Thách thức lớn nhất của Face ID: Có được sự tin tưởng của người dùng

Thách thức lớn nhất của Face ID: Có được sự tin tưởng của người dùng

Face ID là công nghệ bảo mật mới được Apple công bố trong tuần này. Cũng giống như mọi công nghệ khác, ở những ngày đầu tiên, việc người dùng tỏ ra hoài nghi là điều hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.

Theo trang tin CNET, kể từ khi mật khẩu được phát minh ra, bạn đã luôn được nhắc nhở rằng phải giữ bí mật một cách tuyệt đối. Giờ, Apple muốn biến đặc điểm công khai nhất của bạn thành mật khẩu: toàn bộ khuôn mặt của bạn.

Để thực hiện được điều này, Apple sẽ phải tốn không ít thời gian. Hầu hết mọi người đều chưa được tiếp xúc nhiều với công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong đời sống hàng ngày của họ. Ngay cả khi người dùng đã có tìm hiểu ở một mức độ nhất định, họ cũng sẽ trở nên hoài nghi sau hàng năm trời chứng kiến những phần mềm nhận diện khuôn mặt bị đánh lừa một cách dễ dàng và sự thiếu chắc chắn của công nghệ sinh trắc học nói chung.

Bên trong chiếc iPhone X, phiên bản đặc biệt kỉ niệm chặng đường 10 năm của iPhone là hệ thống Face ID, với khả năng quét khuôn mặt của bạn bằng một loạt các camera và cảm biến để mở khóa thiết bị. Nó là sự thay thế của Touch ID, công nghệ cảm biến vân tay lần đầu tiên được giới thiệu cùng với iPhone 5S năm 2013.

Giám đốc mảng tiếp thị của Apple Phil Schiller khẳng định trong sự kiện ra mắt iPhone: "Không có gì có thể đơn giản hay an toàn hơn nữa".

Thách thức lớn nhất của Face ID: Có được sự tin tưởng của người dùng

Face ID là công nghệ bảo mật mới nhất của Apple, hứa hẹn sẽ mở khóa điện thoại của bạn bằng cách quét toàn bộ khuôn mặt (ảnh: Apple)

Touch ID đã từng vấp phải những sự hoài nghi khi nó mới được ra mắt, bao gồm cả các chính trị gia tỏ ra lo ngại về vấn đề quyền riêng tư. Đó mới chỉ là dấu vân tay. Bây giờ, Apple phải thuyết phục bạn dùng khuôn mặt của mình để mở khóa iPhone, ngay cả khi các công ty công nghệ khác đã phải vật lộn với những lo ngại của công chúng. Ngay khi người dùng đã dần cảm thấy thoải mái với Touch ID, Apple lại quyết định bỏ đi tính năng này và thay vào đó là Face ID. Giờ người dùng sẽ buộc phải lựa chọn: Hoặc là Face ID, hoặc là nhập passcode.

Phần lớn người dân Mỹ không tin tưởng các công ty trong việc lưu trữ thông tin riêng tư của họ - bạn có thể dễ dàng kể đến vài vụ tấn công mà hậu quả là hàng triệu người bị lộ dữ liệu, gần đây nhất là Equifax. Liệu Apple có thể cung cấp cho người dùng cảm giác an toàn hay không? Câu trả lời vẫn còn chờ đợi chúng ta ở phía trước.

Xác thực sinh trắc học đem lại một số lợi thế nhất định so với mật khẩu. Sẽ tiện hơn rất nhiều nếu bạn có thể mở khóa chỉ bằng cách nhìn vào điện thoại hay giữ ngón tay trên máy quét, ít ra là nếu so với nhập mật khẩu. Ngoài ra, dữ liệu sinh trắc cũng khó có thể bị đánh cắp, và bạn cũng không cần phải ghi nhớ gì cả. Điều tuyệt vời nhất của công nghệ này là đặc điểm của bạn là duy nhất. Nếu bạn (bằng cách nào đó) có dính líu đến pháp luật, bạn có thể sẽ bị buộc phải mở khóa thiết bị của mình, nhưng đó là câu chuyện hoàn toàn khác.

Nhưng công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng không có được quá nhiều sự yêu mến, do những thất bại của nó trong suốt 5 năm qua.

Công nghệ này có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi ảnh chụp. Nó không hoạt động trong bóng tối. Trong một vài trường hợp, người dùng đeo kính cũng không thể mở khóa.

Dasha Cherepennikova, Giám đốc an ninh của One Word Identity, một công ty nghiên cứu về quyền riêng tư, cho biết: "Công nghệ nhận diện khuôn mặt trước đây hoạt động không tốt chút nào. Có rất nhiều sự lo ngại, và giờ Apple đang nói rằng họ đã tạo ra một thứ đại trà và thực sự hoạt động được".

Để làm được điều đó, Apple đã chọn cách tiếp cận chậm mà chắc, giống như cách họ luôn làm. Họ không phải là những người đầu tiên áp dụng công nghệ vân tay, và nhận diện khuôn mặt cũng vậy. Apple đã dành thời gian của mình để đảm bảo rằng Face ID không đi vào vết xe đổ mà những sản phẩm đi trước để lại.

Chậm mà chắc

Nhận diện khuôn mặt đã xuất hiện trên hệ điều hành Android của Google từ 2011, khi Face Unlock được giới thiệu cùng với Android 4.0. Người ta cũng đã có thể đánh lừa công nghệ này từ lúc ấy đến giờ. Cách thực hiện chỉ đơn giản là giữ một bức ảnh ở trước camera của điện thoại và nó không thể nhận ra sự khác biệt. Bạn sẽ nghĩ rằng sau 6 năm, mọi chuyện đã thay đổi, nhưng không, ngay cả siêu phẩm Galaxy Note 8 của Samsung, một trong những thiết bị Android mạnh mẽ nhất, cũng không thể vượt qua bài kiểm tra này.

Thách thức lớn nhất của Face ID: Có được sự tin tưởng của người dùng

Những thế hệ trước của công nghệ nhận diện khuôn mặt đều không thành công do bị lừa một cách quá dễ dàng.

Sự tin tưởng của công chúng với công nghệ bảo mật sinh trắc học cũng giảm đi. Nghiên cứu từ RSA Security và Harris Poll cho thấy chỉ có 28% người dùng tin tưởng sử dụng nhận diện khuôn mặt thay cho mật khẩu. Sau khi Apple ra mắt Face ID, Edward Snowden, người đã từng tiết lộ các tài liệu mật về những việc làm gián điệp của NSA, đã bày tỏ những sự e ngại trước việc "bình thường hóa" nhận dạng khuôn mặt.

Trong một tweet của mình, Snowden đã viết Face ID là "một công nghệ chắc chắn sẽ bị lạm dụng".

Ông Jim Ducharme, phó Chủ tịch phụ trách các sản phẩm nhận dạng của RSA cho biết: "Có rất nhiều nhà cung cấp đã đẩy mạnh việc đưa nhận diện khuôn mặt vào thị trường. Không chỉ có những mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật, cách những dữ liệu được sử dụng cũng có được sự quan tâm đặc biệt".

Vì vậy, Apple đã phát triển một hệ thống mà không thể bị lừa bởi ảnh chụp hoặc các mô hình 3D. iPhone X không chỉ dựa vào máy ảnh để nhận diện khuôn mặt của bạn. Nó sử dụng hình ảnh quét từ camera hồng ngoại, cảm biến chiều sâu và một máy chiếu điểm có khả năng nhìn từ 30.000 điểm khác nhau để xác định các nét trên khuôn mặt của bạn.

iPhone X quét 3D, nên ảnh tĩnh sẽ không có tác dụng. Apple cũng đã làm việc với những nhà sản xuất mặt nạ Hollowood để đảm bảo Face ID sẽ không bị đánh lừa bởi các khuôn mặt giả. Theo như Apple quảng cáo, tỉ lệ Face ID bị qua mặt chỉ là 1/1.000.000.

Ông Ducharme nói: "Cầm một bức ảnh của người khác sẽ là vô dụng vì nó không phải là ảnh hồng ngoại. Cách tiếp cận của Apple để nhận diện khuôn mặt rất khác nếu so với việc dùng máy ảnh để chụp selfie".

iPhone X phải đến tháng 11 mới bắt đầu giao hàng, nên chúng ta chưa thể tự tay kiểm chứng. Tuy nhiên, Apple đã chứng minh rằng nhận diện khuôn mặt của họ có khả năng quét mạnh mẽ hơn so với chỉ dùng một máy ảnh duy nhất.

Andrew Blaich, một nhà nghiên cứu bảo mật tại Lookout chia sẻ: "Cơ bản mà nói, Apple đã chờ đợi cho đến khi họ có thể áp dụng công nghệ theo cách mà họ muốn. Họ thong thả, và chắc chắn rằng mình đã kiểm tra một cách đầy đủ".

Giữ bí mật

Giống như Touch ID, tất cả dữ liệu của khuôn mặt bạn sẽ được lưu trữ ở Secure Enclave của iPhone X, một phần của vi xử lý có trên điện thoại với bộ nhớ được mã hóa riêng. Dữ liệu sẽ không được gửi tới máy chủ mà Apple sở hữu, nơi mà các hacker có thể đánh cắp thông tin, giống như vụ rò rỉ iCloud năm 2014.

Đánh mất dữ liệu sinh trắc học có thể gây nguy hiểm nếu tin tặc tìm ra cách để xâm nhập vào tài khoản của bạn. Thay đổi khuôn mặt của bạn không hề dễ dàng như đổi mật khẩu đâu.

Theo Chad Holmes, một nhà phân tích của Ernst and Young: "Đó là nơi mà rất nhiều thách thức đang đón chờ các công ty như Apple. Các nhà cung cấp giờ rất chú ý đến cách mà họ lưu trữ dữ liệu của mình".

Thách thức lớn nhất của Face ID: Có được sự tin tưởng của người dùng

Face ID của Apple sẽ lưu thông tin trên Secure Enclave, một phần của vi xử lý với bộ nhớ được mã hóa riêng (ảnh: Apple).

Lưu trữ dữ liệu sinh trắc học trên thiết bị thay vì trên máy chủ là một điều khá phổ biến, thứ mà Samsung và Microsoft cũng áp dụng với công nghệ của mình. Nếu có lo ngại rằng Apple đang bí mật gửi thông tin đi nơi khác, việc phân tích lưu lượng sẽ có thể làm sáng tỏ.

Pepijn Bruienne, một kỹ sư nghiên cứu của Duo Security khẳng định: "Tôi đã từng thực hiện kỹ thuật đảo ngược (reverse engineering) và theo dõi luồng dữ liệu của Secure Enclave. Không có bất kì dữ liệu nào được gửi đi đâu cả. Face ID cũng sẽ như vậy".

Đối mặt với tương lai

Face ID sẽ còn ở lại trong một thời gian dài nữa, cũng đồng nghĩa với việc Apple sẽ phải thực hiện được những hứa hẹn của mình với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Họ đã có một khởi đầu không suôn sẻ: Face ID không hoạt động trong lần biểu diễn trực tiếp tại sự kiện ra mắt iPhone X, nhưng Apple đã khẳng định rằng đó là vì có nhiều người trước đó đã sử dụng điện thoại, buộc hệ thống phải yêu cầu mật khẩu (giống như Touch ID). Nói cách khác, "đó không phải là lỗi, mà là một tính năng".

Mọi người sẽ không muốn một hệ thống sinh trắc học không hoạt động, dù trông chúng tuyệt vời như thế nào. Việc nhập mã PIN tuy có bất tiện, nhưng không phải là một cái gì quá khó khăn. Bảo mật và quyền riêng tư là những mối lo lớn của Face ID, nhưng tính năng này sẽ không biến mất một cách dễ dàng vì sự thuận tiện của nó.

Ngoài ra, Apple cũng đã giới thiệu các tính năng giúp việc quét khuôn mặt trong bóng tối trở nên khả thi, đồng thời Face ID còn dùng một mạng lưới thần kinh có khả năng nhận ra khuôn mặt của bạn sau những tác động của thời gian, kể cả bạn có để râu hay có sẹo.

Apple có thể đã chậm chân trong công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhưng họ đã đặt ra những biện pháp phòng ngừa để đảm bảo Face ID không phải là một thất bại thảm hại như những đối thủ.

Blaich nói: "Nếu trải nghiệm người dùng suôn sẻ, sự chấp thuận của công chúng sẽ phát triển một cách nhanh chóng".

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận