Uber tháo chạy khỏi Trung Quốc

Uber tháo chạy khỏi Trung Quốc

Uber bán toàn bộ thương hiệu và dịch vụ của mình tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing. Công ty Tesla của Elon Musk chi 2,6 tỉ USD sáp nhập với Công ty năng lượng SolarCity.

Didi Chuxing thâu tóm thương hiệu và mảng kinh doanh của Uber tại Trung Quốc, thương vụ được xem như cuộc tháo chạy của Uber ra khỏi thị trường này mang theo các quyền lợi - Ảnh: Ventureflash.com
Didi Chuxing thâu tóm thương hiệu và mảng kinh doanh của Uber tại Trung Quốc, thương vụ được xem như cuộc tháo chạy của Uber ra khỏi thị trường này, mang theo các quyền lợi - Ảnh: Ventureflash.com

Thương vụ công bố ngày 1-8 được xem là “sự thừa nhận” của Uber đối với sự thống trị của Didi Chuxing tại Trung Quốc, nhưng Uber cũng không rời khỏi thị trường này tay không. Thay vì cạnh tranh với Didi, Uber chọn bắt tay để hưởng lợi.

Theo Bloomberg, mảng dịch vụ Uber Trung Quốc sẽ bán lại cho đối thủ Didi Chuxing, tạo ra một người khổng lồ Didi Chuxing mới độc tôn trên thị trường gọi xe tại Trung Quốc với giá trị công ty ước tính khoảng 35 tỉ USD. Theo đó, thương hiệu Uber, mảng kinh doanh và dữ liệu của Uber tại Trung Quốc sẽ thuộc về Didi Chuxing sau thương vụ.

Về phần mình, Uber Technologies cùng các nhà đầu tư vào Uber Trung Quốc sẽ nhận 20% cổ phần kinh tế trong công ty mới này.

Nhà sáng lập Didi Chuxing Cheng Wei và đồng sáng lập Uber Travis Kalanick sẽ tham gia ban lãnh đạo của nhau. Didi Chuxing đồng thời đầu tư 1 tỉ USD vào Uber. Giá trị thị trường của Uber ở mức 68 tỉ USD (theo Reuters).

Thương vụ kết thúc cuộc chiến giằng co giữa Uber và Didi Chuxing tại Trung Quốc, thị trường gọi xe di động được cho là có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Uber Technologies tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm vào thị trường đông dân này. 

Theo Bloomberg đăng tải ngày 28-7, Bắc Kinh lên kế hoạch công nhận và cho phép Uber lẫn Didi Chuxing hoạt động chính thức tại Trung Quốc vào tháng 11-2016, nhằm thúc đẩy tăng trưởng các loại hình của nền kinh tế - chia sẻ. Tài xế cho các dịch vụ trên được hoạt động hợp pháp hóa.

Trong bài chia sẻ qua tài khoản cá nhân trên trang mạng xã hội Facebook, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Uber Technologies Travis Kalanick cho biết cả Uber và Didi Chuxing đều đầu tư hàng tỉ USD vào thị trường nhiều tiềm năng này, nhưng vẫn chưa biến được nó thành lợi nhuận.

Didi Chuxing có sự hậu thuẫn của những “ông lớn” tại Trung Quốc như Alibaba Group và Tencent, bao gồm cả 1 tỉ USD đầu tư từ Apple, đưa giá trị công ty này lên mức 28 tỉ USD trước thương vụ với Uber.

* Tháng 5-2016: Apple rót 1 tỉ USD cho đối thủ Uber tại Trung Quốc

Trước Uber, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng to lớn nhưng đầy khó khăn đối với các công ty công nghệ Mỹ. Hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Dell, Microsoft, Facebook hay Google... đều có “kinh nghiệm đau thương riêng” của mình tại đây.

Tesla chi 2,6 tỉ USD sáp nhập với SolarCity

Một thương vụ tỉ đô khác của ngành công nghệ diễn ra cùng ngày, công ty sản xuất xe điện Tesla sẽ sáp nhập với công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời SolarCity trong một công bố chính thức trên website của SolarCity.

Tháng 6-2016, Tesla chào giá mua toàn bộ cổ phiếu SolarCity và tổng trị giá thương vụ là 2,6 tỉ USD.

Thương vụ được cho là mang nhiều tiềm năng to lớn trong ngành công nghiệp năng lượng, khi ông chủ Tesla là Elon Musk đã và đang đầu tư hàng tỉ USD cho các nhà máy sản xuất những sản phẩm cung cấp nguồn năng lượng như Powerwall hay Powerpack (một loại pin cung cấp điện năng cho cả một ngôi nhà thông thường).

Chia sẻ trên blog, Công ty SolarCity cho biết việc kết hợp giữa hai công ty sẽ cho ra những sản phẩm đẹp và đa năng hơn. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận