Toshiba - Hào quang đã mất

Toshiba - Hào quang đã mất

Toshiba - một trong những gã khổng lồ công nghệ của Nhật Bản đang vật lộn để tồn tại trong tình cảnh không chắc chắn về "khả năng sống sót". Sức mạnh của hãng đã suy yếu sau hơn 2 thập kỷ lạc hậu trong nền kinh tế toàn cầu hiện đại.

Không chỉ Toshiba mà Sony, Olympus, Hitachi và các tập đoàn công nghệ khác của Nhật Bản, những tên tuổi có chung ký ức về quá khứ huy hoàng khi Nhật Bản dẫn đầu thế giới về công nghệ, đều đang phải đối mặt với khả năng cần được cứu trợ. Chính phủ Nhật Bản sẽ cần suy tính các kế hoạch trợ giúp trong khi các công ty nước ngoài đã nhanh chóng tiếp cận để đảm bảo thu được thứ giá trị khi các hãng đang chật vật.

Ngày 24/4/2017, Toshiba thông báo về việc tách thành 4 đơn vị kinh doanh. Việc làm này có lẽ là nỗ lực tồn tại của một công ty mà chỉ trong 10 năm đã tuột dốc từ vị thế của một nhà sản xuất những sản phẩm vượt trội trở thành một nhà sản xuất tầm thường.

Cùng nhìn về 80 năm trước, khi Toshiba đang ở vị trí dẫn đầu về phát minh công nghệ.

Khởi nguồn của công ty là từ cuối những năm 1800, khi con trai một người thợ thủ công bắt tay vào phát triển thiết bị điện báo. Tuy nhiên, Toshiba của ngày hôm nay được thành lập vào năm 1939 sau khi hợp nhất 2 công ty Tokyo Electric Company và Shibaura Engineering Works.

Cả hai đều là những tên tuổi tiên phong lúc bấy giờ. Năm 1921, Tokyo Electric phát minh ra bóng đèn nóng sáng đầu tiên trên thế giới, một sáng kiến mà đến nay vẫn được ứng dụng trong phần lớn đèn sợi đốt. Giữa thế kỷ 20, Toshiba tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ máy ghi hình, tivi, máy điều hòa không khí và thậm chí các thiết bị tự động xử lý mail.

Toshiba nổi lên trên toàn cầu vào những năm 1980 và 1990, đây cũng là khoảng thời gian chính phủ Nhật Bản cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, những khoản trợ cấp và các chính sách hạn chế cạnh tranh nhằm hỗ trợ các gã khổng lồ công nghệ trong nước xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Thành tựu đỉnh cao mà công ty này đạt được là vào năm 1985 khi tung ra chiếc máy tính xách tay đại chúng đầu tiên T1100. Dù trước đó các hãng khác và ngay cả chính Toshiba đã có những dòng máy tính xách tay, nhưng T1100 được xem là laptop đầu tiên trên thế giới tương thích với IBM, hay nói cách khác T1100 có các thành phần và phần mềm tương tự những chiếc máy tính để bàn IBM vốn có mặt trên thị trường từ năm 1981.

Toshiba - Hào quang đã mất

Chính khả năng tương thích với IBM là nguyên nhân cho sự phổ biến của T1100. Phụ trách dự án Atsutoshi Nishida trước đó chỉ nhận được sự thông qua sản phẩm này với cam kết bán được 10.000 chiếc trong một năm - một mục tiêu đầy tham vọng cho một sản phẩm chưa được kiểm chứng tại thời điểm đó. Nhưng ông không chỉ đạt được con số trên mà còn mở đường cho máy tính xách tay hiện đại.

Theo John Rehfeld, người phụ trách bán T1100 ra nước ngoài, trên thị trường khi đó cũng có một số lượng các máy tính xách tay, tuy nhiên tất cả đều đã có chủ. "Đây là lý do giúp Toshiba có bước tiến nhảy vọt như vậy. Chúng tôi sở hữu một chiếc máy tính xách tay có khả năng hoạt động như một máy tính để bàn".

Hãng cũng dẫn đầu trong giai đoạn bùng nổ chất bán dẫn vào thập niên tám mươi. Toshiba đã vô tình phát minh ra bộ nhớ NAND flash - thành phần chính trong hầu hết các sản phẩm phần cứng hiện đại. Năm 1984, một kỹ sư của hãng có tên là Fujio Masuoka xuất hiện tại cuộc họp các nhà phát triển điện tử quốc tế tại California đã công bố thành quả dự án cá nhân của mình - một chip nhớ có thể lưu trữ dữ liệu mà không cần nguồn điện, có thể thay thế cho ổ cứng đang rất thịnh hành lúc đó.

Cá nhân Masuoka không được hưởng lợi từ phát minh này nhưng Toshiba lại thu được thành quả lớn. Con chip trên sau đó được đưa vào máy ảnh số, máy nghe nhạc mp3, smartphone và ổ đĩa USB flash. Toshiba duy trì vị thế nhà sản xuất NAND flash hàng đầu cho đến ngày nay.

Hãng trở thành một trong những nhà cung cấp máy tính xách tay hàng đầu thế giới trong những năm 1990 và 2000, đồng thời vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực NAND flash. Máy tính Toshiba tràn ngập trên các dãy hàng của các nhà bán lẻ điện tử trên toàn thế giới - năm 2007, hãng chiếm 17,8% doanh số máy tính bán ra tại các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ trong 10 năm, ba nguyên nhân quan trọng đã biến Toshiba từ một nhà tiên phong về công nghệ thành một tập đoàn lạc hậu.

Đầu những năm 2000, sự phổ biến ngày càng tăng của Internet đã khiến nhiều người tiêu dùng thông thường muốn có một chiếc máy tính hơn bao giờ hết. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất theo hợp đồng có giá trị và chất lượng thấp hơn từ Đài Loan, như Acer và Asus, bắt đầu bán máy tính xách tay mang nhãn hiệu riêng và các linh kiện điện tử khác. Sau đó, đến lượt Lenovo và rất nhiều nhãn hiệu không tên tuổi từ Trung Quốc cung cấp các sản phẩm với mức giá thậm chí còn thấp hơn.

Hình ảnh của Toshiba, Sony và các công ty Nhật Bản khác từng gắn liền với các thiết bị điện tử tiêu dùng khan hiếm. Nhưng ngày nay, điện tử tiêu dùng - ngay cả với máy tính xách tay - không còn hấp dẫn hơn một chiếc lò vi sóng hay một chiếc máy giặt nữa. Hay nói cách khác, điều người tiêu dùng muốn là thương hiệu rẻ tiền nhất chứ không phải là thương hiệu uy tín nhất.

Sự cạnh tranh khốc liệt cùng với cuộc suy thoái năm 2008 khiến hãng phải gánh chịu thua lỗ. Theo kết quả tài chính đã sửa đổi của hãng, doanh thu từ máy tính cá nhân đã giảm mạnh hơn 80% từ giữa các năm tài chính 2007 và 2015 trong khi thua lỗ của bộ phận này ngày càng nặng nề.

Năm 2010, Toshiba bắt đầu thuê gia công sản xuất TV và đến năm 2015 hãng rút khỏi thị trường ngoài Nhật Bản. Năm ngoái, hãng cũng tuyên bố sẽ từ bỏ thị trường máy tính cá nhân tiêu dùng ngoài Nhật Bản, thay vào đó chỉ bán cho các doanh nghiệp. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, thị phần máy tính toàn cầu của Toshiba đã giảm từ gần 20% năm 1996 xuống chỉ còn khoảng 5% vào năm 2016.

Năm 2015, một cuộc điều tra sau tố giác tiết lộ công ty đã phóng đại lợi nhuận kinh doanh đến 1,2 tỷ đô la vào những năm kinh doanh máy tính cá nhân suy giảm rõ rệt.

Vì muốn làm hài lòng các cổ đông, giám đốc điều hành khi đó là Atsutoshi Nishida, người trước đó xây dựng vị thế từ những ngày phát triển T1100, đã đặt mục tiêu lợi nhuận cao phi thực tế cho bộ phận kinh doanh máy tính cá nhân. Lần này, ông đã không đạt được con số viển vông đó. Tồi tệ hơn, cấp dưới của vị này còn "chế biến" sổ sách kế toán.

Toshiba - Hào quang đã mất

Bản báo cáo dài 334 trang của ủy ban điều tra thành lập bởi Toshiba cho biết Nishida đôi khi còn khuyến khích kế toán gian lận các con số. Tháng 1/2009, khi một nhân viên báo cáo với Nishida về việc có thể thua lỗ 18 tỷ yên (tương đương khoảng 203 triệu USD tại thời điểm đó) của bộ phận máy tính cá nhân trong 6 tháng, Nishida yêu cầu "cải thiện" lợi nhuận lên đến 10 tỷ yên, vì sợ rằng bộ phận này sẽ phải đối mặt với việc đóng cửa. Theo báo cáo, Nishida đã ra lệnh cho cấp dưới làm tất cả những gì có thể.

Vụ bê bối không trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Toshiba nhưng nó đã phơi bày những vấn đề sâu sắc hơn của hãng, mà nhiều tập đoàn công nghệ ở Nhật Bản cũng gặp phải. Các cấp quản lý đã quen với việc đánh bại các đối thủ cạnh tranh sợ phải báo cáo tin xấu cho ban lãnh đạo vốn đã không muốn nghe tin này. Hậu quả là, văn hóa trên đã làm giảm khả năng đổi mới của Toshiba vào thời điểm mà hãng cần phải cải cách.

Giáo sư Ulrike Schaede, chuyên nghiên cứu các tập đoàn Nhật Bản tại Đại học California, San Diego, miêu tả Toshiba và "căn bệnh" của hãng là ". Kết quả là "mọi người làm theo sự chỉ huy của các cấp lãnh đạo mà không có bất kỳ ý tưởng mới nào".

Một yếu tố chính khác đẩy Toshiba đến bờ vực sụp đổ là sự thiếu may mắn.

Năm 2006, hãng bỏ ra 5,4 tỷ USD để mua nhà máy điện hạt nhân Westinghouse có trụ sở tại Mỹ.

Toshiba không hề có chuyên môn trong lĩnh vực này, nhưng ngành điện hạt nhân được xem là bùng nổ vào thời điểm đó. Năm 2005, chính phủ Mỹ công bố bảo đảm các khoản vay, tín dụng thuế sản xuất và các ưu đãi khác nhằm khôi phục ngành năng lượng hạt nhân của quốc gia này. Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản cũng bày tỏ cam kết thúc đẩy điện hạt nhân.

Tuy nhiên mọi chuyện thay đổi vào năm 2011, khi cơn sóng thần gây ra sự cố thảm khốc tại nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Sau đó, Nhật Bản đóng cửa gần như tất cả các lò phản ứng hạt nhân và các quốc gia khác cũng ngừng việc đầu tư vào điện hạt nhân.

Hiệu ứng domino đã tác động tới bộ phận kinh doanh điện hạt nhân của Toshiba. Công ty Chicago Bridge & Iron mà Westinghouse ký hợp đồng xây dựng bốn lò phản ứng tại Hoa Kỳ, đã bán nhà máy xây dựng hạt nhân của mình cho Westinghouse với hy vọng ngừng các dự án kéo dài và tốn kém. Đây đều là những dự án mà sau này Westinghouse mới phát hiện ra còn đắt đỏ hơn tưởng tượng. Nợ nần chồng chất và không thể hoàn thành các dự án đã ký hợp đồng ở Mỹ, Westinghouse phải đệ đơn xin phá sản hồi tháng 3.

Theo báo cáo kế toán của Toshiba, điều này đã dẫn đến chi phí bỏ ra lên đến hơn 6 tỷ đô la, cao hơn số tiền đã bỏ ra mua Westinghouse. Dự báo khoản lỗ ròng của năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 3 năm 2017 là 9,9 tỷ đô la. Thất bại này khiến cho hãng phải cân nhắc việc bán bộ phận kinh doanh NAND flash - bộ phận duy nhất còn triển vọng cho sự sống còn của hãng. Điều này dẫn đến lục đục với bộ phận kiểm toán và phải trì hoãn gửi kết quả cho năm tài chính vừa kết thúc của hãng. Nếu việc trì hoãn kéo dài đến ngày 15 tháng 5, hãng có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Năm ngoái, nhà thầu Foxconn của Đài Loan đã mua Sharp, một tập đoàn khác cũng đang gặp khó khăn với giá 4,4 tỷ USD. Sony phải "buông tay" ngành kinh doanh máy tính cá nhân vào năm 2014, giảm mạnh kinh doanh điện thoại di động và theo báo cáo, hãng cũng đang cân nhắc bán mảng kinh doanh giải trí. Bộ phận mang lại lợi nhuận nhất của Sony hiện là bảo hiểm nhân thọ. Ngay cả Nintendo dường như cũng đang trên bờ vực biến mất trước khi Pokemon Go xuất hiện.

Theo các chuyên gia, nước Nhật vẫn sẽ "bị mắc kẹt" giữa một Hoa Kỳ đổi mới theo hướng tăng giá trị nội địa và nền sản xuất giá rẻ của châu Á cho đến khi nào các công ty Nhật cải cách văn hoá và tạo ra các sản phẩm phù hợp hơn với nền kinh tế số chứ không phải là nền kinh tế dựa trên việc mua bán sản phẩm vật lý.

William Saito, cố vấn Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết: "Tôi thường nói rằng Nhật Bản đã dẫn đầu một ngành công nghiệp khi ở giai đoạn 'monozukuri' - giai đoạn tạo ra những thứ hữu hình. Thật không may, trong tất cả các ngành công nghiệp ngoại trừ ô tô, Nhật Bản sẽ mất vị thế dẫn đầu của mình vào tay một quốc gia khác".

Đối với Nhật Bản, sự sụp đổ là cần thiết cho sự hồi sinh. Một thế hệ những nhân viên làm công ăn lương tự mãn phải nghỉ hưu và các công ty phải biến mất. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2017, không có công ty nào trong số 4.000 công ty giao dịch công khai của Nhật Bản phá sản – đây không phải là một dấu hiệu của một nền kinh tế đang bùng nổ mà của một nền kinh tế chỉ toàn các zombie hoặc gã khổng lồ ì ạch. Theo chuyên gia Saito, vụ việc của Toshiba "đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ đối với Nhật Bản và người dân Nhật về việc cần có những cải cách cơ cấu quan trọng để tăng cạnh tranh trong thế giới mới". "Những thứ mang lại thành công cho chúng ta không tồn tại mãi".

Theo: Quartz

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận