TGDĐ thâu tóm Trần Anh để mở rộng tầm ảnh hưởng tại miền Bắc?

TGDĐ thâu tóm Trần Anh để mở rộng tầm ảnh hưởng tại miền Bắc?

TGDĐ thâu tóm Trần Anh để mở rộng tầm ảnh hưởng tại miền Bắc?

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động sẽ thâu tóm Trần Anh?

Liên tục vài ngày trở lại đây, ngay sau khi cuộc họp với các nhà môi giới đầu tư của Thế giới Di động , giới đầu tư trong nước bất đầu nở rộ tin đồn, TGDĐ sẽ thâu tóm một hệ thống bán lẻ điện máy tại miền Bắc để sáp nhập và mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Đây cũng là một trong những kế hoạch lớn trong năm 2017 của TGDĐ.

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất và sáng giá nhất đó là hệ thống Trần Anh, đây là một hệ thống bán lẻ có quy mô lớn ở khu vực này, sở hữu 39 trung tâm kinh doanh điện máy ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Bình...

Một cái tên khác cũng được đánh giá cao trong thông tin rò rỉ thâu tóm còn có Mediamart nhưng xét về hệ thống và tốc độ phát triển, hệ thống này vẫn còn khá xa so với Trần Anh.

Trao đổi với Dân trí, đại diện từ Trần Anh và TGDĐ đều không xác nhận thông tin trên. Cả hai vị đại diện này đều cho biết, sẽ chính thức thông tin nếu có sự thay đổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo một số thông tin riêng, khả năng sát nhập của Trần Anh vào TGDĐ rất cao bởi TGDĐ đang cần một cuộc sát nhập để bành trướng quy mô và mở rộng tầm ảnh hưởng. Vấn đề giờ chỉ còn là thời gian. Giới đầu tư cho rằng, thương vụ này sẽ khép lại ít nhất vào cuối tháng 8 tới đây.

Điều này cũng dễ hiểu bởi số lượng hệ thống bán lẻ của TGDĐ hiện có sự chênh lệch khá lớn ở hai miền Bắc và Nam. Tính riêng ở hai thành phố lớn, TGDĐ có đến 208 siêu thị ở miền Nam trong khi Hà Nội chỉ có 153 siêu thị. Đối với các tỉnh nằm trong khu vực miền Nam, số lượng siêu thị cũng vượt trội hơn đáng kể so với các tỉnh ở phía Bắc.

Trước đó, vào tháng 8/2015, đại diện TGDĐ cũng tỏ tham vọng đánh vào thị trường miền Bắc khi mở ra siêu thị đầu tiên ở Cao Bằng. Đây là siêu thị đầu tiên trong chiến lược Bắc tiến. Tính đến hiện nay, lĩnh vực điện máy của Điện Máy Xanh chiếm 15-16% thị phần tại đây. Đây là một con số khá hạn chế so với tiềm năng của thương hiệu này và so với thị phần của khu vực miền Nam.

Trong buổi giới thiệu về khả năng Bắc tiến vào năm 2015, đại diện từ TGDĐ cũng cho biết, nhu cầu mua sắm ở mỗi thị trường, vùng miền đều có sự khác biệt nhau khá nhiều và việc mở rộng quy mô, tìm chỗ đứng để tồn tại ở những thị trường, vùng miền khác là điều không hề đơn giản. Thực tế đã cho thấy, tại thị trường Việt, những thương hiệu về điện máy như Pico, Home One hay thậm chí một doanh nghiệp từng loạt top 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương là Best Carring đã phải "ngậm ngùi" ngưng hoạt động chỉ sau 1, 2 năm mở cửa.

Đơn cử như Pico Hà Nội với kế hoạch Nam tiến dành cho khu phức hợp 56.000 m2 trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng chỉ hoạt động hơn 1 năm, bắt đầu từ năm 2013, chuỗi điện máy Pico Hà Nội đã phải tạm dừng hoạt động để giao mặt bằng siêu thị tự chọn và siêu thị điện máy Pico cho Lotte thuê.

Do đó, có thể thấy, việc thâu tóm một hệ thống vốn có kinh nghiệm tại thị trường miền Bắc được xem là một bước đi quan trọng đối với TGDĐ trong việc tấn công mạnh vào thị trường này. Đi cùng đó, Trần Anh là một doanh nghiệp niêm yết với số liệu minh bạch càng củng cố niềm tin cho việc lựa chọn tốt nhất.

Gia Hưng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận