Sony đã có lãi trở lại, tập trung vào sáng tạo thay vì lo tồn tại

Sony đã có lãi trở lại, tập trung vào sáng tạo thay vì lo tồn tại

Mảng điện tử của Sony đã có lãi trở lại, sau thời gian dài ngập trong nợ nần. Và Sony cũng đang trở lại. Lần đầu tiên trong 2 thập kỷ, Sony đã đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 500 tỷ yên (4,95 tỷ USD).

Theo báo Nhật Bản Nikkei, trước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng lại đổ xô mua hàng Sony, hãng sẽ phải làm cái từng làm rất tốt: khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Sony hy vọng sẽ đạt được sự kinh ngạc, thán phục đó bằng sự kết hợp của các mảng robot, trí tuệ nhân tạo và các thiết bị tiêu dùng.

Sony đã có lãi trở lại, tập trung vào sáng tạo thay vì lo tồn tại

Trong hàng thập kỷ, Sony từng là nhà vô địch. Công ty của máy nghe nhạc huyền thoại Walkman và máy chơi game nổi tiếng PlayStation đã có một nhãn hiệu mạnh mẽ đến nỗi chính sản phẩm của họ luôn mang danh tiếng.

Nhưng, những năm qua, Sony bắt đầu xuống dốc. Từ năm 2008 đến 2014, Sony lỗ 1 nghìn tỷ yên (9,91 tỷ USD). Một lãnh đạo đã nghỉ hưu của Sony đã tổng kết lại trong mấy từ: "Sony đã trở thành một tổ chức quan liêu đến mức không thể thách thức rủi ro".

Trách nhiệm đảo ngược tình thế thua lỗ liên miên và xói mòn nền văn hóa tập đoàn đè lên vai Chủ tịch kiêm CEO Kazuo Hira, người vừa nhậm chức sau khi công ty có khoản lỗ kỷ lục 456 tỷ yên vào cuối tháng 3/2012. Một số người tự hỏi liệu Sony còn có gì để cạnh tranh với một thời đại mà phần mềm, chứ không phải phần cứng, mới là vua.

Nhưng, giờ đã là năm 2016, và Sony vừa báo cáo lợi nhuận ròng hợp nhất 147 tỷ yên. Đó là lần đầu tiên trong 7 năm Sony gắng đạt được lợi nhuận, mà không phải đánh đổi – chẳng hạn như phải bán tài sản.

Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên mảng phần cứng điện tử của Sony đã chuyển sang có lợi nhuận trong 5 năm.

Sony 2.0

Một người quan trọng của Sony là Hiroaki Kitano, chủ tịch kiêm CEO của Sony Computer Science Laboratories. Kitano đã phát triển chủ chó robot – một sản phẩm thu hút nhưng đã bị cắt bỏ do tình hình tài chính khó khăn của Sony hồi năm 2006. Kitano được xem là một "ông trùm" trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tháng Hai vừa qua, Kitano đã đến văn phòng của Hirai trên tầng 20 của trụ sở Sony tại quận Shinagawa của Tokyo. Trên bàn, ông mở ra một sơ đồ lớn, có chiều dài 2 mét và chiều rộng 1 mét, với nhan đề "Sony 2.0", trong đó có những kế hoạch ra mắt sản phẩm mới và mảng kinh doanh mới.

Sony CSL là một chi nhánh nghiên cứu độc lập với tập đoàn. Từ đây, Kitano đã nhìn vào toàn bộ Sony như một người quan sát bên ngoài. Hirai rất ấn tượng với đề nghị của Kitano đến nỗi ông quyết định họ sẽ gặp nhau thường xuyên hơn.

Những thay đổi nhân sự gần đây cho thấy Hirai mong muốn tận dụng tốt hơn các kỹ sư và nhà khoa học của công ty, với tầm nhìn sẽ ứng dụng thương mại cho AI và robot. Đối mặt với việc lực lượng lao động bị cắt giảm và dự án robot Aibo bị hủy bỏ, những người trong cuộc của Sony phải chiến đấu để duy trì khả năng phát triển. Bây giờ Hirai đang đem lại cho họ cơ hội mở ra những khả năng mới mẻ.

Mùa thu năm ngoái, Hirai quyết định thành lập một bộ phận dành riêng để phát triển kinh doanh trung và dài hạn. Ông bổ nhiệm Toshimoto Mitomo, một giám đốc quản lý công nghệ lão thành. Mitomo ngay lập tức yêu cầu Kitano cùng tham gia, và cả Masahiro Fujita, một kỹ sư AI hàng đầu từng làm việc với Kitano trên Aibo và một robot hình người là QRIO.

Bộ phận mới chính thức ra mắt vào tháng Tư, Fujita là kỹ sư công nghệ trưởng.

Sony đã có lãi trở lại, tập trung vào sáng tạo thay vì lo tồn tại

Các kết quả tài chính của Sony

Ban giám đốc Sony đã quyết định sẽ thực hiện kế hoạch của Hirai, tập trung vào robot và AI. Tháng 6 vừa qua, Sony đã thiết lập một nhóm gồm các chuyên gia trên toàn cầu cho chiến lược robot. Công ty chuyển hướng tuyển dụng vào những cá nhân phù hợp với chiến lược công nghệ mới của hãng. "Chúng tôi muốn tuyển dụng những người trẻ khao khát thành công, chứ không phải là những cựu chiến binh nổi tiếng, trên toàn thế giới", ông Kitano nói.

Tháng 7, lần đầu tiên Sony tài trợ cho Hội thảo Trí tuệ thông minh quốc tế ở New York, hy vọng tìm kiếm được nhân tài trẻ. Công ty ra trang web tuyển dụng những người tham dự hội nghị: "Giờ đây, Sony đang thực hiện thách thức mới trong thế giới robot và AI. Chúng tôi đang tìm kiếm những cá nhân tài năng và xuất sắc, có tham vọng "dịch chuyển" mọi người qua những sản phẩm, nội dung và dịch vụ của chúng tôi".

Công ty cũng "tích cực tuyển dụng nhân sự robot và AI ở Nhật Bản". Tại buổi trình bày chiến lược tập đoàn với các nhà đầu tư, Hirai đã nói Sony tham vọng tạo ra một robot "kết nối" mọi người và có "cảm xúc" yêu thương thực sự.

Nhưng sau khi ngập trong nợ nần, chính xác thì Sony đã làm gì để có sức mạnh thực hiện cam kết trên?

TV Sony lần đầu tiên có lãi sau 11 năm

Thành lập năm 1946, giữa tàn tro của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, Sony đã phát triển ra một trong những máy thu thanh bán dẫn (transistor radio) dành cho người tiêu dùng đầu tiên trên thế giới, sau đó là nhiều sản phảm nổi tiếng khác. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 21, mọi thứ bắt đầu đi xuống. Tháng 4/2003, Sony tiết lộ báo cáo thất vọng và thừa nhận con người gập ghềnh phía trước. Cổ phiếu lao dốc và chạm mức thấp nhất 2 thập kỷ. Một số đã gọi hiện tượng này là "Sony shock".

Sự phổ biến của kết nối Internet đã khiến tầm quan trọng của TV, CD, DVD bị lu mờ. Sáng tạo kỹ thuật só, nghĩa là PC, TV chỉ như một bộ sưu tập bán dẫn. Sự đa dạng hàng hóa đã cho phép các hãng giá rẻ của Trung Quốc và Hàn Quốc theo kịp và vượt mặt các nhà sản xuất Nhật Bản kỳ cựu.

Sony mất phương hướng. Hãng thua Apple trong việc kết hợp phần mềm, phần cứng và các tính năng online trong sản phẩm. Khi các cựu lãnh đạo than khóc, Sony càng sợ rủi ro. Hãng càng đi theo hướng an toàn, lại càng gặp khó khăn.

Nhưng khi Hirai nhậm chức, ông thề sẽ "thay đổi" Sony. Và ông không nói đùa.

Hirai không đi theo con đường cũ để lên đỉnh. Khi hàng điện tử luôn được xem là cốt lõi của Sony, ông lại đưa tên tuổi của ông vào ngành âm nhạc ở Mỹ và ngành game ở Nhật.

Trong khi đó, Sony hoặc bán hoặc sáp nhập một loạt các mảng kinh doanh: màn hình LCD cỡ vừa và nhỏ, chất hóa học, PC Vaio, pin…. Hãng cũng giảm bớt nhân sự hành chính tại trụ sở và cắt giảm 10.000 người trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Sony cũng cố gắng duy trì doanh số mạnh trong mảng giải trí, bao gồm game, nhạc, phim và truyền hình.

Sony đã có lãi trở lại, tập trung vào sáng tạo thay vì lo tồn tại

Tỷ suất lợi nhuận của công ty ở mảng âm nhạc đang lên. Máy chơi game mới nhất của hãng, PlayStation 4, cũng thành công vang dội. Với mảng TV, Sony tập trung  vào TV 4K siêu nét và đã đưa mảng TV có lợi nhuận trong năm tài khóa 2014, lần đầu tiên trong 11 năm.

Giờ đây, toàn bộ mảng điện tử của Sony đã có lãi trở lại, Sony sẵn sàng đối diện với thách thức mới: tiếp tục sáng tạo.

Cuối cùng thì, sau gần 2 thập kỷ èo uột, các nhà lãnh đạo đang hy vọng về một tương lai tươi sáng của Sony.

Hoàng Lan

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận