Hậu Windows Phone, làm thế nào Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của IBM?

Hậu Windows Phone, làm thế nào Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của IBM?

Với người hâm mộ nền tảng của Microsoft, xác nhận chính thức của hãng cho sự kết thúc của hệ điều hành Windows cho di động không phải là một bất ngờ lớn. Điều này đơn giản chỉ là sự thừa nhận buồn bã về những gì chúng ta đã biết.

> Nhìn lại lịch sử Windows Phone, một thất bại… vẻ vang!

> Microsoft lý giải nguyên nhân bỏ rơi Windows 10 Mobile

Tuần trước, Microsoft cũng đã ra thông báo hãng sẽ rút chân ra khỏi ngành kinh doanh âm nhạc, báo hiệu một cuộc "rút lui" khác ra khỏi mảng người tiêu dùng cá nhân. Bên cạnh đó, việc tiếp tục tập trung vào mảng doanh nghiệp vốn đang "ăn nên làm ra" là bằng chứng cho thấy vị thế của hãng vẫn còn mạnh mẽ.

Hậu Windows Phone, làm thế nào Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của IBM?

Liệu Microsoft có thể "cất cánh" thêm lần nữa sau tất cả những gì đã xảy ra?

Theo Arstechnica, gắn bó với mảng doanh nghiệp là điều chắc chắn Microsoft có thể làm ở thời điểm hiện tại. Hãng có thể trở thành một IBM tiếp theo: một doanh nghiệp ổn định, có giá trị thị trường bền vững, là công ty có doanh thu hàng tỉ đô la. Nhưng có lẽ IBM không muốn trở thành một IBM như hiện tại - doanh thu sụt giảm liên tục trong 5 năm liên tiếp ở những mảng kinh doanh truyền thống - và Microsoft cũng không muốn trở thành một IBM tiếp theo.

Ở thời điểm hiện tại, Microsoft cũng đang phải đối mặt với những áp lực tương tự - nói về hệ điều hành Windows chẳng hạn, mặc dù nó vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nhưng không còn là thành phần thiết yếu cho cuộc sống như ở thời điểm những năm 90 - đó là điều không thể tránh được. Việc rũ bỏ tham vọng ở mảng người tiêu dùng cá nhân và chỉ tập trung vào mảng doanh nghiệp là một sai lầm. Sự thất bại của Microsoft trên thị trường điện thoại thông minh là một điều tồi tệ đối với hệ điều hành Windows, đồng thời nó cũng gây ảnh hưởng không tốt cho vị trí của Microsoft ở mảng doanh nghiệp xét về tổng thể.

Hệ điều hành Windows "hiện đại" đang nguy kịch

Quay trở lại thời điểm năm 2015, khi CEO của Microsoft tuyên bố đang tái thiết lại tham vọng của hãng trong mảng điện thoại thông minh, biên tập viên trang công nghệ ArsTechnica cho rằng động thái này đã làm suy yếu đi nền tảng Universal Windows Platform của hãng và điều đó đã đúng như những gì đang diễn ra cho đến ngày hôm nay.

UWP tập hợp các hàm API phổ dụng giúp nhà phát triển dễ dàng xây dựng ứng dụng một lần sau đó biên dịch ra để có thể sử dụng trên các thiết bị khác nhau trong hệ sinh thái Windows như máy vi tính (máy tính bàn và Laptop), điện thoại di động, máy tính bảng, máy chơi game Xbox và kính thực tế ảo HoloLens. UWP đóng vai trò rất quan trọng bởi nó góp phần làm cho Windows trở thành nền tảng hiện đại và thú vị, giúp dễ dàng xây dựng các ứng dụng với hệ thống bảo mật mạnh mẽ, dễ dàng cập nhật các ứng dụng và hỗ trợ tốt hơn cho nhiều thứ, như màn hình có mật độ điểm ảnh (DPI) cao chẳng hạn. Để hiện đại hóa nền tảng Windows, UWP là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển ứng dụng trên nền tảng UWP đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận "hy sinh" sự tương thích ngược với nền tảng Windows 7 bởi vì các ứng dụng UWP chỉ chạy được trên Windows 10 mới mà thôi.

Hậu Windows Phone, làm thế nào Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của IBM?

Nền tảng UWP trên Windows 10 đang vấp phải cái bóng quá lớn của API Win32 trên Windows 7

Sẽ không có vấn đề gì xảy ra nếu bạn sáng tạo theo kiểu cũ, nhưng UWP là một nền tảng tốt hơn cho việc phát triển ứng dụng so với các hàm API Win32 truyền thống. Nó dễ sử dụng hơn, có nhiều khả năng hơn và có thể dễ dàng cài đặt hay gỡ bỏ thông qua Windows Store cũng như việc cập nhật ứng dụng đơn giản hơn nhiều đối với người dùng cuối. Giả dụ như các ứng dụng UWP được đưa lên Windows Phone và có thể đạt được khoảng 15% thị trường điện thoại thông minh thì có thể các nhà phát triển sẽ "hy sinh" sự mất mát lượng lớn người dùng Windows 7 để tiếp cận nền tảng mới.

Nhưng thực tế, với con số 0% tròn trĩnh trên thị trường điện thoại thông minh, việc sử dụng UWP tạo ra giới hạn quá lớn đối với các đối tượng mục tiêu. Đối với hầu hết các nhà phát triển, phạm vi tiếp cận rộng rãi hơn của nền tảng Win32 có thể bù đắp cho những lợi ích về mặt kỹ thuật mà UWP mang lại. Và như vậy, những nỗ lực của Microsoft nhằm hiện đại hoá nền tảng máy tính bàn của Windows cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự thất bại của hãng trên thị trường di động.

Mảng doanh nghiệp không thể tồn tại một mình

Nhưng điều quan trọng hơn chính là sự ảnh hưởng đến mảng doanh nghiệp - vốn là mảnh đất Microsoft đang gặt hái được rất nhiều thành công, và chúng ta hầu như không thể nhận thấy được điều này chỉ trong một sớm một chiều. Mảng doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân có mối liên hệ với nhau, vì vậy, sự sụp đổ của Windows Phone và sự thoái lui của gã khổng lồ xứ Redmond khỏi thị trường đáng kể này mang đến những hậu quả vượt ra khỏi những gì chúng ta có thể thấy với những chiếc điện thoại thông minh.

Vấn đề là các sản phẩm Microsoft tạo ra dành cho người tiêu dùng và dành cho doanh nghiệp không khác biệt và độc lập với nhau. Kể từ lúc ra đời, nền tảng của Microsoft đã mang đến một thứ quen thuộc; thứ mà bạn sử dụng trong công việc cũng là thứ bạn sử dụng ở nhà và ngược lại. Sự quen thuộc này đã giúp đẩy mạnh sử dụng Windows trong môi trường doanh nghiệp; nó mở ra một con đường giúp chuyển đổi dễ dàng -  từ một công ty khởi nghiệp chỉ có một thành viên, tiến lên doanh nghiệp nhỏ, rồi đến doanh nghiệp vừa và cuối cùng là doanh nghiệp tầm cỡ - bao gồm việc quản trị hệ thống, phát triển phần mềm và các ứng dụng cốt lõi. Giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Windows trong mảng người tiêu dùng cá nhân sẽ làm cho con đường suy yếu.

Ở phía bên kia chiến tuyến, cả 2 đối thủ của Windows Phone là Android và iOS cho thấy  sức mạnh như thế chẻ tre trên con đường thâm nhập vào doanh nghiệp. Ngay cả khi các tính năng dành cho "doanh nghiệp" yếu thế hơn so với nền tảng BlackBerry hay Windows Mobile cũ, nhưng iPhone rất được ưa thích trong môi trường làm việc tại công ty, bởi hầu hết những nhà quản lý cao cấp (cấp độ C như CEO, COO…) đều sở hữu iPhone, yêu thích iPhone và muốn sử dụng chúng ở nơi làm việc, họ không quan tâm đến những gì đội ngũ IT nghĩ gì về điều này. Android cũng nối gót theo iOS. Thành công to lớn của trình duyệt Chrome mang lại nhiều ý nghĩa, từ đó dẫn đến Chrome OS vẫn có khả năng đạt được thành công tương tự.

Hậu Windows Phone, làm thế nào Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của IBM?

Cùng với iOS, Android vững bước tiến lên, trong khi Windows Phone chính thức ngậm ngùi chìm vào quên lãng

Việc từ bỏ mảng điện thoại thông minh làm suy giảm đáng kể khả năng tiếp cận người tiêu dùng của Microsoft, đặc biệt là ở thị trường các nước đang phát triển. Tại đây, điện thoại thông minh là nền tảng duy nhất giúp hàng trăm triệu người có thể tiếp cận với thế giới và bây giờ, miếng bánh béo bở đã hoàn toàn để ngõ cho Android tự do chiếm lĩnh.

Đương nhiên, nền tảng Windows không dễ dàng gì biến mất hoàn toàn khỏi mảng người tiêu dùng cá nhân. Với hầu hết mọi người, nó vẫn là một lựa chọn tốt cho gia đình, đặc biệt là ở những đối tượng có nhu cầu chuyên biệt, chẳng hạn như game thủ, nền tảng của Microsoft sẽ vẫn còn phù hợp trong nhiều năm tới. Nhưng không có gì đảm bảo mọi người sẽ luôn chấp nhận và sử dụng phần mềm, dịch vụ của Microsoft cũng như luôn xem xét lựa chọn chúng cả ở nhà và ở nơi làm việc, những điều này giờ chỉ còn là quá khứ. Microsoft sẽ phải đối mặt với một thế giới mới mà trong đó, những vị CEO trẻ "biết sử dụng máy vi tính" thấy thoải mái và quen thuộc hơn với hệ điều hành Chrome OS và Google Suites hơn là với Windows và Office. Một thế hệ những nhân viên mới có thể muốn sử dụng trình duyệt và điện thoại thông minh của họ chứ không phải một chiếc máy tính bàn.

Tất nhiên, những điều đó sẽ không thể nào cuốn phăng Microsoft ra khỏi mảng doanh nghiệp, các công cụ mạnh mẽ của hãng sẽ luôn tìm được thị trường - vẫn có người sử dụng Azure cho điện toán đám mây, InTune & System Center để quản lý thiết bị, Office 365 cho công việc. Liệu Microsoft có thể giúp bạn quản lý chiếc máy tính Chromebook và iPad? Chắc chắn là có rồi. Nhưng đó có phải là lựa chọn tự nhiên, như cái cách Microsoft sử dụng InTune như là sự lựa chọn tự nhiên cho hệ thống chạy Windows của bạn? Điều này thì không hẳn.

Nhận thức của người dùng đóng vai trò rất quan trọng

Cũng giống như mảng người tiêu dùng cá nhân được kết nối với mảng doanh nghiệp, Hệ điều hành Windows cũng được kết nối với các phần mềm và dịch vụ khác của Microsoft. Trong trường hợp Windows không còn nhận được sự quan tâm của mọi người, những sản phẩm khác của hãng cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự.

Gã khổng lồ xứ Redmond đã nhận ra và phản ứng để lấp đầy khoảng trống trong nhận thức của người dùng trong các lĩnh vực khác; sự xuất hiện của Windows Subsystem cho Linux và công cụ Visual Studio Code cho phép Microsoft phục vụ cho cộng đồng các nhà phát triển, nếu không như vậy, có thể họ sẽ hoàn toàn lờ đi Microsoft và các sản phẩm của hãng. Với những người khác - như sinh viên mới tốt nghệp khoa học máy tính hay kỹ sư phần mềm sử dụng Mac và Linux - không quan tâm hay xem xét những sản phẩm và dịch vụ của Microsoft, đơn giản bởi họ không hề sử dụng Windows trên máy tính hay điện thoại.

Hậu Windows Phone, làm thế nào Microsoft tránh khỏi vết xe đổ của IBM?

Visual Studio Code hoàn thành sứ mệnh giúp kết nối Microsoft với cộng đồng các nhà phát triển ở nhiều nền tảng khác nhau

Visual Studio Code  - là một trình soạn thảo văn bản đa nền tảng, một môi trường phát triển ứng dụng, và là hệ thống Windows Subsystem dành cho Linux, cho phép phần mềm Linux chạy trực tiếp trên Windows - theo một cách nào đó đang giúp hãng lấy lại sự cân bằng. Nhiệm vụ quả thật không đơn giản với Visual Studio Code để mang nhà phát triển vốn đã quá quen thuộc khi làm việc với Amazon Web Services sang sử dụng Azure thay thế. Nhưng với những nỗ lực mang tính thuyết phục của Microsoft, cho thấy sự quan tâm của hãng đến các nhà phát triển ở các nền tảng khác nhau và xây dựng các công cụ hỗ trợ tốt cho họ, giờ đây tạo ra cơ hội tuyệt vời để họ xem xét nền tảng Azure. Những điều này mang nhiều ý nghĩa, thay vì lờ đi những nền tảng đối thủ, và chấp nhận trở thành một công ty mà những nhà phát triển ở các nền tảng khác không bao giờ quan tâm tới hay thậm chí "ghẻ lạnh", thì Microsoft chấp nhận bắt tay, cùng phát triển, trở thành một nơi để đáng để họ khám phá và nhiều người trong số họ sẽ chuyển sang sử dụng Azure. Nhưng để có được kết quả đó, Microsoft đã phải thực hiện bước đầu tiên: để có được sự xem xét rộng rãi hơn, hãng đã đặt sản phẩm của mình ngay trước mắt các nhà phát triển để thu hút sự chú ý ngay từ phút đầu tiên.

Không còn nền tảng điện thoại thông minh, thật khó xem xét hiệu quả về mặt nhận thức của người dùng về những sản phẩm khác hướng đến đối tượng người tiêu dùng cá nhân trên diện rộng. Microsoft đang đầu tư rất nhiều vào thực tế ảo và và thực tế ảo tăng cường, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng có phải là thứ lớn lao đủ hấp dẫn để trở thành dòng sản phẩm chính hay không. Thị trường thiết bị chơi game Xbox lại quá nhỏ hẹp không thể đảm đương được vai trò này bởi có quá ít người sở hữu chúng. Ngay cả trong mảng thuần về phần mềm, vốn là thế mạnh của Microsoft, thật khó có thể biết được thành công có thể đạt được đến từ đâu. Hãy lấy Chrome làm ví dụ, Microsoft không có Chrome - một sản phẩm chiếm được trái tim của hầu hết những người dùng máy tính, bất kể đó là thiết bị máy tính gì.

Câu trả lời thực sự có lẽ là không có câu trả lời nào và có lẽ Microsoft sẽ không bao giờ lấy lại được ánh hào quang mà hãng từng có. Và nếu vậy, việc trở thành một IBM tiếp theo có lẽ là điều không thể tránh khỏi.

Thanh Long

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận