Intel tự loại mình khỏi cuộc chơi smartphone ra sao

Intel tự loại mình khỏi cuộc chơi smartphone ra sao

Người khổng lồ chip thất bại thảm hại trên thị trường smartphone bởi những quyết định thiếu sáng suốt và thời điểm không phù hợp.

Việc Intel quyết định bỏ qua cơ hội cung cấp chip cho iPhone của Apple vào năm 2007 đến nay được xem là một sai lầm lớn.

Cựu CEO Paul Otellini đã thừa nhận như vậy vào năm 2013 trong một lần trả lời phỏng vấn với The Atlantic. Intel hiện đã rút chân khỏi thị trường cung cấp chip cho smartphone, trong khi Apple đang bay cao với iPhone dựa trên những con chip A-series do chính hãng này thiết kế.

Intel tự loại mình khỏi cuộc chơi smartphone ra sao

Intel đã dứt khoát từ bỏ thị trường chip smartphone.

Intel đã dừng phát triển các dòng chip Atom mới dành cho smartphone, bao gồm Broxton và các nền tảng thương mại Sofia 3GX, Sofia LTE và Sofia LTE2. Quyết định này đã chấm dứt hành trình hão huyền kéo dài gần một thập kỷ của Intel trong nỗ lực vượt lên trên các đối thủ như Qualcomm, Apple, và Samsung, là những nhà cung cấp chip di động dựa trên công nghệ cấp phép từ ARM.

Intel vẫn theo đuổi cuộc chơi di động, nhưng chiến lược đã thay đổi. Người khổng lồ chip đang hướng tới công nghệ 5G, không chỉ cung cấp kết nối tốc độ cao cho các thiết bị di động, mà còn nhiều lĩnh vực khác như các cảm biến, thiết bị công nghiệp, xe hơi, drone, và các thể loại robot .

Tầm nhìn dài hạn về 5G sẽ giúp Intel chiếm vị thế quan trọng trong thị trường Internet of Things đang phát triển nhanh. Theo Gartner dự báo, sẽ có 20,8 tỷ thiết bị kết nối vào năm 2020. Intel đang chế tạo các bộ xử lý băng tần cơ sở, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị back-end, và các mảng cổng lập trình được dạng trường góp phần thúc đẩy triển khai 5G nhanh chóng.

Intel tiếp tục cung cấp chip Sofia và Atom, tên mã Cherry Trail, cho các nhà sản xuất máy tính bảng đang dùng những chip này. Tiếp theo Cherry Trail sẽ là chip Pentium và Celeron, tên mã Apollo Lake, trang bị cho laptop và thiết bị lai.

Lạc lối

Việc dừng cung cấp chip Atom cho smartphone đã khép lại cuộc chơi kém cỏi của Intel với sự gia nhập chậm chạp và những quyết định thiếu sáng suốt, theo các nhà phân tích.

Những năm đầu thập kỷ 2000, dưới sự lãnh đạo của cự CEO Craig Barrett, Intel bắt đầu đặt cược vào chiến lược di động đầu cuối và mạng, trong đó gồm sản xuất thiết bị mạng và chip cho điện thoại di động.

Trong cuộc phỏng vấn với IDG News Service vào năm 2005, CEO Barrett khẳng định chip di động động của Intel đã được dùng phổ biến bởi nhiều nhà sản xuất điện thoại di động. Các bộ xử lý StrongARM do Intel phát triển dựa trên kiến trúc ARM là một phần quan trọng trong chiến lược của công ty, và đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó vào thời điểm đó là bộ xử lý OMAP của Texas Instruments.

Nhưng Otellini, người kế vị Barrett, lại bỏ rơi chiến lược di động và mạng để tập trung vào thị trường cốt lõi của Intel là PC. Khoảng thời gian đó, Intel bị áp lực cạnh tranh quyết liệt đến từ AMD với những con chip đầy sáng tạo, theo nhà phân tích Dean McCarron của Mercury Research.

Trong năm 2006, CEO Otellini đã đưa ra một trong những công bố quan trọng nhất của mình khi Apple chuyển sang trang bị chip x86 của Intel cho máy Mac. Cuối 2006, Intel bán bộ phận StrongARM cho Marvell với giá 600 triệu USD.

Công ty đâu thể ngờ rằng iPhone ra đời một năm sau đó đã thành công ngoài sức tưởng tượng, và iPad xuất hiện vào năm 2010 tạo ra thị trường máy tính bảng mới mẻ ăn dần vào doanh số của PC. Đáng tiếc là chip x86 không có chỗ trong cả hai thiết bị quan trọng này.

Thị trường di động bùng nổ với sự cạnh tranh quyết liệt của Apple và các nhà sản xuất Android phần lớn đều dùng chip ARM. Thị trường PC thì bắt đầu tuột dốc.

Thất bại với MID

Bộ xử lý Atom ban đầu được Intel thiết kế cho netbook – nhóm máy tính nhỏ, nhẹ công ty nhắm cung cấp cho đối tượng người dùng laptop như thiết bị thứ hai, cơ động hơn. Sau đó, Intel hiệu chỉnh Atom để phù hợp cho các thiết bị di động kết nối được Internet (MID - mobile Internet device), là những thiết bị tính toán tích hợp màn hình nhỏ có khả năng duyệt Web.

Intel phát triển một số mẫu tham chiếu kiểu như phablet dựa trên một con chip mang tên Menlow, được công bố vào năm 2008. Nhưng MID không bao giờ cất cánh.

Tại thời điểm đó, Intel xem MID như là một phiên bản PC thu nhỏ mà có khả năng kết nối Internet. Tuy nhiên, MID không có được cơ hội tăng trưởng như thị trường smartphone do kết nối băng rộng di động khi đó chưa phổ biến nên hạn chế việc truyền dữ liệu không dây.

Thị trường PC là mảng kinh doanh cốt lõi của Intel. Thế giới PC đã che mắt Intel khiến công ty khó nhận ra khách hàng tiềm năng trên thị trường điện thoại di động.

Intel công bố chip smartphone đầu tiên, tên mã Moorestown, vào năm 2010, nhưng không được các nhà sản xuất điện thoại ủng hộ vì vấn đề tiêu thụ năng lượng. Smartphone đầu tiên trang bị bộ xử lý Intel là  Xolo X900 của Lava, ra mắt tháng 4/2012 tại Ấn Độ, tiếp theo là điện thoại di động của Orange và Lenovo. Các mẫu điện thoại này trang bị bộ xử lý Atom mới tên mã là Medfield.

Trong khi Intel phải vật lộn để tung ra bộ xử lý di động cạnh tranh, thất bại với phần mềm di động cũng đốt của công ty không ít tiền. Vào năm 2007, Intel bắt đầu phát triển Moblin dựa trên Linux, rồi kết hợp với nền tảng Maemo của Nokia thành hệ điều hành mới mang tên Meego vào năm 2010. Meego sau đó lại được kết hợp với LiMo tạo thành nền tảng Tizen với sự tham gia của một số công ty, và đang được Samsung theo đuổi.

Intel rốt cuộc cũng hợp tác với Google vào năm 2011 để tối ưu hóa Android cho smartphone dùng chip Intel, nhưng tất cả đã quá muộn.

Quá trễ để đến với Android

Intel đã bỏ lỡ cơ hội hợp tác với Apple, và khi đến với Android thì cũng đã quá muộn. Công ty chi ra hàng tỷ USD để cải tiến chip của mình cho thiết bị di động, theo hướng tiêu thụ năng lượng thấp thay vì chỉ tập trung vào hiệu năng. Mục tiêu không gì khác hơn là đuổi kịp ARM về hiệu quả năng lượng tiêu thụ trong khi có lợi thế về năng lực sản xuất.

Các khoản đầu tư không đem lại lợi thế cho Intel trên thị trường di động nhưng đã giúp mang lại thời lượng pin lâu hơn cho laptop và máy tính bảng dùng chip Intel.

Một sai lầm khác nữa của Intel là đã quá ưu tiên cho thị trường máy tính bảng, hiện đang sụt giảm. CEO Intel Brian Krzanich, người thay thế Otellini, đặt mục tiêu cung cấp 40 triệu chip cho máy tính bảng trong năm 2014 đã trợ giá mạnh mẽ chip Atom cung cấp cho các đối tác. Công ty đã xuất được 46 triệu chip Atom trong năm này, nhưng những nỗ lực đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của Intel, và Krzanich quyết định không lặp lại chiến lược này với smartphone.

Động thái rút chân khỏi thị trường cung cấp chip cho smartphone của Intel chẳng khác gì vứt bỏ miếng gân gà trông hấp dẫn mà lại cực kỳ khó nhai để tập trung cho những mục tiêu khác. Lợi nhuận đem về cho Intel từ chip smartphone quá mỏng. Công ty giờ đây có thể dồn sức nhiều hơn vào mảng chip máy chủ đắt tiền hơn trong các trung tâm dữ liệu cung cấp các dịch vụ web cho thiết bị di động. Intel cũng sẽ tiếp tục phát triển modem 5G.

10 năm trước, Intel bỏ một dự án di động (bán mảng StrongARM) là một sai lầm đáng tiếc, nhưng lần này, công ty có lẽ đã ra quyết định đúng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường smartphone đang chững lại, giá giảm nhanh và triển vọng 5G đầy hứa hẹn.

Theo PCWorld

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận