệ lớn trong khi giá thành sản phẩm lại rẻ hơn.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Chúng ta đã thấy hàng loạt mẫu điện thoại ấn tượng xuất hiện trong năm 2016. Dòng Galaxy S7 của Samsung vẫn là một trong những thiết bị phổ biến nhất và được đánh giá cao, trong khi HTC cho ra mắt một trong những chiếc điện thoại tốt nhất từ trước đến nay của hãng là HTC 10, cho dù doanh số tương đối ảm đạm. Tuy nhiên, nhiều mẫu điện thoại thành công trong năm qua lại đến từ các OEM ít nổi tiếng đối với người sử dụng phương Tây như Huawei, Xiaomi, Vivo và ZTE.

Năm 2016 thị phần điện thoại thông minh của Samsung và Apple đã bị giảm đi đôi chút. Đó là do một trong số các OEM mới nổi đang phát triển mạnh và thách thức chỗ đứng trên thị trường của hai người khổng lồ. Liệu một trong số các OEM nói trên sẽ trở thành một Apple hoặc Samsung tiếp theo?

Huawei

Thật khó có thể tiên đoán liệu Huawei có thể trở thành người khổng lồ di động tiếp theo hay không, cho dù Huawei là một trong những thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới. Người tiêu dùng ở Mỹ chưa quen thuộc với thương hiệu này. Năm 2016, hãng Trung Quốc đã cho ra mắt những mẫu điện thoại rất tốt dưới hai thương hiệu Huawei và Honor, đó là Huawei P9, Mate 8, Honor 8, Mate 9 và Nexus 6P. Đặc biệt Nexus 6P ra mắt năm 2015 nhưng đến nay vẫn là một thiết bị Android được yêu thích. Năm 2017 đã trôi qua được 1 tháng và Huawei chưa cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất rằng Huawei đang leo lên đỉnh thị trường điện thoại toàn cầu là doanh số bán hàng tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua. Theo Forbes, Huawei có mức tăng trưởng doanh số hàng quý là 10 triệu chiếc. Tính đến hết năm 2016, hãng này đã bán được 140 triệu điện thoại trên toàn cầu. Đối thủ chính của họ là Samsung thì lúc trồi lúc sụt, còn doanh số của Apple thì có sự giảm nhẹ. Trong khi đó, theo thống kê của nhiều nguồn khác nhau, doanh số điện thoại Huawei luôn có tăng trưởng dương. Sức mạnh của Huawei nằm ở các sản phẩm cao cấp nhưng giá thành rất cạnh tranh.

Huawei đã cho thấy điện thoại thông minh họ sản xuất ra có chất lượng hàng đầu, với vi xử lý Kirin mạnh mẽ do hãng tự phát triển, máy ảnh tiên tiến với công nghệ hợp tác cùng Leica. Hãng cũng đã hợp tác với Amazon trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo để cho ra mắt mẫu điện thoại đầu tiên trên thế giới sử dụng trợ lý ảo Alexa. Trong tất cả các OEM đã liệt kê, Huawei tiệm cận gần nhất với Apple và Samsung. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu tương lai Huawei trở thành một thương hiệu dễ nhận biết và được đánh giá cao ở thị trường phương Tây.

Xiaomi

Nếu như Huawei không khiến chúng ta ngạc nhiên khi sẽ trở thành một OEM thành công toàn cầu, thì Xiaomi, cũng là một tên tuổi đến từ Trung Quốc, có thể sẽ là nhân vật thứ hai có khả năng chinh phục đỉnh Everest di động. Thường được gọi dưới cái tên "Apple của Trung Quốc", Xiaomi đã khiến mọi người phải ngoảnh đầu lại nhìn khi cho ra mắt chiếc Mi Mix, một mẫu điện thoại gần như không viền khiến nhiều người thèm thuồng khi hãng này chỉ bán ra một số lượng rất nhỏ hồi tháng 11.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Năm 2016, Xiaomi đã cho ra mắt một số mẫu điện thoại ấn tượng như Xiaomi Mi 5, Redmi 3, Mi 5S và 5S Plus. Ngoài những gì nhìn thấy bằng mắt thì những mẫu điện thoại này còn chứa đựng cả nhiệt huyết của hãng. Chiếc Mi Note 2 của Xiaomi dường như là một thiết bị có thể thay thế cho chỗ trống Galaxy Note 7 trong trái tim người sử dụng.

Điều giúp cho Xiaomi có khả năng trở thành một đối thủ nặng ký tại thị trường Mỹ là việc hãng đang đẩy mạnh xây dựng các kênh bán hàng trên toàn cầu và thu thập các bằng sáng chế thiết yếu. Tuy nhiên, ngoại trừ chiếc Mi Note 2 đã thành công khi nhắm vào đối tượng doanh nhân, các mẫu di động còn lại của Xiaomi vẫn chưa được phát hành tại Mỹ. Người dùng Mỹ có thể chưa cần Xiaomi vì chuẩn băng tần LTE của hãng vẫn chưa được triển khai. Có thể Xiaomi chưa quyết định nhắm đến các mục tiêu tiềm năng như thị trường Mỹ, nhưng một khi Xiaomi đã nhảy vào thì hãng có thể trở thành một thế lực đáng gờm tại thị trường này.

Chúng ta sẽ phải chờ đợi một thời gian nữa để chứng kiến sự mở rộng của Xiaomi. Công ty này gần đây tuyên bố rằng họ đã phát triển "quá nhanh" và cần phải giảm tốc lại một chút. Xiaomi muốn tập trung vào các thị trường hiện có để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Oppo

Trong khi không nổi tiếng ở Mỹ, Oppo lại là một thương hiệu lớn ở Trung Quốc và các thị trường châu Á. Trên thực tế, điện thoại thông minh chỉ là một trong số các lĩnh vực chế tạo của Oppo. Hãng này còn sản xuất các thiết bị nghe nhìn tại gia cao cấp, đầu đĩa Blu-ray. Các thiết bị âm thanh Hi-Fi của Oppo được đánh giá rất cao.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Năm 2016, Oppo cho ra mắt điện thoại Oppo F1 và dòng R9s. Những mẫu điện thoại này đã được người dùng đón nhận nồng nhiệt, giúp cho hãng tăng gấp đôi thị phần tại Trung Quốc trong năm ngoái.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chờ đợi Oppo tạo ra một bước đột phá về công nghệ, giống như Xiaomi đã làm với chiếc Mi Mix gần như không viền, hay Huawei đã hợp tác với Leica để tạo ra các tấm ảnh đẹp. Oppo mới chỉ phát triển được tại thị trường Trung Quốc và châu Á. Sản phẩm của hãng chưa hiện diện tại Bắc Mỹ, Mỹ La tinh, châu Âu hay Trung Đông, trong khi hàng hóa Trung Quốc đã có mặt tại những nơi này từ lâu. Có lẽ nhiệm vụ chinh phục thị trường ngoài châu Á Oppo đã phó mặc cho người anh em OnePlus đảm nhiệm. Oppo và OnePlus cùng là công ty con của BBK Electronics.

Trong khi Oppo là một ông lớn ở Trung Quốc, việc "đánh chiếm" phần còn lại của thế giới có lẽ sẽ rất khó khăn với hãng này.

TCL Communications

Hãng TCL Communications liên doanh với Alcatel-Lucent sản xuất điện thoại thông minh mang thương hiệu Alcatel. TCL đã bất ngờ giành được thành công với chiếc Idol 4S. Điện thoại Idol 4S thường được so sánh với OnePlus 3, ZTE Axon 7 hay Honor 8 về chất lượng và khả năng mang lại lợi nhuận.

2016 là một năm yên ắng đối với điện thoại Alcatel, trong khi đó TCL tiếp tục hợp tác với BlackBerry để cho ra mắt một số mẫu điện thoại mang thương hiệu DTEK.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Rõ ràng là chúng ta không thể xem Idol 4S và DTEK50 là dấu hiệu cho thấy TCL có thể trở thành một Samsung mới. Tuy nhiên, TCL Communications đã chứng minh hãng biết cách tạo ra một thiết bị hấp dẫn, có khả năng thu lời. Năm 2016 chúng ta thấy những mẫu điện thoại cao cấp đã thực hiện những cuộc cách mạng trên thị trường điện thoại thông minh. Có thể những chiếc BlackBerry không gây ấn tượng với một số người, nhưng với sự hợp tác kinh doanh thích hợp sẽ giúp cho TCL giành được thị phần điện thoại trong tương lai. Khi điện thoại 400 USD được nhiều người lựa chọn, những chiếc điện thoại mang thương hiệu Alcatel có thể là một ứng viên. Ít nhất cũng không nên loại quá sớm TCL ra khỏi cuộc đua.

Vivo

Là một công ty con của BBK Electronics, Vivo là "anh chị em" của Oppo và OnePlus. Hãng này đang tìm cách thâm nhập vào các thị trường ngoài Trung Quốc. Tại Mỹ, Vivo đang thực hiện hợp tác chiến lược với các thương hiệu và công ty phương Tây, trong đó có MTV và một vài hãng phim bom tấn. Ở Ấn Độ, Vivo nằm trong top 5 nhà sản xuất điện thoại hàng đầu. Hãng này đang tìm cách vượt qua nhiều OEM Ấn Độ bằng cách chi rất nhiều tiền cho quảng cáo để có được các vị trí nổi bật, xây dựng thương hiệu trong các cửa hàng và thực hiện mức chiết khấu cao cho đối tác bán lẻ.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Mặc dù là một tên tuổi non trẻ trên thị trường điện thoại thông minh khi mới được thành lập vào năm 2009, nhưng Vivo đã chứng minh mình có một tầm nhìn luôn hướng về phía trước với việc cho ra mắt chiếc Vivo X1 vào năm 2012. Vào thời điểm đó, X1 là mẫu điện thoại mỏng nhất thế giới và là điện thoại đầu tiên tích hợp chip âm thanh Hi-Fi. Đến năm 2013, Vivo trình làng điện thoại Xplay 3s sử dụng màn hình QHD sớm nhất trên thị trường. Và cũng đừng quên rằng Vivo là hãng đầu tiên đưa 6GB RAM vào điện thoại thông minh.

Cho đến nay, doanh thu của Vivo giúp cho hãng này chiếm được một vị trí trong top 10 nhà sản xuất di động toàn cầu. Doanh số bán hàng của hãng ngày một gia tăng. Thương hiệu Vivo được coi là một đối thủ hạng nặng trên thị trường châu Á và công ty này đang chuyển hướng tấn công thị trường phương Tây.

Micromax

Có một vài điều để nói về một công ty có khả năng tạo ra mối đe dọa đối với top 10 OEM di động hàng đầu. Micromax là một công ty của Ấn Độ, bắt đầu tham gia thị trường từ năm 2008 và đã nhanh chóng trở thành một ông lớn tại quốc gia này. Năm 2014, Micomax đã từng cạnh tranh quyết liệt với Samsung cho ngôi vị số 1 tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Hãng OEM di động nào có cơ hội thành công trên toàn cầu?

Tuy nhiên, gần đây thị phần của Micromax tại Ấn Độ đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi các thương hiệu giá rẻ Trung Quốc như Oppo, Vivo và Lenovo. Chúng ta vẫn luôn tin rằng Micromax sẽ mở rộng được phạm vi hoạt động của mình, nhưng có lẽ trong tương lai gần thị trường của Micromax chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực mà thôi.

OEM nào thành công?

Nếu xem xét từng OEM theo mặt mạnh của họ thì chúng ta đều có lý do để tin rằng họ sẽ thành công trên toàn cầu. Với chiếc Mi Mix, Xiaomi cho chúng ta thấy họ có khả năng đưa người dùng đến một kỷ nguyên mới của công nghệ di động thông minh. Tương tự, Vivo đã thực hiện rất nhiều đổi mới và áp dụng những công nghệ hàng đầu trong chế tạo smartphone. Vì thế đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi hãng này trở thành một thương hiệu toàn cầu. Oppo và Micromax có ít khả năng trở thành một Samsung thứ hai do mới chỉ chiếm lĩnh thị trường nhỏ và thiếu quan tâm đến các thị trường mới nổi. Tuy nhiên Huawei đã cho chúng ta thấy rằng công ty này đã có những gì họ cần để đạt tới thành công.

Trong số các OEM kể trên, Huawei có nhiều khả năng trở thành một Samsung thứ hai. Huawei đang đứng thứ 3 trong số 10 OEM bán được nhiều điện thoại nhất trên toàn cầu. Hãng này đang tấn công mạnh mẽ thị trường châu Âu và tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu bạn là một người thích chơi cờ bạc và thích sự mạo hiểm, bạn có thể đặt cược cho Vivo. Công ty này có thể tạo ra những bất ngờ trong thời gian tới.

Đăng Khoa

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận