Kinh tế số tạo cơ hội công bằng cho tất cả các doanh nghiệp

Kinh tế số tạo cơ hội công bằng cho tất cả các doanh nghiệp

Kinh tế số tạo cơ hội công bằng cho tất cả các doanh nghiệp

Nền kinh tế số sẽ tạo cơ hội công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Internet

Phiên hội thảo với chủ đề: "Kinh tế số ở Việt Nam – có gì cho doanh nghiệp Việt?” đã diễn ra trong khuôn khổ Internet Day 2017.

Các diễn giả trong nước và quốc tế tại phiên hội thảo tập trung vào nội dung các doanh nghiệp Việt có cơ hội gì trong “nền kinh tế số” và quá trình hội nhập vào “kinh tế số”, liên quan đến các chủ đề về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt trong kinh doanh thương mại điện tử, các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet, các cơ hội kinh doanh mới xuất hiện như các dòng chảy Fintech, blockchain…

Tại phiên hội thảo diễn ra chiều nay, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcom Đông Dương cho biết: Nói đến sự phát triển của hạ tầng Internet thì chúng ta đều đồng ý là Internet di động đang là xu hướng chính. Do đó, sự phát triển của hạ tầng di động cụ thể là hạ tầng 4G, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam tiến đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nền kinh tế số. IoT sẽ là xu hướng và đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang dựa trên nền tảng của công nghệ.

Ông Thiều Phương Nam nhận định: "Việt Nam đã có sự phát triển ngoạn mục trong ngành viễn thông di động. Hiện, mạng 4G đã được đưa vào thị trường Việt Nam vào đầu năm nay và hạ tầng mạng 4G ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Dù vậy Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu để triển khai 4G và trong giai đoạn tiếp theo còn nhiều việc phải làm nhất là việc hoàn thiện hạ tầng 4G, cải thiện chất lượng và tốc độ 4G…"

Với sự phát triển của công nghệ di động cũng như IoT thì sự chuyển đổi trong một số ngành công nghiệp diễn ra nhanh và mở ra nhiều lĩnh vực cũng như cơ hội.

Về phần mình, đại diện ZTE cho biết: "Trong một thị trường đang phát triển mạnh như hiện nay thì cơ hội là công bằng cho các nhà mạng, công ty viễn thông hay bất cứ doanh nghiệp lớn, nhỏ trong việc kết nối và hợp tác".

Tuy thế, đa số các chuyên gia đều cho rằng dù cơ hội mở và tiềm năng cho các doanh nghiệp tham gia là lớn như nhau thế nhưng các doanh nghiệp cần biết tận dụng, nắm bắt được các cơ hội.

Cũng tại phiên hội thảo, 2 diễn giả khác là ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Ecomviet, Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) với bài trình bày "Kinh tế số ở Việt Nam và định hướng phát triển Thương mại điện tử đến 2020" và ông Tuấn Hà, CEO Vinalink với bài trình bày "Dịch chuyển Marketing sang Digital và các phương thức mua-bán mới" có nhiều con số và nội dung thu hút.

Cũng cho rằng cơ hội mở cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng ông Nguyễn Kỳ Minh và ông Tuấn Hà cho rằng: Có một điều cần thấy đó là các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, nhất là ở các dịa phương có một bài toán lớn cần đối mặt đó là làm sao để đưa được môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường trực tuyến. Đây là bài toán lớn nhất cần giải quyết. "Và đơn vị nào cung cấp được giải pháp đưa dn từ môi trường truyền thống lên môi trường trực tuyến thì các bên sẽ đều thành công", các chuyên gia nhận định.

Cũng trong sáng nay, trong khuôn khổ Internet Day 2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhận định, thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Để có thể làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để tiếp tục tiến bước ra thế giới. “Thời gian tới, chúng ta cần phải triển khai sớm nhiều quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Tôi tin rằng Việt Nam với nền tảng hạ tầng viễn thông-CNTT và nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực TT&TT như hiện nay thì hoàn toàn có thể đáp ứng được những kỳ vọng này”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ  trưởng cũng khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CNTT, Internet, Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng và bền vững để trong những năm tới, chúng ta có thể tự hào ghi nhận nhiều hơn nữa các doanh nghiệp của Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, ghi sâu dấu ấn của Việt nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận