Sóng gió chưa yên với tập đoàn Samsung

Sóng gió chưa yên với tập đoàn Samsung

Sóng gió chưa yên với tập đoàn Samsung

Ông Lee Kun Hee rời tòa án tại Seoul, Hàn Quốc năm 2008. Cảnh sát đang điều tra liệu có phải ông chiếm dụng quỹ công ty để tư lợi hay không. Ảnh: Getty Images

Theo New York Times, cảnh sát Hàn Quốc hôm 18/10 tiến hành bố ráp trụ sở công ty xây dựng của Samsung để điều tra liệu ông Lee Kun Hee, ông chủ tập đoàn, có chiếm dụng các quỹ của công ty để tư lợi cho gia đình hay không. Một cán bộ liên quan đến cuộc điều tra tiết lộ, thanh tra sẽ sớm thẩm vấn những người khác, bao gồm cả quan chức.

Công ty xây dựng, một đơn vị thuộc Samsung C&T Corporation, không bình luận gì về cuộc điều tra của cảnh sát. Mới chưa đầy 2 tháng trước, con trai của ông Lee là ông Lee Jae Yong, 49 tuổi, người giữ chức Phó Chủ tịch Samsung Electronics, công ty sinh lợi nhất tập đoàn, vừa bị kết án. Ông nhận án 5 năm tù giam vì tội đút lót nhưng đang trong quá trình kháng cáo.

Vụ bố ráp hôm 18/10 cùng cuộc điều tra phía sau càng làm tăng thêm sự bất ổn xoay quanh Samsung, công ty lớn nhất Hàn Quốc, tên tuổi nổi tiếng trong ngành điện tử và các lĩnh vực khác. Việc kinh doanh của Samsung, từ sản xuất smartphone, chip nhớ cho đến bảo hiểm, dược phẩm, dường như vẫn hoạt động bình thường mà không có trục trặc nào lớn.

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý của gia đình đứng sau Samsung làm sống lại những lo lắng trong xã hội Hàn Quốc về số phận của tập đoàn, thế lực kinh tế quan trọng của đất nước. Vụ điều tra cũng phản ánh sự bất mãn của người dân trước án tù dành cho các lãnh đạo Samsung cũng như vài tập đoàn khác. Họ đều nhận hình phạt nhẹ và thậm chí còn được hưởng ân xá.

Các nhà lập pháp cũng góp phần làm tăng áp lực. Tuần này, ông Park Yong Jin, một thành viên của Đảng Dân chủ, người chỉ trích văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, đã đưa 1 trong 2 tội danh trước đây của ông Lee Kun Hee ra ánh sáng khi nói rằng chính các nhà chức trách đã cho phép ông thừa kế hàng tỷ USD từ người cha mà không phải đóng thuế. Ông Park cho rằng nếu tuân theo quy định, Hàn Quốc đã có thể thu về 2 tỷ USD.

Lời chỉ trích khiến cho một trong những chương đáng xấu hổ nhất trong lịch sử Samsung bị “đào” lại. Năm 2008, công tố viên phát hiện 4,5 nghìn tỷ won, tương đương 4,5 tỷ USD thời điểm bấy giờ, trong tài sản thuộc sở hữu của ông Lee Kun Hee nhưng lại được phân chia trong hơn 1.000 tài khoản khác dưới tên cấp dưới. Công tố viên cáo buộc ông thừa kế tiền của cha của mình là ông Lee Byung Chull, nhà sáng lập tập đoàn, và nó đã được cơ cấu lại để trốn thuế.

Ông Lee Kun Hee bị kết án năm 2008 nhưng Tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Lee Myung Bak, lại ra lệnh ân xá vào năm tiếp theo. Đây là lần thứ hai ông Lee Kun Hee được hưởng ân xá từ Tổng thống, trước đó là vào năm 1997, một năm sau khi bị bắt vì tội đút lót.

Trong thông báo phát đi hôm qua, Samsung khẳng định ông Lee đã trả mọi khoản thuế mà ông cam kết hoàn lại năm 2008. Người đứng đầu tập đoàn đang điều trị trong viện sau cơn đau tim năm 2004. Nhiều người dân Hàn Quốc vẫn dành sự ngưỡng mộ cho ông vì đã biến Samsung từ một nhà sản xuất hàng hóa rẻ tiền nhỏ thành gã khổng lồ toàn cầu.

Samsung C&T, một trong các công ty con lớn nhất của tập đoàn, từng chịu trách nhiệm xây dựng nhiều nhà máy năng lượng và cầu lớn, cũng như tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai.

Ông Lee Kun Hee được cho là đang sở hữu 5 ngôi nhà đắt nhất của thủ đô Seoul, tất cả đều được định giá hơn 10 triệu USD. Theo dữ liệu từ thành phố, căn hộ chính của ông nằm tại Itaewon, bao quanh bởi các đại sứ quán và những gia đình giàu có nhất đất nước, có giá trị khoảng 20 triệu USD.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận