Ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc nhìn thấy những chiếc nệm bị "đội giá" phi lý

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc nhìn thấy những chiếc nệm bị "đội giá" phi lý

Alex Ma và Jason Da Rosa là đôi bạn thân từ thuở nhỏ, họ chia tay khi đi học đại học, một người đi Mỹ và một người đi Anh. Tình cờ họ trở lại quê nhà Hồng Kông cùng một thời điểm và cùng nảy sinh ý tưởng kinh doanh mới. Startup của họ nhanh chóng thành công nhờ đón trúng nhu cầu của người tiêu dùng.

"Cha mẹ tôi ở đây, tôi sinh ra và lớn lên ờ đây, tôi luôn mong muốn được trở lại quê hương của mình", Da Rosa nói khi anh quay về thành phố có 7 triệu dân này cùng với cô vợ người Mỹ. "Khi chúng tôi tìm kiếm một vài địa điểm để dọn về sống và mua sắm đồ nội thất, điều làm chúng tôi bất ngờ chính là tấm nệm giường. Tôi đã rất sốc khi biết được giá của những tấm nệm ở đây".

Vì vậy anh muốn tìm hiểu lý do tại sao những tấm nệm lại có giá cao đến vậy.

Da Rosa giải thích: "Thì ra giá của nệm khá cao xuất phát từ chi phí thuê mặt bằng kinh doanh ở Hồng Kông. Chính nguyên nhân này đã tác động rất lớn đến giá của sản phẩm mà các cửa hàng bán lẻ phân phối". Thậm chí, chi phí thuê mặt bằng dù gần đây đã giảm nhiều nhưng vẫn có thể lên tới 2 triệu USD một năm cho một cửa hàng diện tích nhỏ chỉ khoảng 63 mét vuông.

Người bạn Alex Ma của anh cũng gặp mức giá cao ngất ngưởng như vậy khi anh chuyển chỗ ở và mua sắm nội thất cho căn nhà của mình. Cũng chính từ đó Da Rosa đã bắt đầu suy nghĩ đến cơ hội kinh doanh từ việc này.

Hai người bạn thân thành lập dự án kinh doanh đầu tiên của họ vào năm 2016. Một năm sau họ đã sẵn sàng ra mắt dự án kinh doanh này trước cộng đồng: Skyler, một startup về chiếc nệm nằm trong hộp, gọn nhẹ và dễ dàng cho việc vận chuyển.

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc nhìn thấy những chiếc nệm bị đội giá phi lý

Hai nhà sáng lập của Skyler: Alex Ma và Da Rosa (phải)

Mô hình kinh doanh của Skyler khá giống với các nhãn hiệu như Casper, Leesa, Purple đã xuất hiện và nổi lên ở Mỹ. Những doanh nghiệp bán lẻ nệm này hoạt động bằng cách phát hành những cổ phiếu giống như những công ty công nghệ. Casper có lẽ là cái tên lớn nhất đã có giá trị hơn 750 triệu USD dưới dạng cổ phiếu.

Các công ty này đều xem mình là công ty công nghệ, dù sản phẩm họ bán ra chỉ là những chiếc nệm giường, bởi họ không bán nệm thông thường, mà ứng dụng công nghệ để nén nệm lại cho thật gọn, sử dụng các phần mềm quản trị để quản lý việc giao nhận hàng. Điều này cũng giống như trường hợp của Amazon: nếu chỉ đơn thuần là bán thứ gì đó qua mạng thì công ty của bạn không thể gọi là công ty công nghệ, nhưng nếu bạn áp dụng được một quy trình công nghệ bán hàng đủ sáng tạo, thì đó là công ty công nghệ, cho dù sản phẩm bán ra không phải là sản phẩm công nghệ.

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc nhìn thấy những chiếc nệm bị đội giá phi lý

Với đôi bạn Alex Ma và Da Rosa, ý tưởng kinh doanh mới này rất phù hợp với mô hình trực tuyến.

"Chúng tôi mong muốn được bắt đầu một dự án kinh doanh của riêng chúng tôi và do chính chúng tôi kiếm soát. Điều này sẽ đặt ra một thử thách lớn cho chúng tôi khi phải tự mình quản lý mọi thứ", Alex Ma cho biết. Nhưng điều này không thể làm khó được họ vì Ma đã từng là giám đốc ngân hàng kinh doanh HSBC trong khi bạn anh từng là giám đốc một ngân hàng đầu tư ở Wall Street và sau đó chuyển sang góp vốn tư nhân.

Nén chặt

Giống như các startup bán nệm khác, việc có thể áp dụng một công nghệ nén nệm mới để có thể đưa tấm nệm cồng kềnh vào trong chiếc hộp nhỏ đã dẫn "đôi bạn Skyler" tới rất nhiều con đường mới. Trong quá trình thiết kế, họ cũng đã có một vài điều chỉnh để có thể phù hợp với môi trường châu Á, ví dụ như nệm có thể chống chịu lại thời tiết ẩm ướt thường xuyên.

Bên cạnh những chiếc nệm đắt tiền, đôi bạn khởi nghiệp muộn còn nhìn thấy một vài yếu tố khác phù hợp với doanh nghiệp mới của họ.

"Một vấn đề khác mà chúng tôi phải khắc phục tại Hồng Kông chính là hầu hết mọi người đều sống trong những căn hộ". Da Rosa cho biết thêm. "Phần lớn căn hộ có thang máy khá là nhỏ . Vì thế khi khách hàng muốn mua những chiếc nệm cỡ lớn cho những chiếc giường rộng thì nhiều cửa hàng sẽ từ chối bán với lý do chiếc nệm quá lớn không thể vận chuyển bằng thang máy lên được".

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc nhìn thấy những chiếc nệm bị đội giá phi lý

Hình ảnh các căn hộ chen chúc ở Hồng Kông

"Trong trường hợp đó, khách hàng sẽ phải mua 2 tấm nệm cỡ nhỏ và họ sẽ gặp vấn đề với khe hở ở giữa. Hoặc nếu họ vẫn muốn sở hữu tấm nệm kích thước lớn, thì họ sẽ chấp nhận chi trả một khoản phí khá đắt để có thể vận chuyển chiếc nệm lên cầu thang. Vậy nếu họ đang ở trên tầng 30 thì chi phí bạn phải chi trả thêm khoảng 385 USD. Hãy suy nghĩ về người đàn ông sẽ khiêng một chiếc nệm ngoại cỡ lên 30 tầng lầu nóng và ẩm ướt sẽ khó khăn như thế nào".

Hiện tại, Alex Ma và Da Rosa tiếp tục tập trung dự án kinh doanh của họ tại Hồng Kông. Bước tiếp theo của họ là đưa những chiếc gối vào dòng sản phẩm của công ty. Sau đó, họ sẽ cân nhắc việc mở rộng quy mô kinh doanh ra nước ngoài. Tuy nhiên nơi mà dự án kinh doanh của họ sẽ đặt chân đến vẫn chưa được tiết lộ.

Da Rosa nói về dự án của mình: "Khi bạn đã giải quyết được các vấn đề, nó sẽ không bị phụ thuộc vào bất kỳ người nào nữa". Mặc dù không tiết lộ những con số cụ thể, nhưng Da Rosa tuyên bố dự án Skyler đã thu được lợi nhuận ngay trong tháng đầu tiên và tăng gấp đôi lợi nhuận sau vài tháng kể từ khi khai trương vào tháng Hai. Thật như vậy, những chiếc nệm sản xuất ra liên tục được bán hết.

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ việc nhìn thấy những chiếc nệm bị đội giá phi lý

Hình ảnh gian hàng quảng cáo sản phẩm nệm Skyler, Jason Da Rosa (bên phải)

Mặc dù giá thuê mặt bằng là một trong những yếu tố khiến cho Skyler trở thành một sản phẩm kinh doanh trực tuyến, nhưng họ vẫn tìm thấy những lợi ích thiết thực khi đem mặt hàng ra ngoài "thế giới thực". Công ty có một phòng trưng bày ở một khu vực trung tâm Hồng Kông, nơi khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, họ cũng mở những gian hàng quảng cáo sản phẩm nệm của mình trên đường phố và cho khách hàng thấy bằng cách nào mà họ có thể để chiếc nệm của mình vào trong những chiếc hộp nhỏ.

Thật ra Ma và Da Rosa không đơn thuần là xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu một cách đơn độc. Mặc dù với diện tích nhỏ nhưng nền kinh tế của Hồng Kông tăng trưởng hàng trăm triệu USD mỗi năm. Chính vì thế, họ đã có thể khai thác một cơ sở tiêu dùng địa phương tương đối giàu có, nơi mà mọi người đều sẵn sàng mua mọi thứ trên mạng. Sau đó, mở rộng thị trường của họ giống như xe tải Uber hay thương hiệu quần áo sang trọng Grana.

Tài Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận