Thỏa thuận giữa Grab và Uber sẽ phải hoãn lại khi giới chức Singapore vào cuộc điều tra?

Thỏa thuận giữa Grab và Uber sẽ phải hoãn lại khi giới chức Singapore vào cuộc điều tra?

Ủy ban cạnh tranh Singapore khẳng định, họ có đầy đủ cơ sở để nghi ngờ thương vụ giữa Grab và Uber đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Trước khi cuộc điều tra của Ủy ban kết thúc, hai bên sẽ buộc phải tạm dừng việc sáp nhập.

Thỏa thuận giữa Grab và Uber sẽ phải hoãn lại khi giới chức Singapore vào cuộc điều tra?

Trong thông báo phát đi vào hôm 30/3, Ủy ban cạnh tranh Singapore khẳng định sẽ vào cuộc điều tra thương vụ sáp nhập giữa hai công ty Uber và Grab.

Trước khi cuộc điều tra kết thúc, hai bên không được phép thực hiện bất cứ hành động sáp nhập kinh doanh nào ở Singapore. Đồng thời, Uber và Grab phải giữ giá dịch vụ độc lập như trước. Các văn bản bí mật như khung giá, khách hàng và tài xế cũng không được phép trao đổi qua lại.

CCS khẳng định, thỏa thuận giữa Uber và Grab đã vi phạm điều 54 thuộc Luật Cạnh tranh với nội dung, cấm các hoạt động sáp nhập, thâu tóm gây ảnh hưởng tới yếu tố cạnh tranh trên thị trường.

Theo Reuters, động thái trên được khẳng định sẽ gây trở ngại không hề nhỏ cho Uber trong việc cải thiện lợi nhận và nhanh chóng rút chân khỏi thị trường Đông Nam Á, vốn đang thua lỗ nghiêm trọng.

Năm ngoái, Uber đã thua lỗ 4,5 tỷ USD và liên tiếp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường Mỹ và Châu Á, thậm chí công ty còn gặp phải làn sóng phản đối dữ dội tại Châu Âu. Trước đây, hãng cũng từng có thời gian đầu tư tới hơn 700 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á.

Trả lời trước những tuyên bố của CSS, đại diện Grab khẳng định: "Để giải quyết mối quan ngại của người dùng, chúng tôi tự nguyện cam kết duy trì khung giá cũ và không tăng giá cước cơ bản. Đây là cam kết mà chúng tôi muốn khẳng định với CCS và công chúng".

Về phía Uber, công ty chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc.

Trở lại diễn biến bất ngờ hôm thứ Hai (26/3) khi Uber và Grab công bố thỏa thuận sáp nhập. Đây là sự kiện đánh dấu lần rút lui thứ hai của Uber khỏi thị trường Đông Nam Á.

Thỏa thuận giữa Grab và Uber sẽ phải hoãn lại khi giới chức Singapore vào cuộc điều tra?

Để được chấp thuận, hai bên sẽ phải gửi các điều khoản và thông báo tự nguyện sáp nhập tới CCS không quá ngày 16/4 tới.

Bản thỏa thuận giữa hai bên thống nhất, Uber sẽ bán toàn bộ chi nhánh Đông Nam Á cho Grab. Bù lại, Uber sẽ được nắm 27,5% cổ phần của Grab trị giá khoảng 6 tỷ USD. Đồng thời, CEO Uber Dara Khosrowshahi sẽ tham gia hội đồng quản trị của Grab.

Ngay sau khi công bố thỏa thuận, phía Uber và Grab cũng đã gửi thông báo về một cuộc sáp nhập quy mô lớn tới khách hàng và tài xế. Cả hai bên đều khẳng định, dữ liệu người dùng Uber sẽ được chuyển sang và bảo mật tối đa trên hệ thống của Grab. Quá trình chuyển đổi dịch vụ và nền tảng dự kiến sẽ có hiệu từ ngày 8/4 tới.

Mặc dù vậy, người dùng vẫn có thể dùng dịch vụ của Uber tại hơn 80 quốc gia khác ngoài Đông Nam Á.

Thỏa thuận chung giữa Uber và Grab về cơ bản có lợi cho cả đôi bên khi Grab có thể củng cố thêm vị trí số 1 tại Đông Nam Á với hơn 640 triệu dân. Trong khi đó, Uber sẽ có thêm một khoản tài chính dư giả để tập trung cho các thị trường trọng điểm khác, ví dụ như Ấn Độ. Công ty dự kiến sẽ có phiên IPO đầu tiên vào năm 2019.

Tuy nhiên giới quan sát và người tiêu dùng cho rằng, thỏa thuận trên có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh độc quyền cho Grab. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới khung giá dịch vụ và khiến người tiêu dùng phải phụ thuộc vào Grab.

Tiến Thanh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận