Quản lý Tiêm chủng an toàn, thông minh bằng Công nghệ thông tin

Quản lý Tiêm chủng an toàn, thông minh bằng Công nghệ thông tin

Cụ thể, Hệ thống không chỉ giúp giảm tải triệt để công tác hồ sơ giấy tờ, tăng chất lượng công việc của cán bộ y tế... mà quan trọng hơn, với Viettel NIIS, người dân có hàng loạt công cụ, tiện ích để theo dõi và đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, hạn chế tối đa việc tiêm trùng, tiêm sót, mất sổ tiêm cho con em cũng như bản thân trọn đời. nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, thực hiện đúng nguyên lý của ngành y lâu nay đó là “phòng hơn chống”.

Nhu cầu cấp thiết trong việc đổi mới lĩnh vực tiêm chủng

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai, hệ thống tiêm chủng mở rộng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hàng năm có gần 1,7 triệu trẻ em và 1,6 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng tránh 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em.

Hiện theo WHO, tiêm chủng đã giúp phòng tránh được ít nhất là 30 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Có thể lấy một vài con số về hiệu quả của tiêm chủng đến kinh tế như sau: theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO, việc thanh toán bệnh Bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Còn theo báo cáo của Viện Y tế Hoa Kỳ, cứ chi 1 USD cho riêng vắc xin Sởi-Quai bị-Rubella thì tiết kiệm được 21 USD.

Tuy nhiên, do tình hình các dịch bệnh mới xuất hiện, bệnh cũ tái xuất với diễn biến ngày càng khó lường, tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và đặc biệt là vấn đề di dân ồ ạt từ nông thôn lên thành thị và giữa các thành phố lớn đã khiến cho công tác quản lý tiêm chủng gặp nhiều thách thức mới. Việc người dân tiêm chủng tại nhiều nơi, dễ làm thất lạc sổ tiêm bằng giấy, kết hợp tiêm giữa mở rộng và dịch vụ,…khiến hiện tượng tiêm trùng, tiêm sót, quên lịch tiêm xảy ra thường xuyên.

Chúng ta cũng gặp phải một nghịch lý đó là: ý thức về tiêm chủng của các bậc phụ huynh đặc biệt cao, thậm chí hơn nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, họ cũng có mối lo sợ cao hơn với các phản ứng sau tiêm. Chưa có quốc gia nào, phụ huynh lại chậm trễ tiêm chủng cho trẻ vì cố chờ vắc xin dịch vụ trong khi vắc xin mở rộng luôn đầy đủ và miễn phí, được cơ quan nhà nước cấp phép như chúng ta.

Một cuộc điều tra nghiên cứu với gần 1.300 mẫu tại Hà Nội vào cuối năm 2016 cho thấy kết quả hết sức bất ngờ. Đó là bố mẹ càng là người học thức cao, làm cán bộ viên chức, người dân càng ở khu vực thành thị thì con cái lại có tỷ lệ tiêm chủng càng thấp. Nhóm chỉ tiêm chủng mở rộng và nhóm được tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ cán bộ y tế có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao hơn hẳn nhóm chỉ tiêm chủng dịch vụ và nhóm tiếp cận thông tin từ các nguồn mạng xã hội.

Nhiều quốc gia phát triển đã gặp bài toán tương tự khi nhiều người giàu vì nghi ngờ nên không cho con đi tiêm dẫn tới miễn dịch cộng đồng xuống dưới 90%, nhiều dịch bệnh như sởi đã quay trở lại Mỹ vào năm 2014 dù đã thanh toán từ năm 2000. Thậm chí năm 2015, Chính Phủ Úc đã ban hành chính sách “không tiêm chủng, không trả tiền” cho các khoản hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giảm thuế thu nhập cá nhân. Có thể thấy, tiêm chủng kém sẽ gây nhiều tác hại dây chuyền cho toàn xã hội, tới cả các lĩnh vực như thu hút đầu tư, du lịch,…thiệt hại khó mà kể xiết.

Ứng dụng CNTT để quản lý tiêm chủng an toàn, thông minh, không giấy

Viettel, y tế thông minh, Sao Khuê, Danh hiệu Sao Khuê, tiêm chủng, Sao Khuê 2017, Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia, Viettel NIIS, ứng dụng CNTT vào Y tế,

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự thay đổi như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 và những thành tựu vượt bậc của nó đã làm thay đổi cơ bản hành vi của người dân trên toàn thế giới. Đi cùng xu hướng này, việc ứng dụng CNTT vào quản lý tiêm chủng đồng bộ cho cả ngành y và người dân đã giúp lĩnh vực tiêm chủng thay đổi toàn diện.

Trước hết, chính là thay đổi trong tư duy quản lý, tiến tới quản lý duy nhất một loại đối tượng, một tỷ lệ tiêm chủng, hạn chế dần sự cách biệt của 2 hệ thống tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

Thứ hai, quản lý tiêm chủng bằng CNTT sẽ đáp ứng được đồng thời cả 3 yếu tố, đó là thông minh, bảo mật và không giấy:

Thông minh tức là hệ thống có khả năng gợi ý, cảnh báo, phân tích dựa trên số liệu lịch sử và đặc điểm hiện tại về dịch tễ và xã hội, giảm sai số khi gọi tiêm, chỉ định vắc xin và thực hiện tiêm do con người. Hệ thống giúp cán bộ y tế dự báo được nhu cầu vắc xin, nhanh chóng tiết kiệm hàng tỷ đồng do phân bổ vắc xin chưa hợp lý cũng như chi phí tiêu hủy vắc xin vô cùng đắt đỏ.

An toàn bảo mật tức là hệ thống CNTT rất đơn giản để cơ quan quản lý phân cấp phân quyền, có các cơ chế bảo mật và xác thực cho từng cơ sở y tế và từng người dân truy cập, đảm bảo mọi người có thể tin tưởng để nhập và duy trì đầy đủ dữ liệu cá nhân và lịch sử tiêm chủng của mình trên hệ thống, dễ dàng truy cập từ bất kỳ nơi nào có internet khi có nhu cầu. Đây cũng là tiền đề để ngành y tế tiến tới xây dựng Hồ sơ sức khỏe toàn dân trong tương lai gần.

Không giấy, chính là xóa bỏ hoàn toàn hệ thống sổ sách thống kê tại cơ sở y tế và sổ tiêm chủng giấy của người dân hiện nay. Mỗi xã phường hiện có tới 11 sổ quản lý tiêm chủng, mỗi tỉnh thành tốn tới khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm chi phí in ấn và nhân công để lập và quản lý hồ sơ. Với 1 hệ thống CNTT giao diện tiện dụng, dùng trên cả website và tablet, cán bộ y tế được giải phóng hoàn toàn thời gian, công sức làm sổ sách báo cáo, từ đó có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Người dân có thể truy cập sổ tiêm chủng điện tử trên web và app để quản lý lịch sử tiêm và đăng ký các dịch vụ như mời tiêm, nhắc lịch, đặt lịch tiêm tự động mà không cần phải lưu giữ sổ tiêm chủng giấy hay tự nhập liệu lịch sử tiêm vào hệ thống.

Chi tiết tham khảo: http://tiemchung.gov.vn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận