Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor (Phần 1)

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor (Phần 1)

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 1

Custom In-ear là gì?

Phần lớn những cặp tai nghe In-ear (dạng nhét trong) hiện nay trên thị trường là dạng Universal, có thiết kế phù hợp với số đông người dùng, theo các tiêu chuẩn sinh trắc học căn bản. Ống tai của chúng được thiết kế để tháo lắp các loại mút tai, cho phép người dùng lựa chọn được loại phù hợp với mình. Nhưng cũng như vân tay, cấu trúc tai ngoài của từng người là riêng biệt và không ai giống ai cả. Một cặp tai nghe chế tạo theo tiêu chuẩn chung có thể vừa vặn với người này nhưng gây khó chịu với người kia. Hơn nữa, dòng thiết bị sản xuất hàng loạt thường không khít hoàn toàn vào tai nghe người nghe, dẫn đến khả năng cách âm kém. Để khắc phục điểm yếu này, đối với phân khúc thị trường khó tính và cao cấp, các nhà sản xuất cung cấp dịch vụ chế tạo tai nghe theo đơn đặt hàng riêng của từng người. Với cách "đo ni đóng giày" này, mỗi cặp tai nghe bán ra là độc nhất. Từ đó, dòng sản phẩm headphone Custom In-ear Monitor (gọi tắt là CIEM) ra đời.

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 2

Nếu không có các yêu cầu đặc biệt của khách hàng về phần mạch và drives, các tai nghe CIEM thường có linh kiện và cấu tạo (màng loa, phân tần, dây và các thành phần phụ khác) giống với tai nghe đại trà, nhưng phần vỏ ngoài (housing) của chúng được thửa riêng cho từng người. Cũng vì thế mà tai nghe loại này thường không có phần ống tai trong lớn và không cần phải đeo mút tai.

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 3
Jerry Harvey – chủ của hãng tai nghe Custom JH Audio.
Hiện nay đã có rất nhiều hãng nhận làm tai nghe CIEM. Có thể kể tới một vài cái tên như Jerry Harvey Audio, Unique Melody, Ultimate Ears, Westone, Earsonics... hay mới đây nhất là nhãn hiệu Noble của một nhà sản xuất thiết bị âm thanh nổi tiếng với biệt danh Wizard, được nhiều người dùng đón nhận.
Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 4
Một cặp tai nghe của hãng Soranik Việt Nam.
Ở Việt Nam cũng có nhà sản xuất tai nghe custom, đó là hãng Soranik của một Audiophile tên là Hiếu. Soranik nổi tiếng qua trang thông tin công nghệ vOz, cũng như cộng đồng chơi tai nghe head-fi quốc tế. Sau một vài năm thử nghiệm, Soranik đã có thể vươn ra thị trường thế giới, sánh vai cùng các "ông lớn" đang có mặt trên thị trường.
Tại sao dùng CIEM?

Quy trình làm tai nghe CIEM thường rất mất thời gian, chi phí cũng rất đắt. Vậy tại sao người dùng lại thích làm những chiếc tai nghe độc đáo này mà không mua loại sản phẩm đại trà bằng cách đeo thử, mua ngay và chỉ phải trả giá rẻ hơn?

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 5

Một trong những lí do lớn nhất để người ta đặt mua CIEM là khả năng cách âm của chúng. Vì có vỏ tai nghe vừa khít với hốc tai ngoài của người dùng nên những headphone này có khả năng cách âm gần như hoàn hảo. Ví dụ như những cặp CIEM của JH Audio có chỉ số cách âm vào khoảng 26dB, thậm chí cao hơn. Chính vì không có tạp âm lọt vào, nên âm thanh của tai nghe sẽ không bị méo và ồn, người nghe sẽ tập trung vào âm nhạc hơn khi loại bỏ được những tạp âm bên ngoài. Các ca sĩ khi lên sân khấu thường được trang bị loại tai nghe này, vì các tạp âm từ khán giả rất lớn, họ cần có sự cách âm tốt nhất để nghe rõ nhạc nền và chơi đúng nhịp. JH Audio là một trong những hãng được nhiều ca sĩ tín nhiệm nhất, trong đó có các thành viên của ban nhạc Rock Linkin Park. Westone cũng là một trong những hãng nổi tiếng chuyên sản xuất tai nghe CIEM cho các ban nhạc.

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 6

Với người có sở thích nghe nhạc bằng headphone, thì tai nghe CIEM (dành cho họ) chính là những sản phẩm có chất âm tuyệt vời nhất. Các hãng sản xuất tai nghe thường chào mời những công nghệ mới, linh kiện tốt nhất của họ cho khách hàng đặt làm tai nghe CIEM. Hãng Fitear là một ví dụ, các tai nghe tầm thấp và trung của hãng đều có dạng In-ear thông dụng, còn những sản phẩm cao cấp nhất như 335DW đều bán ra dưới dạng đặt hàng CIEM. Chính vì quá trình lấy mẫu tai ngoài và chế tạo housing riêng cho từng người rất kỳ công, tốn nhiều thời gian và tiền bạc nên người ta không tiếc gì việc đầu tư cho chúng những linh kiện chất lượng cao và công nghệ mới nhất, kết quả là loại headphone CIEM luôn có chất lượng âm thanh và cấu trúc tuyệt vời đối với người sở hữu chúng.

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 7

Ở xuất phát điểm của dòng CIEM, người dùng đặt làm loại tai nghe này để có sự thoải mái khi đeo và chất lượng cách âm tốt nhất. Nếu như được làm đúng yêu cầu, dùng chất liệu và linh kiện tốt nhất thì sản phẩm custom sẽ tạo ra sự thoải mái mà không có loại headphone nào trên thị trường sánh kịp. Phần housing được làm vừa khít với từng gờ và nếp trong hốc tai người nghe nên không tạo các điểm gợn, cũng như không bao giờ tuột khỏi tai ngoài ý muốn.

Mặt khác, khi đã đặt gia công tai nghe CIEM, khách hàng thường thể hiện mong muốn có một cặp tai nghe thật đẹp và độc đáo cho riêng mình. Vì vậy, các hãng lớn thường có khả năng trang trí phần mặt ngoài của chúng theo ý thích của thân chủ. Do chú trọng khả năng cách âm với môi trường, phần mặt ngoài (faceplate) của headphone CIEM thường khá lớn so với những sản phẩm in-ear sản xuất hàng loạt. Do vậy, nhà sản xuất  còn cho phép người dùng chọn màu trên từng phần của cặp tai nghe mà họ đặt làm, hoặc dùng những vật liệu đắt tiền như gỗ, bạc, đá quý, vàng... để trang trí faceplate. Bên cạnh đó là các lựa chọn và tùy biến về hoa văn, họa tiết, tên tuổi, ký tự, màu sắc... theo ý thích của thân chủ. Tất cả đều không thể lẫn vào đâu được!

Những nhược điểm của headphone CIEM

Loại tai nghe này có vô số ưu điểm đối với thân chủ của chúng, nhưng không phải là không có điểm yếu.

Nhược điểm đầu tiên là giá thành, mỗi cặp tai nghe này đều được đặt làm riêng bằng tay, mất rất nhiều công sức và thời gian nên giá không thể rẻ. Nếu bên trong cấu trúc của chúng cũng là chất lượng thửa riêng gồm nhiều màng loa cao cấp, mạch chỉnh âm phức tạp... thì giá càng đắt. Một cặp tai nghe CIEM "rẻ nhất" cũng vào khoảng 10 triệu đồng mà chỉ có 1 driver, thậm chí không thể thay được dây, ví dụ như Music One của Custom Art. Có những đôi CIEM lên tới 30 triệu như Kaiser Noble 10. Nhưng đó mới chỉ là giá cho loại tai nghe được làm với các lựa chọn thường, nếu như muốn faceplate làm bằng gỗ hiếm, vàng, đá quý... thì vô cùng. Một trong những cặp headphone CIEM đắt nhất là MH335 DW của Fitear, chúng có giá lên tới 60 triệu đồng!

Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 8
Chiếc K10 của Noble, những miếng lấp lánh bên trong tai nghe là vàng lá cắt nhỏ.
Nhược điểm kế tiếp là khi đặt làm những tai nghe dạng này, người dùng không thể thử chất lượng và cảm giác đeo chúng. Tất nhiên, với các đại lí có uy tín, ví dụ như Kool Audio, thì người dùng có thể thử những tai nghe mẫu ở dạng "Universal hóa", nhưng chất âm cuối cùng sẽ không giống y như mẫu được. Với những nơi không có hàng mô phỏng để nghe thử, thì coi như phải "mua mù", không biết chất âm sẽ ra sao cho tới khi headphone CIEM được giao đến tay.
Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 9
Fitear 334 DW.
Điểm yếu thứ ba của CIEM headphone là không thể mua chúng để dùng ngay, mà phải đặt hàng, lấy mẫu hốc tai, mô tả mong muốn, trả tiền và chờ khá lâu mới được sở hữu sản phẩm. Đương nhiên, khách hàng cũng không thể đặt làm sản phẩm cho người khác được, giống như khi đi làm răng giả.
Sau cùng, dù đặt làm sản phẩm với giá đắt đến đâu thì chúng cũng chỉ có giá trị (nghe) đối với thân chủ đầu tiên, loại tai nghe này không có khả năng bán lại vì không vừa với tai người khác. Trừ những cặp CIEM có cấu trúc kỹ thuật quá cao cấp, chất liệu housing rất quý hiếm hoặc là đồ sưu tầm từ người nổi tiếng... hầu hết các haedphone CIEM đều thuộc về thân chủ vĩnh viễn.
Tìm hiểu về tai nghe Custom Inear Monitor  ảnh 10

Minh Đức

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận