Thị trường điện máy Hà Nội tăng trưởng chậm so với các tỉnh

Thị trường điện máy Hà Nội tăng trưởng chậm so với các tỉnh

Thị trường điện máy Hà Nội tăng trưởng chậm so với các tỉnh

Các doanh nghiệp điện máy với tiềm lực mạnh luôn khiến cho cuộc chạy đua cạnh tranh quyết liệt. Ảnh: Phan Minh.

Theo đánh giá của ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Trần Anh, năm 2015 thị trường điện máy Việt Nam tăng trưởng khoảng 20%, trong khi đó mức tăng trưởng của khu vực thị trường Hà Nội chỉ dừng lại ở mức 13%.

Thị trường điện máy Hà Nội đang bước vào giai đoạn bão hòa khi có hàng loạt thương hiệu điện máy mở điểm bán, giành giật thị phần.

Hệ thống Trần Anh với siêu thị mới nhất vừa khai trương tại thành phố Thái Bình đang sở hữu 24 siêu thị, trong đó 9 siêu thị tại Hà Nội, 15 siêu thị tại các tỉnh; Media Mart hiện có 22 siêu thị thì có 10 siêu thị tại Hà Nội, 12 siêu thị tại các tỉnh; HC có 14 siêu thị với 6 siêu thị tại Hà Nội, 8 siêu thị tại các tỉnh…

Ngoài ra, những cái tên như Pico, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh… vẫn đang ra sức chạy đua.

Trong khi thị trường Hà Nội tăng trưởng chậm thì nhu cầu mua sắm hàng điện máy tại thị trường các tỉnh rất tiềm năng, còn nhiều cơ hội để mở rộng thị phần cho Điện máy Xanh, Trần Anh, Media Mart, HC, VinPro, Pico…

Với mức tăng trưởng 20%, năm 2015, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam được đánh giá là đạt gần 7 tỷ USD. Thị phần của từng nhà bán lẻ trong lĩnh vực kinh doanh điện máy tại Việt Nam chưa có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường và doanh nghiệp phía sau.

Còn theo dự báo từ hãng nghiên cứu Statista (Đức), ước tính thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2016 có thể đạt doanh số 100 tỷ USD, trong đó riêng ngành hàng điện tử tiêu dùng vào khoảng 10 tỷ USD. Hiện cơ hội dành cho các doanh nghiệp trên thị trường này lớn nhưng tính cạnh tranh và đào thải vẫn luôn khốc liệt.

Liên tiếp trong 5 năm gần đây, Việt Nam chứng kiến không ít lần thu hẹp quy mô hoặc thậm chí là phải rút lui, phá sản của các nhà bán lẻ điện máy tên tuổi (như BestCaring năm 2012, Việt Long năm 2014 hay TopCare trong năm 2015), song cũng xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư ngoại lẫn các nhà bán lẻ mới như Nojima Nhật Bản đầu tư vào Trần Anh và hiện chiếm 31% cổ phần tại doanh nghiệp này, Central Group (Thái Lan) mua 49% cổ phần của chuỗi bán lẻ điện máy Nguyễn Kim…

Để có thể “đánh chén" miếng bánh này, giữa các nhà bán lẻ liên tục có sự cạnh tranh, mở rộng quy mô hệ thống, tung hàng khuyến mãi, giảm giá nhằm chiếm thị phần, tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, khuyến cáo của giới kinh doanh, với thực tế tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh điện máy chưa cao thì chỉ những doanh nghiệp quản lý tốt chi phí, có đủ tiềm lực tài chính mới có thể tiếp tục cuộc đua chiếm thị phần và tạo chỗ đứng trên thị trường.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận