Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Cặp đôi siêu phẩm Pixel 2 và Pixel 2 XL của Google, tạm bỏ qua những lùm xùm liên quan đến chất lượng thì chúng là hai trong số những điện thoại tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sở hữu chúng không phải là điều đơn giản một chút nào, khi Google chỉ bán sản phẩm của mình ở 6 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Ngày ra mắt của Pixel 2 và Pixel 2 XL hiển nhiên là một sự kiện vô cùng lớn đối với Google. Qua đó, công ty có thể chứng tỏ với thế giới rằng họ có thể thiết kế một chiếc điện thoại thông minh với những tính năng hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với những flagship Android tốt nhất, và thậm chí là cả iPhone.

Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng có thể ngăn cản các mẫu Pixel 2, và thực sự là hầu hết các sản phẩm của công ty trở nên thành công về mặt doanh số. Đó là vì những thị trường mà Google hướng tới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Pixel 2 và Pixel 2 XL hiện chỉ sẵn có tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Úc, Canada, Đức, Puerto Rico, Vương quốc Anh và Mỹ thông qua Google Store. Hai chiếc điện thoại của Google cũng sẽ được bán tại Ấn Độ thông qua Flipkart, bắt đầu đặt trước từ ngày 26/10 tới đây (Google đồng thời chọn Verizon làm nhà cung cấp "độc quyền" của Pixel 2 tại Mỹ, nhưng đó thực sự là một vấn đề khác).

Đúng vậy, ít nhất tính đến thời điểm hiện tại, các điện thoại Pixel 2 sẽ chỉ chính thức được bán tại 7 thị trường. Ngược lại, Apple bán cặp đôi iPhone 8 và iPhone 8 Plus tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chiếc Galaxy Note 8 của Samsung cũng chỉ kém đôi chút khi phân phối tại hơn 40 quốc gia.

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Pixel 2 và Pixel 2 XL sẽ không thể bán được nhiều đơn vị máy như các đối thủ cạnh tranh nếu như Google không bán chúng ở nhiều nơi trên thế giới. Google cũng chưa bao giờ lên tiếng về việc có bao nhiêu điện thoại Pixel. hay trước đó là điện thoại và máy tính bảng Nexus từng được bán. Một số nguồn tin (chưa được kiểm chứng) khẳng định rằng Google chỉ bán được 1 triệu máy Pixel sau 7 tháng ra mắt hồi năm ngoái.

Vấn đề này không chỉ dừng lại ở điện thoại Pixel, khi các thiết bị phần cứng khác của Google cũng chịu chung số phận. Chiếc Chromebook PixelBook mới được công bố chỉ được bán tại ba quốc gia: Canada, Anh và Mỹ. Loa thông minh Google Home "khá khẩm" hơn chút, với 7 quốc gia: Úc, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Anh và Mỹ.

Chromecast, thứ từng được cho là sản phẩm phần cứng thành công nhất của Google – công ty gần đây đã xác nhận rằng họ bán được 55 triệu đơn vị trên toàn thế giới kể từ khi model đầu tiên ra đời vào năm 2013 – vẫn chưa có ở khắp mọi nơi. Thậm chí, ngay cả một số dịch vụ phần mềm như Google Play Music và Google Play Movies & TV cũng chưa thể đến tay người dùng tại nhiều thị trường lớn.

Google chắc chắn có rất nhiều sản phẩm phần cứng tốt, nhưng tại sao họ lại từ chối mở rộng ra các thị trường khác trên thế giới?

AndroidAuthority đã liên hệ với Google để hỏi về vấn đề này. Tuy chưa nhận được câu trả lời, nhưng có một vài lí do mà chúng ta có thể đoán được.

Google lo ngại phải đối phó với các vấn đề chống độc quyền

Một trong những lí do lớn khiến Google không muốn bán sản phẩm của mình ở nhiều nơi trên thế giới là vì họ không muốn đến với những quốc gia mà các cơ quan có thẩm quyền "đập vào mặt" họ với những khoản tiền phạt chống độc quyền khổng lồ. Tại châu Âu, bạn chỉ có thể mua Pixel 2 ở Anh và Đức, vì chính Google đang bị phần lớn các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) tấn công. Ủy ban Châu Âu đã phạt Google 2,7 tỷ USD đầu năm nay, tuyên bố rằng công cụ so sánh mua sắm trực tuyến của Google, kết hợp với bộ máy tìm kiếm của họ đã mang lại lợi thế bất hợp pháp so với các công cụ mua sắm khác.

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Dịch vụ Chống Độc quyền của Liên bang Nga đã phạt Google 6,75 tỷ USD trong năm 2016, cho rằng chính sách của công ty khi cài đặt Search, Maps và các dịch vụ khác như một phần của gói dịch vụ Google Play Store trên các smartphone Android là không công bằng với các công cụ tìm kiếm và ứng dụng khác, đơn cử là Yandex của Nga. Cuối cùng, Google buộc phải đồng ý cho phép những điện thoại Android bán tại Nga được lựa chọn giữa Yandex, Google và Mail.ru là công cụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt Chrome của họ.

Những đòn tấn công nhằm vào Google từ các cơ quan pháp luật có thể là lí do khiến Google không bán điện thoại Pixel và các sản phẩm phần cứng khác tại châu Âu. Họ vốn đã phải đau đầu với việc cung cấp hệ điều hành Android, các ứng dụng và dịch của họ, lên các sản phẩm của bên thứ ba. Vì vậy, những mối lo ngại của Google là hoàn toàn hợp lý.

Google có thể không được phép bán điện thoại Pixel ở Trung Quốc

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Có một sự thật rất rõ ràng là Google vấp phải nhiều vấn đề trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của mình ở Trung Quốc, một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Tuy các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc như Huawei, ZTE và Xiaomi có thể dùng Android, điện thoại của họ không được phép cài đặt sẵn các ứng dụng của Google, và Google Play Store cũng bị cấm. Đây cũng là lí do khiến Google không muốn bán điện thoại của mình ở quốc gia này, ngay cả khi đối thủ lớn nhất của họ, Apple, hiện đang được phép bán iPhone ở Trung Quốc.

Với tình hình hiện tại, tương lai của Google ở Trung Quốc vẫn còn rất mù mịt. Đã từng có nhiều tin đồn khẳng định rằng Google Play Store sẽ được phép hoạt động ở Trung Quốc, nhưng chưa có tin đồn nào trong số đó trở thành sự thật. Nếu Google thực sự muốn tăng doanh số của Pixel, họ sẽ phải bước chân vào thị trường Trung Quốc, và để làm vậy, họ sẽ cần có những phiên bản Google Play Store dành riêng cho thị trường nơi đây, điều rất khó có thể xảy ra trong thời gian gần.

Google muốn truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất smartphone, chứ không phải cạnh tranh với họ

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Hệ điều hành Android là lựa chọn duy nhất cho các nhà sản xuất smartphone không-phải-Apple. Tuy chúng ta đã từng nhìn thấy những hệ điều hành đầy hứa hẹn, thay thế Android – như Tizen, Firefox OS, BlackBerry và cả Windows Phone mới bị khai tử - tất cả chúng đều đã gục ngã trên con đường tói thành công. Nếu bạn là một công ty phần cứng mới và muốn ra mắt một chiếc smartphone, bạn sẽ buộc phải dùng Android.

Có lẽ vì vậy nên Google không muốn bán Pixel ở các thị trường khác, khi những hành động như vậy có thể khiến các đối tác bên thứ ba như Samsung, LG, Lenovo,... cảm thấy "buồn lòng". Nếu Google bán sản phẩm của mình ở nhiều nơi hơn, mối quan hệ của họ với các nhà sản xuất điện thoại Android khác trở nên rất khó xử.

Thay vào đó, việc Google hạn chế nơi bán các sản phẩm phần cứng của họ như Pixel, Google Home hay PixelBook dường như là để truyền cảm hứng cho các công ty khác, giúp họ định hình thiết kế và tính năng cho các sản phẩm của riêng họ.

Ví dụ, chiếc Pixel 2 có con chip dành riêng cho việc xử lý hình ảnh tốt hơn, và đây có thể là xu hướng mới. Quyết định loại bỏ cổng tai nghe 3.5mm và khe cắm thẻ nhớ microSD cũng có thể là tín hiệu cho thấy họ muốn các hãng sản xuất điện thoại Android khác làm điều tương tự.

Tại sao Google không bán Pixel của mình ở nhiều thị trường hơn?

Những động thái kinh doanh như thế này đã từng xảy ra trước đây. Khi Microsoft bước chân vào lĩnh vực kinh doanh phần cứng Windows PC với dòng Surface, bắt đầu với Surface RT năm 2012, nhiều chuyên gia đã tự hỏi liệu Microsoft có làm cho các đối tác phần cứng khác như Dell, HP,... quay lưng lại với Windows hay không. Thay vào đó, bằng cách phân phối Surface tại nhiều quốc gia, Microsoft thực sự đã trở thành nguồn cảm hứng để các đối tác của họ ra mắt các sản phẩm máy tính bảng 2-trong-1 tương tự.

Đây có thể là điều mà Google muốn với sản phẩm Pixel của họ. Họ không muốn, thậm chí không cần Pixel thành công về mặt doanh số. Nếu như Google có thể tạo ra sự ảnh hưởng tới các đối tác, khiến họ đi theo dấu chân của mình, nó sẽ giúp Android có thể tiếp tục giữ vững vị thế đứng đầu tại thị trường di động trong thời gian dài nữa.

Lời kết

Dĩ nhiên, tất cả những điều trên đều chỉ là phỏng đoán. Google chưa đưa ra bất kì lời bình luận chính thức nào liên quan đến việc vì sao họ lại hạn chế doanh số bán ra của các sản phẩm của họ, và dường như họ cũng chẳng muốn đề cập đến vấn đề này. Có thể họ muốn giữ bí mật chiến lược kinh doanh của mình. Bất kể lí do là gì, tình hình cũng sẽ không thay đổi, ít nhất là trong thời gian tới. Chỉ mong rằng, những gì mà Google đã và đang làm là vì mục tiêu tốt đẹp nhất.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận