Lenovo đang đẩy Motorola đến “cửa tử” như HP đã làm với Palm?

Lenovo đang đẩy Motorola đến “cửa tử” như HP đã làm với Palm?

Lenovo thôn tính Motorola không khác nhiều so với HP mua lại Palm năm xưa. Cả hai thương vụ đều giống nhau theo nhiều cách và dường như, số phận của Motorola là lụi tàn như Palm.

Palm và Motorola là huyền thoại di động Mỹ

Palm và Motorola đều được xem là những kẻ tiên phong trên thị trường di động và đi đầu trong phát triển các thiết bị thông minh. Trước thời điểm bị mua lại, cả hai đều hưởng quả ngọt nhờ phần mềm và thiết kế phần cứng mới mẻ, nổi bật so với phần còn lại của thị trường.

Trong trường hợp của Palm, Pre 2009 nhận được vô số lời khen nhờ kiểu dáng độc đáo và chức năng của nó, mang lại cảm giác hiện đại và đổi mới. Trong khi iPhone và Android mới đang trong thời gian thai nghén, Palm Pre đã hứa hẹn trở thành đối thủ hàng đầu cho ngôi vị smartphone tiên tiến nhất. Đối với Motorola, cuộc tái khởi động năm 2013 với Moto X – thiết bị cỡ nhỏ và rẻ hơn đối thủ - và sau đó là Moto G, Moto E đánh dấu đỉnh cao nhận biết của công chúng. Công ty còn táo bạo tới mức lắp ráp điện thoại tại Mỹ, càng khiến cho người hâm mộ chào đón.

Hãng di động đối mặt với câu hỏi hiện sinh

Palm năm 2010 và Motorola 2014 đều hưởng đà đi lên nhưng cần biện minh cho sự tồn tại của mình. Palm vật lộn để sống sót vì là tên tuổi nhỏ bé trong thị trường khổng lồ và tàn nhẫn, trong khi Motorola bị xem là “đốt tiền” của Google và đe dọa sự bá chủ của Samsung. HP và Lenovo nhảy vào cung cấp phao cứu sinh, những người có đủ chuyên môn sản xuất, quy mô toàn cầu và dự trữ tiền mặt lớn.

Một số người có thể đã quên nhưng 2 năm trước, Motorola vẫn còn là biểu tượng của thiết kế Android tuyệt vời. Quyết định bỏ qua giao diện Android tùy chỉnh để đổi lấy trải nghiệm gần bản gốc nhất đã làm hài lòng khách hàng vì tốc độ cập nhật phần mềm được cải thiện. Cũng như Palm với webOS, hệ điều hành đi trước thời đại, có vai trò như “ông tổ” của nhiều tính năng tốt nhất, thông dụng nhất trên di động. Chế độ đa nhiệm dạng thẻ ngày nay của iOS và Android được phổ biến đầu tiên bởi Pre chạy webOS. Thứ cả hai cần là thời gian để phát huy sức mạnh mà không cần lo lắng tài chính.

Lenovo đang đẩy Motorola đến “cửa tử” như HP đã làm với Palm?

Gã khổng lồ PC cam kết “không nhúng tay”

Cựu binh lâu năm của Apple, Jon Rubinstein, thể hiện mình là nhà lãnh đạo khôn ngoan tại Palm và đang trong quá trình biến công ty thành phiên bản “Apple mini”. Các bài thuyết trình của ông mang phong cách Apple, dòng sản phẩm của Palm được rút gọn và đơn giản như Apple, thông điệp cao cấp bắt đầu tìm được khán giả. Cái Palm cần từ HP là tiền, dấu hiệu ban đầu cho thấy Palm có thể nhận được chính xác những gì mình muốn. Rubinstein vẫn phụ trách và HP có những kế hoạch ráo riết nhằm duy trì nhóm lãnh đạo của Palm.

Lenovo đối với Motorola cũng như vậy, thậm chí còn náo nhiệt hơn khi đoạt Motorola từ tay Google. Rick Osterloh được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Motorola tạm thời từ khi thông báo đến khi hoàn tất thương vụ với Google. Việc tuyển dụng ông còn là dấu hiệu khác của việc Motorola sẽ tiếp tục hoạt động độc lập. Lenovo dường như nhận ra Motorola có thể đi tốt và chỉ muốn nuôi dưỡng, duy trì thương hiệu và đưa dòng sản phẩm của nó đến thành công. Công ty chắc chắn không muốn gộp chung Motorola vào cái tên của mình và loại bỏ tính độc nhất vô nhị của hãng di động Mỹ.

Công ty mẹ thay đổi suy nghĩ

Smartphone của Palm sẽ được gọi là gì dưới trướng HP? Palm iPAQ? HP Pre? HPalm? Sau nhiều cân nhắc, HP cuối cùng quyết định thương hiệu riêng của nó có giá trị hơn khi đặt lên các thiết bị webOS và bỏ luôn cái tên Palm. Chúng ta cuối cùng có HP TouchPad và Pre 3.

Lenovo đã lặp lại dấu chân của HP. Thay đổi hoàn toàn lời hứa ban đầu để Motorola tự hoạt động, công ty mẹ Trung Quốc đang thực hiện sứ mệnh loại cái tên Motorola ra bên ngoài. Cũng như HP Pre, nay chúng ta có Lenovo Moto, một cái tên dường như “đá nhau chan chat”.

Thay vì tăng trưởng, mọi thứ trở nên bế tắc

Là hai nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, HP năm 2010 và Lenovo hôm nay, đều có cơ cấu quản lý quan liêu và nhiều tầng. Trong khi đó, là nhà sản xuất smartphone tốt nhất thế giới lại yêu cầu suy nghĩ và hành động nhanh hơn bất cứ ai. Palm nhận ra điều đó trong thông báo thương vụ với HP, khi ấy Jon Rubinstein bày tỏ hi vọng HP có thể trở thành “đối tác hoàn hảo để thúc đẩy nhanh chóng tăng trưởng của webOS”. Điều ngược lại xảy ra với hai công ty. Họ va phải thực tế khi sáp nhập hai nền văn hóa ngoài hành tinh vào một đội ngũ gắn kết và mất nhiều tháng để tìm ra tầm nhìn chung.

Lenovo và Motorola đang trải qua chính xác quá trình đau đớn này. Khi Osterloh và Motorola không bảo vệ được cái tên Motorola tại MWC, họ đã xin thêm thời gian trong giai đoạn tái cấu trúc. Đó là một khía cạnh nên được tiên đoán trước: các công ty toàn cầu không thể đơn giản đưa vào một nhóm nhỏ và hi vọng họ hoạt động trơn tru ngay từ đầu. Lenovo vẫn khẳng định trao quyền lãnh đạo mảng di động cho nhóm Motorola nhưng kết hợp sức mạnh của cả hai là một thách thức, ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển.

Kết quả rõ rệt khi nhìn vào dòng Moto G 2016. Các đối thủ Trung Quốc đã vượt mặt Moto trong thiết kế, chất lượng chung của Android cũng được cải thiện đến điểm trải nghiệm Moto thuần túy hơn không còn là điểm bán hàng quan trọng. Moto G mới có tốt không? Chắc chắn. Chỉ là chúng không cạnh tranh.

Có thể Moto G mới sẽ xóa tan mọi nghi ngờ khi một lần nữa trở nên độc đáo và đẳng cấp, nhưng ngay cả điều đó cũng đang trong vòng nghi vấn. Dù sao đi nữa, nó không thể thay đổi thực tế một công ty đã đánh mất đi sự sắc bén của mình vì sự đồng hóa của Lenovo. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận