Đánh giá card màn hình MSI RX 480 GAMING X: Tản nhiệt cao cấp, hiệu năng tốt, giá rẻ hơn GTX 1060

Đánh giá card màn hình MSI RX 480 GAMING X: Tản nhiệt cao cấp, hiệu năng tốt, giá rẻ hơn GTX 1060

Radeon RX 480 là dòng card chiến lược của AMD trong cuộc chiến giành thị phần bộ xử lý đồ hoạ chơi game với Nvidia. Tuy nhiên không như sản phẩm của đối thủ đang được bán đại trà, RX 480 cả bản custom lẫn tham chiếu đều khá hiếm hàng tại thị trường Việt Nam. Hiện mình đã mượn được một chiếc MSI RX 480 GAMING X, và bài viết này là những chia sẻ của mình qua khoảng 2 tuần sử dụng.

Thông tin về MSI Radeon RX 480 GAMING X

RX 480 là dòng card đầu tiên sử dụng kiến trúc đồ hoạ thế hệ mới Polaris của AMD. Nó được hứa hẹn sẽ đem lại hiệu năng cực tốt với mức giá vô cùng phải chăng. Được sản xuất bởi tiến trình 14 nm cùng những cải tiến về kiến trúc, RX 480 khắc phục được những nhược điểm của các dòng card thế hệ trước là tiêu thụ nhiều điện năng cũng như nhiệt độ hoạt động cao.

Thông số kỹ thuật của MSI Radeon RX 480 GAMING X
  • Tên sản phẩm: MSI Radeon RX 480 GAMING X
  • Chip đồ hoạ: Polaris 10
  • Xung nhịp: 1316 MHz /1303 MHz (Gaming Mode)/1266 MHz (Silent Mode)
  • Bộ nhớ đồ hoạ: 8 GB GDDR5 256 bit
  • Xung nhịp bộ nhớ đồ hoạ: 8100 MHz /8000 MHz (Gaming Mode)/8000 MHz (Silent Mode)
  • Cổng cấp nguồn phụ: 1 cổng 8 pin
  • Cổng kết nối: 2 DisplayPort, 2 HDMI, 1 DVI-D
  • Kích thước: 276 x 140 x 42 mm
  • Trọng lượng: 978 g
  • Giá tại Việt Nam: chưa biết, bên hãng báo là sẽ thấp hơn GTX 1060 GAMING X (8 triệu) một xíu
MSI RX 480 GAMING X là phiên bản custom của RX 480 dự kiến sẽ bán tại Việt Nam. Vào thời điểm hiện tại thì theo mình biết có khá nhiều lý do khiến các hãng linh kiện ngại nhập RX 480 về bán, tuy nhiên chắc chắn là vẫn sẽ nhập về.

rx480-3.jpg

Một điều cũng cần phải đề cập đến là chiến lược kinh doanh của AMD đối với RX 480 có vẻ không tốt như Nvidia. Cụ thể hơn là trong khi Nvidia nhanh chóng cho các đối tác của mình tung ra bản custom (GTX 1060/1070/1080) thì các đối tác của AMD phải chờ khá lâu mới có thể tung ra phiên bản custom của RX 480. Vì vậy dù GTX 1060 về lý thuyết là công bố sau, bán sau RX 480 nhưng hiện tại hàng chính hãng tràn ngập trên thị trường. Trong khi đó thì RX 480 kiếm đỏ mắt nhiều khi cũng chẳng ra được một con custom để mua. Theo mình biết thì điều này là do trước khi công bố, Nvidia đã gửi sản phẩm mẫu đến đối tác từ trước khá lâu để họ nghiên cứu. Trong khi đối với AMD thì thời gian này là rất ngắn.

Lưu ý là vì card mình mượn được là hàng mẫu, chỉ có card ngoài ra thì chẳng có bất kỳ phụ kiện hay hộp gì cả. Do đó chúng ta sẽ không có tiết mục mở hộp như thường lệ.

Card tầm trung nhưng thiết kế cao cấp, ngầu và hoàn thiện tốt

Phong cách của MSI là nếu đã GAMING X thì chơi luôn tản nhiệt Twin Frozr VI cao cấp, nên ngoại hình của RX 480 GAMING X dù mang tiếng là tầm trung nhưng chẳng khác gì so với mấy dòng cao cấp GTX 1070/1080 GAMING X. Nếu bạn thích xem trên tay thì có thể tham khảo bài: Đánh giá card màn hình MSI GTX 1070 GAMING X: Thiết kế ngầu, hiệu năng ấn tượng, giá 12 triệu đồng

rx480-1-2.jpg
rx480-6.jpgrx480-7.jpgrx480-8.jpgrx480-5.jpg

Nói chung phong cách này hứa hẹn sẽ làm nức lòng các bạn game thủ có hầu bao khiêm tốn, bởi lẽ dù giá chỉ có gần phân nửa (so với GTX 1080 GAMING X) nhưng card ngầu y chang, đèn đóm đầy đủ. Những hãng khác thường là sẽ "bóp" lại một tí, chẳng hạn như bên GIGABYTE thì giảm từ 3 cánh quạt xuống còn 2 cánh. Mức độ hoàn thiện của hệ thống tản nhiệt Twin Frozr VI của MSI là cực tốt, chăm chút từng chi tiết. Thật ra nếu soi kỹ thì bạn sẽ thấy rằng hãng có giảm kích thước phiến lá tản nhiệt xuống nên trọng lượng cũng nhẹ hơn kha khá. Tuy nhiên nhìn xa hay cắm vào máy thì cực kỳ khó phân biêt, trừ khi bạn là chuyên gia.

Một số điểm đặc trưng của MSI RX 480 GAMING X là:

rx480-11.jpg

Không như Nvidia, thiết lập nhiều card đồ hoạ CrossFire của AMD không cần cầu nối. Vì vậy bạn cũng sẽ không thấy chân cắm nào ngoài chân PCI Express 3.0 trên card.

rx480-10.jpg

MSI sử dụng đầu cấp nguồn 8 pin, nâng mức điện năng tối đa có thể cấp cho card 225 W. Kết hợp với bo mạch được thiết kế lại với linh kiện chuẩn Military Class IV, MSI RX 480 GAMING X có khả năng ép xung tốt hơn cũng như tránh được phốt về điện năng (đã được khắc phục) của các bản tham chiếu.

rx480-4.jpg

Card AMD được trang bị 2 DisplayPort 1.4, 2 HDMI 2.0b và 1 DVI-D. Hơi khác so với thiết lập 3 DisplayPort 1.4, 1 HDMI 2.0b và 1 DVI-D của card Nvidia.

rx480-9.jpg

Nói chung là về mặt ngoại hình, MSI RX 480 GAMING X có thể nói là một trong những dòng card tầm trung ngầu nhất hiện nay. Cơ bản là vì MSI họ ôm luôn nguyên hệ thống tản nhiệt Twin Frorz VI của các dòng cao cấp gắn vào, đơn giản nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Nhược điểm là cả một gia đình GAMING X cứ na ná nhau, gắn vô thùng rồi thì chẳng biết bạn nào trung cấp, bạn nào cao cấp nữa.

Hiệu năng đúng như AMD công bố, có điều không như mong đợi của nhiều người

Bây giờ là đến phần vui vẻ nhất, đánh giá hiệu năng của card. Để thử nghiệm thì mình sử dụng hệ thống cấu hình như sau: Core i7-6900K, main MSI X99S GAMING 9 ACK, 8 GB DDR4-2400 Geil, 120 GB Intel SSD 520, PSU FSP Raider 650 W.

Tất cả kết quả thử nghiệm đều ở độ phân giải FullHD, thiết lập hiệu ứng đồ hoạ tối đa và tắt khử răng cưa (trừ khi có FXAA). Riêng 3DMark mình để ở mặc định thiết lập chuẩn, để bạn có thể so sánh với hằng hà sa số bài đánh giá khác.

3DMark Time Spy và FireStrike Ultra

rx480-1 (1).jpgrx480-2 (1).jpg

MSI RX 480 GAMING X đạt lần lượt 2986 (Firestrike Ultra) và 4135 (Time Spy) trong phép thử của 3DMark. Nói chung đây là một con số khá tốt.

Rise of The Tomb Raider

rise_of_the_tomb_raider_lara_croft_bear_forest_art_ice_ax_101233_1920x1080.jpgrx480-3 (1).jpg

Sử dụng benchmark tích hợp của Rise of The Tomb Raider, thiết lập đồ hoạ cao nhất, dựng hình bằng Vulkan, bật khử răng cưa FXAA; kết quả trung bình là 74,63 FPS.

Doom 2016

Doom-1080-Wallpaper-1.jpgrx480-6 (1).jpg

Dựng hình bằng Vulkan, Doom 2016 đạt trung bình khoảng 122 fps. Nói chung là quá đủ để bạn có thể chơi mượt mà ở độ phân giải FullHD.

Overwatch

overwatch-game-wallpaper-team-fight-by_mac117.jpgrx480-7 (1).jpg

Tốc độ khung hình của Overwatch dao động từ 80-100 fps tuỳ theo mức độ ác liệt của trận đấu. Nói chung là bạn cũng chẳng cần lo lắng gì.

Fallout 4

fallout-4-wallpapers-2.jpgrx480-5 (1).jpg

Trung bình 67 fps ở mức thiết lập hình ảnh cao nhất ở FullHD, tuy nhiên những cảnh bắn nhau với nhiều nhận vật có thể khiến tốc độ khung hình của MSI RX 480 GAMING giảm xuống dưới 60 (khoảng 40 - 50 fps, nuke một phát Fat Man thì xác định là 3x fps). Không tệ nhưng cũng không phải là xuất sắc. Có vẻ như driver của AMD cho Fallout 4 không được tối ưu cho lắm.

The Witcher 3: Wild Hunt

gameaward (5).jpgrx480-4 (1).jpg

Với tốc độ khung hình trung bình khoảng 40 fps, RX 480 không phải là sự lựa chọn tốt nhất nếu bạn muốn trải nghiệm mượt mà game The Witcher 3: Wild Hunt ở max setting. Cơ mà xét đến việc cả những dòng khủng như GTX 1070 hay GTX 1080 còn mệt mỏi thì đây cũng là chuyện bình thường. Trên 30 fps với những trò nhập vai cũng không đến nỗi tệ.

Nhiệt độ và tiếng ồn

Trong môi trường máy lạnh đặt ở 20 độ, nhiệt độ khi fullload của RX 480 là 60 độ với tốc độ quạt là 30%. Ở tốc độ này thì quạt hoạt động khá êm ái, ngồi cách nửa mét thì bạn sẽ không nghe thấy gì cả.

RX 480 vs GTX 1060 vs GTX 1070

MSI RX 480 GAMING X nói riêng và tất cả các dòng card RX 480 hiện nay có thể nói là đang ở trong thế "thập diện mai phục". Nói như vậy là bởi vì thị trường hiện nay đang được thống trị bởi Nvidia và RX 480 phải đối diện với đối thủ khá nặng ký là GTX 1060 6 GB. Ở phân khúc cao hơn chúng ta có GTX 1070 và GTX 1080 trong khi phân khúc thấp hơn thì Nvidia dự kiến sẽ giới thiệu phiên bản 3G của GTX 1060.

Để bạn tham khảo, mình sẽ so sánh hiệu năng của MSI RX 480 GAMING X với GTX 1060 6 GB (GIGABYTE GTX 1060 G1 GAMING) và GTX 1070 (GIGABYTE GTX 1070).

SC2.png
Theo như kết quả ở trên, một điều mà chúng ta dễ nhận thấy đó là RX 480 có hiệu năng thấp hơn GTX 1060 và GTX 1070. Đây là điều hiển nhiên, bởi lẽ giá của RX 480 cũng thấp hơn đối thủ của Nvidia. Ẩn số duy nhất hiện nay là mức giá của MSI RX 480 GAMING X mình chưa rõ là bao nhiêu, vì vậy cũng không thể suy ra được tỉ lệ p/p của sản phẩm này so với GTX 1060 (8 triệu) và GTX 1070 (14 triệu).
Kết luận

Có một điều mà chúng ta có thể rút ra từ kết quả của MSI RX 480 GAMING X là dù hiệu năng nó thấp hơn đôi chút (giá cũng thấp hơn đôi chút) so với GTX 1060 cùng phân khúc (dòng cao cấp so với dòng cao cấp, chứ một số dòng giá rẻ của GTX 1060 giá khoảng 7 triệu cũng không phải hiếm) nhưng về cơ bản thì RX 480 vẫn đủ sức mạnh giúp bạn chiến tốt hầu hết các trò chơi mới hiện nay ở FullHD. Và nếu đó là mục tiêu của bạn thì RX 480 hay GTX 1060 đều đáp ứng tốt được nhu cầu, có chăng thì phía đội đỏ rẻ hơn được một chút.

rx480-1.jpg

Vậy MSI RX 480 GAMING X dành cho đối tượng nào?

Câu trả lời là dành cho dân cày bitcoin và các bạn game thủ thích đội đỏ, muốn trải nghiệm các trò chơi mới ở mức thiết lập hiệu ứng cao nhất ở FullHD. Dân bitcoin thì không nói rồi, có cho tiền cũng không chạy qua đội xanh. Trong khi đó thì lựa chọn của các bạn game thủ hơi phúc tạp hơn một chút, nhất là khi so với GTX 1060. Đây là một số ưu điểm để bạn cân nhắc lựa chọn RX 480 thay vì GTX 1060:
  • Giá thấp hơn (bao nhiêu thì mình chưa rõ)
  • Hỗ trợ tốt DirectX 12 và Vulkan (hiệu năng "có thể" tốt hơn ở các trò chơi mới trong tương lai)
  • Chạy Crossfire nhiều card (tiện nâng cấp về sau, không cần phải thay cả card như GTX 1060)
Còn lại thì vào thời điểm hiện tại, lựa chọn giữa đội xanh và đội đỏ chủ yếu là ở yếu tố cảm tính bạn thích bên nào hơn mà thôi. Theo lý thuyết, hiệu năng thuần của GTX 1060 cao hơn nhưng RX 480 hỗ trợ tốt hơn nền tảng DirectX 12 và Vulkan, vì vậy chuyện card nào trụ được lâu dài trong thời buổi game phát triển ngày càng nặng như hiện nay cũng vẫn là ẩn số.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận