Không phải iOS, Android mới là kẻ đã giết chết Windows Phone

Không phải iOS, Android mới là kẻ đã giết chết Windows Phone

Có thể nói Windows Phone đã chết, trừ một vài thiết bị Windows 10 - đó vẫn là Windows chạy trên điện thoại nhưng không còn được gọi là Windows Phone nữa.

Không phải iOS, Android mới là kẻ đã giết chết Windows Phone

Theo The Verge, Apple thực sự đã làm thay đổi mọi thứ trong thế giới các thiết bị di động, nhưng ít ai để ý rằng, trong cuộc chiến khốc liệt nhiều năm sau khi iPhone xuất hiện, đã xuất hiện một cơ hội lớn mà kẻ nào nắm bắt được sẽ có thể thống trị thị trường di động sau này. Người ta đã nghĩ rằng đây là cơ hội cho Microsoft, nhưng Google đã nhanh chân hơn.

Trước hết, chúng ta hãy trở lại thời điểm trước khi iPhone xuất hiện. Ngày ấy, CEO BlackBerry Jim Balsillie tuyên bố "việc cho rằng BlackBerry cần có những thay đổi lớn là điều hơi thái quá", CEO Palm Ed Colligan thì nói rằng "những gã làm máy tính sẽ chẳng làm được gì đâu, họ không thể cứ thế mà bước vào (thị trường di động) được", còn CEO Microsoft Steve Ballmer thì chắc như đinh đóng cột "iPhone sẽ không thu hút được khách hàng doanh nghiệp vì nó chả có bàn phím".

Chẳng bao lâu sau, họ nhận thấy mình đã "lỡ mồm nghiêm trọng", khi BlackBerry "lo sốt vó" cập nhật thêm các phần mềm cho nền tảng già cỗi của mình, thậm chí họ còn cố tạo ra một thiết bị cảm ứng nửa vời với màn hình là một nút bấm khổng lồ (BlackBerry Storm). Trong khi đó, Palm thì cuống cuồng tạo ra nền tảng chán ngắt webOS, cuối cùng không được các nhà mạng ủng hộ, còn khách hàng thì chẳng thèm đoái hoài vì sản phẩm quá kém chất lượng.

Riêng Microsoft, họ tung ra Windows Mobile 6.5, một bản nâng cấp cho Windows Mobile 6.1 vốn không được thiết kế cho các điện thoại thuần cảm ứng. Chưa dừng lại, họ tiếp tục giới thiệu Windows Phone 7, một bản "reboot" hoàn toàn mới cho nền tảng Windows Mobile cũ kỹ, với thiết kế thuộc loại độc nhất thời bấy giờ, dù có phần hơi trễ nãi nhưng vô tình lại nhận được sự tán thưởng từ phần đông người dùng của hãng. Nhưng một lần nữa, Microsoft lại dội một gáo nước lạnh vào các fan của mình khi tuyên bố các thiết bị Windows Phone 7 sẽ không thể cập nhật lên Windows Phone 8, điều tương tự cũng xảy ra với Windows Phone 10, nhưng lúc này các fan đã quá nản lòng nên chẳng còn hơi sức để giận dữ nữa.

Và đừng quên là, giữa đống hỗn loạn Windows Phone, Microsoft còn mua Nokia, sau đó phá tan nát một trong những thương hiệu điện thoại được tin dùng nhất thế giới. Một tràng pháo tay cho sự "tuyệt vời" của ông trùm phần mềm Redmond.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại sự việc, bạn sẽ thấy rõ một điều: những gì Microsoft đang làm không phải là để đối phó với iPhone. Đối thủ thực sự của họ là công ty đã đưa mảng di động của Microsoft vào tầm ngắm từ trước khi iPhone xuất hiện. Đó là Google, kẻ luôn nhắm trực diện vào Microsoft, và đã thành công.

Không phải iOS, Android mới là kẻ đã giết chết Windows Phone

Google Sooner, một trong những mẫu prototype chết yểu, có thiết kế giống các mẫu Windows Mobile thời bấy giờ

Trong một cuộc phỏng vấn với Eric Schmidt, CEO Google thời đó, về quá trình tạo nên Android, chúng ta có một số thông tin như sau:

"Chiến lược xây dựng Android được hình thành trong khoảng 2000 và 2006, nhằm xây dựng một nền tảng miễn phí, không bị giới hạn bởi các điều khoản đã và đang làm cho ngành công nghiệp di động trì trệ, từ đó tạo nên một nền tảng thay thế hữu hiệu cho các nền tảng thời bấy giờ.

Những nền tảng thời bấy giờ, ý tôi là chúng tôi khá quan tâm đến các sản phẩm của Microsoft. Bây giờ thì khó mà tin được, nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi rất quan ngại rằng chiến lược di động của Microsoft sẽ thành công. Ngoài ra, lúc ấy còn có Nokia, với hệ điều hành Symbian, tất nhiên cũng khiến chúng tôi lo ngại. Đó là thời điểm trước khi iPhone xuất hiện, và trước khi iPhone tạo ra cuộc cách mạng di động".

Google đã rất sợ Windows Mobile. Khó tin phải không, khi mà chúng ta đều biết rằng iPhone đã thay đổi moi thứ, khiến các ông lớn khác cuống cuồng tạo ra những sản phẩm nửa vời mà đến lúc này vẫn "nửa sống nửa chết". Android cũng từng bị iPhone đánh một đòn mạnh, khiến Andy Rubin phải thốt lên rằng: "Tôi nghĩ chúng ta không nên bán chiếc điện thoại mới kia nữa (Google Sooner)".

Trở lại với cuộc phỏng vấn với Eric Schmidt, lúc đó, ông và các quan chức Google đang lo lắng làm thế nào để người dùng di động luôn có thể truy cập vào Google Search. Ông nhận ra rõ ràng rằng sẽ sớm có một nền tảng phầm mềm mà các nhà phân phối sẽ được trao bản quyền và cài trên các điện thoại của họ, và ông muốn Google xuất hiện trên nền tảng đó.

Thay vì tin tưởng rằng Microsoft, Nokia hay các hãng điện thoại khác mở cửa nền tảng cho Google tham gia, Google quyết định tự tạo ra nền tảng riêng, và đem cho miễn phí, trêu tức Microsoft với chính sách nộp phí để sử dụng Windows Mobile.

Ngay từ lúc đó, Windows Phone đã bị Android "đánh tơi tả". Microsoft đã tốn quá nhiều thời gian để có thể tung ra một mẫu điện thoái có thể gọi là "đối thủ của iPhone", đó là vào năm 2010, nhưng lúc đó Android đã xuất hiện được 2 năm, và Verizon thì đang bán mẫu Motorola Droid cấu hình khủng thời bấy giờ được hơn 1 năm.

Ngày ấy, iPhone đã bắt đầu thao túng thị trường, nhưng các nhà mạng Mỹ mới là người nắm quyền quyết định nền tảng nào là kẻ thắng, kẻ bại.

Năm 2008, Verizon bắt tay với BlackBerry để bán mẫu Storm, nhưng nhanh chóng thất bại. Năm 2009, Verizon tiếp tục tìm kiếm, ngó lơ Palm với mẫu Palm Pre, hay Microsoft với Windows Phone 7 lúc này còn quá mới mẻ. Thế là họ chọn Motorola Droid, và mẫu Android này nhanh chóng biến những thất bại kia thành lịch sử.

Có thể thấy, trên lĩnh vực di động, chưa có kẻ nào "lỡ thì" như Windows Phone. Moi thứ khiến Android thành công lại chính là những thứ Microsoft đã cố làm trên Windows Phone, chỉ có điều họ làm chưa đủ tốt, chưa miễn phí, và quá trễ.

Tấn Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận