Huawei đặt cược vào phân khúc "siêu cấp"

Huawei đặt cược vào phân khúc "siêu cấp"

Đã xa rồi, thời của những flagship Trung Quốc giá rẻ?

Huawei đặt cược vào phân khúc siêu cấp

Khách hàng trải nghiệm smartphone Mate 10 Pro tại một cửa hàng của Huawei ở Trung Quốc (ảnh: New York Times)

Chiếc điện thoại này có thể chụp những bức ảnh đẹp rực rỡ nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo. Chiếc điện thoại này sở hữu màn hình với viền siêu mỏng đầy lộng lẫy. Và với mức giá gần 1.000 USD (gần 23 triệu đồng), nó cũng sẽ khiến bạn cảm thấy "nhói một bên thận".

Nhưng Mate 10 Pro không phải là sản phẩm cao cấp mới nhất của Samsung hay Apple. Nó đến từ Trung Quốc – một đất nước dù rất mạnh về công nghệ, vẫn chưa thể tạo ra một cái tên như những Lexus, Canon hay Samsung, những thương hiệu mà người tiêu dùng trên khắp thế giới biết đến với các sản phẩm có giá thành cao với chất lượng tương xứng.

Huawei cho rằng thế giới đã sẵn sàng "móc hầu bao" cho một sản phẩm đến từ Trung Quốc. Mate 10 Pro – cộng thêm hai người anh em, một chiếc có cấu hình thấp hơn và rẻ hơn, chiếc còn lại đắt hơn và có bề ngoài bắt mắt hơn – đang được phân phối tại các thị trường như châu Âu, Trung Đông và một số quốc gia châu Á. Ngoài ra, Huawei cũng đang bí mật đàm phán với AT&T để đưa sản phẩm của mình tới Mỹ, theo một nguồn tin ẩn danh.

Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc không còn là vùng đất của những sản phẩm sao chép, đạo nhái nữa. Các phòng thí nghiệm của quốc gia này hiện đang đi đầu trong nhiều mảng như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và hơn thế nữa. Các công ty internet ở Trung Quốc cũng là những người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ di động để thúc đẩy thị trường bán lẻ, tài chính, vận tải,…

Vấn đề của họ là làm thế nào để thế giới công nhận những điều đó. Trung Quốc muốn nâng cấp nền kinh tế của mình bằng cách bán các hàng hóa có giá trị cao trên thế giới như ô tô, máy bay phản lực, các thiết bị điện tử tiên tiến và hơn thế nữa. Những thương hiệu nổi tiếng có thể giúp Trung Quốc mở ra những thị trường mới, thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm của Trung Quốc cũng đáng tin cậy như các mặt hàng của Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc.

Huawei (phát âm là HWA-way) rất nổi tiếng ở quê nhà. Doanh số của họ vượt trội mọi đối thủ khác ở Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, và họ cũng đang nhăm nhe vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ hai toàn cầu của Apple. Theo thống kê của công ty nghiên cứu Canalys, Huawei đã bán ra 39 triệu chiếc điện thoại trong quý vừa qua, trong khi con số của Apple là 47 triệu. Tuy nhiên, các máy bán ra của Huawei chủ yếu thuộc phân khúc bình dân và trung cấp.

Glory Cheung, giám đốc tiếp thị mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei cho biết: "Chúng tôi thấy những dấu hiệu rõ ràng về việc mọi người đã nhìn thấy sự thay đổi thương hiệu ở mức độ lớn, thành một công ty có phong cách và sự sáng tạo. Tôi nghĩ rằng đó là những dấu hiệu vô cùng tốt đối với chúng tôi".

Tuy vậy, bà Cheung cũng nói thêm rằng Huawei sẽ tập trung vào việc phát triển các tính năng và công nghệ hoàn thiện hơn, thay vì tiếp thị sản phẩm, dù bà hiểu rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ với người tiêu dùng. Thách thức của Huawei là rất lớn; so với Apple hay Samsung, Huawei vẫn còn rất nhiều việc phải làm để khiến người dùng đón nhận và trung thành với thương hiệu của mình.

Ngay cả ở Trung Quốc, nhiều người vẫn xem các thiết bị của Huawei là "tốt trong tầm giá", ngoài ra chẳng có gì nổi bật. Như Li Haoran, một kế toán 24 tuổi sống ở Bắc Kinh và là người dùng trung thành của Apple, khi được hỏi liệu cô có chuyển sang Huawei không, cô đáp: "Tôi thì không. Nhưng tôi sẽ mua một chiếc điện thoại Huawei cho gia đình của mình, vì chúng khá là rẻ".

Đối với dòng sản phẩm Mate 10, Li Weitao, một nhà tiếp thị 40 tuổi sống ở Thượng Hải, cho rằng với số tiền hơn 600 USD, "có lẽ bạn nên mua iPhone".

Được thành lập ở Thâm Quyến ba thập kỷ trước, Huawei đã là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất thế giới khi họ tung ra smartphone Android đầu tiên của mình năm 2009. Chiếc điện thoại đó của họ chẳng có gì đặc biệt về vẻ bề ngoài cũng như hiệu năng, nhưng từ đó Huawei đã đầu tư rất nhiều vào thiết kế và công nghệ, mở một trung tâm thiết kế ở London và một cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Phần Lan.

Huawei đặt cược vào phân khúc siêu cấp

Ông Richard Yu, một giám đốc của Huawei trong màn ra mắt dòng sản phẩm Mate 10 tại Munich (ảnh: Christof Stache)

Với dòng sản phẩm Mate 10, Huawei đang cho ra mắt những thành quả của nghiên cứu của họ: một bộ vi xử lý dành riêng cho các tác vụ trí tuệ nhân tạo như nhận dạng người trong ảnh và dịch văn bản.

Christophe Coutelle, phó giám đốc tiếp thị phần mềm của Huawei, cho biết vi xử lý mới cho phép các điện thoại thực hiện các tác vụ nhanh hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn và – vì không có dữ liệu nào được gửi đến các máy chủ từ xa – bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn.

Ông nói: "Không phải ai cũng muốn chia sẻ tất cả thông tin, hình ảnh của mình với các dịch vụ đám mây".

Tập trung vào các vấn đề quyền riêng tư của khách hàng có thể giúp Huawei tiến tới thị trường chưa được khai thác lớn nhất của họ: Mỹ.

Hoạt động kinh doanh thiết bị mạng của họ đã bị cấm ở Mỹ kể từ năm 2012, khi báo cáo của Quốc hội cho thấy các thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng để theo dõi người Mỹ. Nhà sáng lập của công ty, Ren Zhengfei, trước đây từng là kỹ sư của quân đội Trung Quốc. Huawei từng khẳng định rằng các sản phẩm của họ không hề là mối đe dọa đến an ninh.

Huawei cũng từng phải đứng ngồi không yên với những cáo buộc vi phạm bản quyền ở Mỹ và không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền khi mua lại các công ty Mỹ. Trang tin New York Times cũng từng đưa tin trong năm nay rằng các quan chức Mỹ đang mở rộng cuộc điều tra về việc liệu Huawei có vi phạm luật quản lý thương mại với Cuba, Iran, Sudan và Syria hay không.

Theo bà Cheung, danh tiếng trên thị trường quốc tế và lực lượng lao động đa dạng của Huawei khiến cho họ giống một công ty toàn cầu hơn là một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu Huawei có phải là một cái tên toàn cầu – và là một cái tên hấp dẫn hay không – lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Việc tìm ra lối đi để đến với người tiêu dùng thông thường không bao giờ là điều dễ dàng với Huawei, một công ty vốn dành hầu hết thời gian trong lịch sử tồn tại của mình để bán các thiết bị đầu cuối cho các nhà mạng di động.

Huawei đã mời Scarlett Johansson đóng quảng cáo, hợp tác với Porsche và Leica về thiết kế. Thế nhưng, theo ông Coutelle, Huawei vẫn "có văn hóa kỹ thuật là chủ yếu". Khi trò chuyện, các nhân viên của công ty rất hiếm khi "quên" đề cập đến việc Huawei đã chi bao nhiêu cho nghiên cứu và phát triển (hơn 10% doanh thu) hay số công nhân tham gia nghiên cứu (gần một nửa).

Thái độ của Huawei, như ông Coutelle nói, từ lâu đã là để cho sản phẩm tự khẳng định chính mình, rằng một thứ vượt trội sẽ không cần phải tự quảng bá. "Nhưng tôi nghĩ rằng điều này đang thay đổi".

Huawei đã đi vòng quanh thế giới để giới thiệu tới người dùng những tính năng đơn giản mà thông minh trên các thiết bị của mình. Ví dụ, để chụp ảnh màn hình, bạn chỉ cần gõ hai lần vào màn hình bằng khớp ngón tay. Vẽ một hình chữ S sẽ chụp lại toàn bộ chiều dài của một trang web hay ứng dụng.

Francisco Jeronimo, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu IDC chia sẻ: "Những cải tiến về mặt thông số sẽ không thể thúc đẩy doanh số bán hàng của họ, trừ khi Huawei đưa chúng vào những chiếc điện thoại tầm trung giá rẻ hơn, và chắc chắn đó sẽ vẫn là mặt hàng bán chạy nhất của họ".

Chính Jeronimo từng cười khi nghe các giám đốc điều hành của Huawei nói cách đây nhiều năm, về việc trở thành một nhà sản xuất điện thoại nằm trong top 3 thế giới. Và rồi hôm nay, ông nói: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như họ trở thành số 1".

Văn Hoàn

Theo New York Times

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận