Không cho người dùng xóa tin nhắn nhưng Facebook lại "âm thầm" xóa tin Mark Zuckerberg gửi đi?

Không cho người dùng xóa tin nhắn nhưng Facebook lại "âm thầm" xóa tin Mark Zuckerberg gửi đi?

Bạn không thể xoá tin nhắn Facebook từng gửi cho những người khác, nhưng Facebook lại làm được điều đó cho Mark Zuckerberg và một số lãnh đạo khác với lý do an ninh. Khoan đã, đó chẳng phải là hành vi xâm phạm niềm tin người dùng sao?

Không cho người dùng xóa tin nhắn nhưng Facebook lại âm thầm xóa tin Mark Zuckerberg gửi đi?

Theo TechCrunch, một số nguồn tin của họ đã cho biết các tin nhắn Facebook cũ mà họ từng được nhận từ Zuckerberg đã biến mất khỏi hộp tin nhắn , trong khi các tin nhắn trả lời mà họ gửi đến vị này vẫn còn nguyên. Một email thông báo về tin nhắn Facebook từ năm 2010 đã được TechCrunch kiểm chứng và xác nhận rằng Zuckerberg đã từng gửi cho những người này các nội dung tin nhắn mà hiện nay đã không còn xuất hiện trong nhật ký chat lẫn trong các tập tin tải về từ công cụ Download Your Information của Facebook.

Khi được TechCrunch hỏi lý do của hành động này, Facebook xác nhận họ làm vì lý do bảo mật của công ty như sau:

"Sau khi các email của Sony Pictures bị hack vào năm 2014, chúng tôi đã thực hiện nhiều thay đổi để bảo vệ quá trình quá trình giao tiếp của các lãnh đạo công ty, bao gồm việc giới hạn thời gian lưu giữ tin nhắn của Mark Zuckerberg trong Messenger. Chúng tôi làm việc này hoàn toàn trong phạm vi nghĩa vụ pháp lý lưu giữ các tin nhắn của mình".

Tuy nhiên, Facebook chưa bao giờ công khai tiết lộ việc xoá bỏ các tin nhắn từ hộp tin nhắn của người dùng, cũng như không thông báo riêng với người được nhận. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu có phải Facebook đang xâm phạm lòng tin người dùng hay không. Khi được hỏi trực tiếp qua Messenger, Mark Zuckerberg đã từ chối đưa ra câu trả lời.

Can thiệp vào hộp tin nhắn của người dùng

Không cho người dùng xóa tin nhắn nhưng Facebook lại âm thầm xóa tin Mark Zuckerberg gửi đi?

Một người phát ngôn Facebook xác nhận với TechCrunch rằng người dùng chỉ có thể xoá các tin nhắn trong hộp tin nhắn của chính họ, tuy nhiên, các tin nhắn đã bị xoá vẫn sẽ xuất hiện trong hộp tin nhắn của người nhận. Khác với tuyên bố nêu trên của Facebook về "thời gian lưu giữ", khái niệm này dường như không hề tồn tại đối với người dùng thông thường, khi mà hộp tin nhắn của chính người viết ở thời điểm hiện tại vẫn còn nguyên các tin nhắn nhận được từ tận năm 2009! Điều này cho thấy, Zuckerberg và các lãnh đạo khác đã được ưu ái đặc biệt khi được trao cho đặc quyền thu lại mọi tin nhắn đã từng gửi đi trước đó.

Các đoạn chat Facebook được gửi đi bởi Zuckerberg từ nhiều năm trước hoặc lâu hơn nữa đã biến mất khỏi hộp tin nhắn của cả các cựu nhân viên lẫn các nhân viên chưa hợp đồng. Những gì còn lại trong các hộp tin nhắn này khiến người ta nghĩ người nhận đang tự lảm nhảm với chính họ, bởi chỉ có các tin nhắn mà họ đã gửi đến Zuckerberg còn xuất hiện mà thôi. Đáng chú ý hơn, đối với một số trường hợp, các tin nhắn gần đây của Zuckerberg vẫn còn nguyên, nhiều tin nhắn được gửi từ trước năm 2014, cho thấy không phải mọi đoạn chat của CEO Facebook đều bị xoá. Ngoài ra, một số nguồn khác còn cho biết ngay cả các tin nhắn của họ gửi cho Zuckerberg cũng bị xoá!

Không một điều khoản nào trong Terms of Service của Facebook cho công ty này quyền xoá bỏ nội dung từ tài khoản người dùng trừ khi nội dung này vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng mà Facebook đặt ra. Dù nhiều công ty đặt ra các chính sách lưu giữ dữ liệu cho phép họ xoá các email hay các tin nhắn khác từ các tài khoản của chính họ và được gửi bởi các nhân viên công ty; tuy nhiên về cơ bản, các công ty này không thể xoá bỏ các tin nhắn từ các tài khoản của người nhận bên ngoài công ty. Rất hiếm khi các công ty này sở hữu kênh giao tiếp của riêng họ, và do đó không thể lưu trữ cả hai phía của các tin nhắn như Facebook đang làm hiện tại. Nếu muốn xoá bỏ các tin nhắn, các công ty này sẽ buộc phải thực hiện một loạt các hành động, tất nhiên là với tính minh bạch cao hơn so với việc âm thầm xoá bỏ của Facebook.

"Quyền" can thiệp vào các tin nhắn riêng tư của người dùng mà Facebook tự trao cho mình sẽ khiến nhiều người cảm thấy đáng báo động. Vấn đề này thực sự rất nghiêm trọng, khi mà Facebook Messenger có đến 1,3 tỷ người dùng và là một trong những ứng dụng giao tiếp phổ biến nhất hành tinh.

Không cho người dùng xóa tin nhắn nhưng Facebook lại âm thầm xóa tin Mark Zuckerberg gửi đi?

Mark Zuckerberg hiện có một nhóm giúp anh điều hành tài khoản Facebook của chính mình, với một số "quyền" đặc biệt nhằm quản lý 105 triệu người đang theo dõi và vô số các yêu cầu sự chú ý từ ông chủ Facebook. Ví dụ, tài khoản của Mark Zuckerberg không hề có nút "Add friend" trên desktop, còn trên di động thì nút này bị làm mờ đi. Nhưng "quyền" được thay đổi hộp tin nhắn của những người dùng khác thì lại là một chuyện khác - một vấn đề rất đáng quan ngại.

Có lẽ Facebook đang tìm cách ngăn chặn lộ lọt những đoạn nói chuyện nhạy cảm liên quan đến công ty. Ví dụ, trong vụ hack email của Sony, email của Chủ tịch Michael Lynton - đồng thời cũng là thành viên hội đồng quản trị của Snap Inc - đã bị hack và làm lộ các bí mật liên quan chiến lược hoạt động và các kế hoạch sáp nhập.

Không cho người dùng xóa tin nhắn nhưng Facebook lại âm thầm xóa tin Mark Zuckerberg gửi đi?

Mark Zuckerberg vào những ngày đầu của Facebook

Tuy nhiên, Facebook cũng có thể đang tìm cách "giấu nhẹm" các tin nhắn cá nhân đáng xấu hổ của Zuckerberg hay các lãnh đạo khác. Năm 2010, tạp chí Silicon Valley Insider đã đăng các tin nhắn của Zuckerberg lúc anh này mới 19 tuổi, gửi tới một người bạn không lâu sau khi thành lập Facebook vào năm 2004, với nội dung như sau:

"yea vậy nếu cậu muốn biết thông tin về bất kỳ ai tại Harvard... cứ hỏi... tôi có hơn 4000 email, ảnh, địa chỉ, SMS" - Zuckerberg nói.

"hả? rồi làm sao anh quản lý hết đống đó?" - người này đáp lại.

"thì người ta cứ thế mà tự gửi lên thôi... anh chẳng biết vì sao... họ "tin anh" thì phải... lũ ngu" - Zuckerberg giải thích.

Tờ The New Yorker sau đó đã xác nhận các tin nhắn trên là của Zuckerberg, và anh này đã thề thốt với tờ báo này rằng mình "hoàn toàn" hối tiếc về chúng. "Nếu anh định xây dựng nên một dịch vụ có tầm ảnh hưởng và được nhiều người tin cậy, anh phải trưởng thành lên, đúng không? Tôi nghĩ tôi đã trưởng thành rồi, và đã học được nhiều điều" - Zuckerberg nói.

Nếu mục tiêu của nhóm an ninh Facebook là tránh không cho các hacker truy cập tài khoản của các lãnh đạo và mọi tin nhắn của họ, họ lẽ ra chỉ nên xoá tin nhắn trong các tài khoản đó giống như cách mà mọi người vẫn được tự do thực hiện, thay vì khiến chúng biến mất cả trong hộp tin nhắn của người nhận. Nếu Facebook tin rằng họ cần phải xoá sạch các tin nhắn đó khỏi máy chủ trong trường hợp hệ thống backend của công ty bị xâm nhập, rõ ràng họ đang che giấu điều gì đó.

Lúc này, khi Facebook đang đối mặt với sự dò xét ngày càng tăng về việc họ xử lý dữ liệu người dùng ra sao liên quan scandal Cambridge Analytica, vụ việc xoá tin nhắn này có thể trở thành một vấn đề lớn hơn nhiều. Zuckerberg sẽ phải điều trần trước Uỷ ban Tư pháp và Thương mại của Thượng viện Mỹ vào ngày 10/4, cũng như trước Uỷ ban Năng lượng và Thương mại vào ngày 11/4 tới đây. Họ có thể sẽ yêu cầu nhiều thông tin hơn về việc Facebook xoá bỏ các tin nhắn hay các dữ liệu khác từ tài khoản người dùng mà không xin phép. Dù Facebook đang cố gắng thể hiện rằng công ty đã hiểu trách nhiệm của mình, vết đen mà scandal này cũng như các vụ việc trước đó để lại trong dư luận có thể sẽ không bao giờ biến mất.

Minh.T.T

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận