Apple HomePod: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết

Apple HomePod: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết

Dù đi sau các đối thủ, nhưng dường như Apple vẫn chưa tìm được đường lối đúng đắn cho chiếc loa thông minh HomePod của mình.

Apple HomePod: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết

Apple HomePod. Ảnh: Apple

Khi Apple công bố chiếc HomePod tại WWDC, tôi đã vô cùng hứng khởi. Sau những tin đồn kéo dài hàng tháng trời, gã khổng lồ xứ Cupertino được kì vọng sẽ ra mắt một sản phẩm loa thông minh, kết hợp với cô trợ lí ảo Siri để có thể "đáp trả" lại những đối thủ của mình như Alexa, Assistant hay Cortana.

Nhưng không, Apple đúng là đã ra mắt một chiếc loa, nhưng nó lại tập trung vào khía cạnh âm nhạc. Khi đưa HomePod lên sân khấu WWDC, mục tiêu của họ không có gì khác ngoài việc tạo ra một chiếc loa có thể "định nghĩa lại khái niệm âm nhạc gia đình" theo cách mà chiếc iPod đã làm được với mảng thiết bị nghe nhạc di động nhiều năm về trước.

Theo TheVerge, Apple dành phần lớn thời gian của bài thuyết trình để tập trung vào cách họ tiếp cận với mảng âm thanh gia đình, nhấn mạnh những đặc điểm nổi bật như khả năng điều chỉnh âm nhạc theo môi trường mà chiếc HomePod được thiết lập hay chất lượng âm thanh tuyệt hảo. Chiếc HomePod cũng có những chức năng cơ bản như chuyển đổi đơn vị đo lường, tin tức, thời tiết, giao thông, thể thao, nhắc nhở và đồng hồ báo thức, thông qua trợ lí ảo Siri. Suy cho cùng, nó cũng phục vụ người dùng với vai trò là cổng điều khiển các thiết bị gia đình thông minh sử dụng HomeKit của Apple.

Apple HomePod: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết

Điều đó đặt HomePod vào một vị thế kì lạ. Trên lí thuyết, nó là sự kết hợp giữa âm thanh tuyệt hảo và tính năng quản lí âm nhạc đa phòng giống như loa Sonos nhưng với trí thông minh tương đương với Amazon Echo hay Google Home. Nhưng trong khi HomePod có thể có khả năng làm được cả hai điều trên, chiếc loa thông minh của Apple đang thể hiện rằng mình có thể làm được mọi thứ, nhưng lại không xuất sắc ở bất kì lĩnh vực nào.

Nói một cách đơn giản: trong tình cảnh hiện tại, HomePod không thể so bì được với Alexa hay Google Assistant. Siri, là một trợ lí ảo, cô không đủ thông minh và các tính năng cũng không thể cạnh tranh được với những gì mà đối thủ của mình mang lại. Siri vẫn luôn được coi là trợ lí ảo tệ nhất trong việc trả lời những tác vụ cơ bản, và những gì cô có thể làm được trên HomePod thậm chí còn ít hơn so với trên iOS.

Không có gì ngạc nhiên khi Apple chọn âm nhạc làm điểm mạnh của HomePod, bởi vì nếu không có những sự đầu tư nghiêm túc trong việc xây dựng Siri trở thành một nền tảng – điều mà Apple vẫn còn đang lúng túng – sẽ không có cách nào để họ có thể chiến thắng ở lĩnh vực trợ lí ảo cho gia đình thông minh.

Amazon và Google sẵn sàng để người dùng đặt bất cứ những gì họ muốn vào chiếc Echo hay Home của mình. Có hàng ngàn kĩ năng của Alexa mà bạn có thể sử dụng trên Echo, cho phép bạn có thể làm được mọi thứ, từ đọc tin tức, đến kiểm tra tài khoản ngân hàng, thậm chí là chơi trò Jeopardy . Google cũng đã phô diễn khả năng của trợ lí Google Assistant bằng cách đặt bánh sandwich tại Panera chỉ bằng các câu lệnh thoại, hay góp phần vào một nền tảng đa chiều, khi Chromecast có thể hoạt động song song với Google Home để phục vụ nhu cầu của người dùng.

Mặt khác, chiếc HomePod lại bị giới hạn bởi chính Siri. Dĩ nhiên, có một vài mẹo mới trong các tác vụ liên quan đến âm nhạc, nhưng nó chỉ như muối bỏ bể nếu so với những tiềm năng mà Amazon và Google đang mở ra. Kể cả đặt trí thông minh sang một bên, Siri vẫn tỏ ra lép vế trong khả năng nhận diện giọng nói, một vấn đề then chốt mà Apple đã bỏ qua tại WWDC.

Điều đáng nói là Apple đã có một cơ hội rất lớn để có thể tận dụng Siri. Tại sao họ lại không tạo ra một ứng dụng HomePod, để các lập trình viên có thể xây dựng các phần mở rộng (extensions) cho những ứng dụng mà bạn đã có trên iPhone và kích hoạt chúng trên HomePod? Tại sao HomePod lại không thể kết nối với iPhone để có thể thực hiện những cuộc gọi FaceTime, giống như Apple đã làm với những máy Mac của mình?

Apple lẽ ra đã có thể làm những điều mà họ đã làm với Apple Watch và tận dụng cộng đồng phát triển vô cùng lớn mạnh của mình. HomePod là một phụ kiện rất lí tưởng cho HomeKit, phục vụ cho những ai đã và đang đầu tư vào thiết bị gia đình thông minh của Apple, cho phép các nhà phát triển phần cứng có thể liên kết chặt chẽ sản phẩm của họ với Siri. Tại sao các nhà phát triển phần mềm lại không được như vậy?

Chiếc HomePod đang ở vị thế của những kẻ bám đuổi. Lẽ ra, với thời gian có được, Apple có thể làm tốt hơn. Giống như Siri, họ chỉ đơn giản là làm ít hơn so với các đối thủ của mình. Sonos hỗ trợ hầu hết các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, cùng với một hệ sinh thái khổng lồ (bao gồm khả năng thêm những loa không-phải-Sonos vào mạng lưới).

Mặt khác, HomePod hỗ trợ Apple Music, cộng với những gì mà bạn có thể phát từ iPhone qua AirPlay 2. Khả năng hỗ trợ đa phòng chỉ dừng lại ở chiếc loa trị giá 350 USD, hay bất kì chiếc loa AirPlay 2 nào được ra mắt trong tương lai, nhưng dường như Apple không có kế hoạch tích hợp AirPlay 2 vào những chiếc loa đời cũ hơn. Hơn nữa, HomePod cũng đắt hơn so với những sản phẩm có trên thị trường, một điểm trừ khá lớn trong mắt người tiêu dùng, đặc biệt là với những tính năng mà nó đem lại.

Apple HomePod: Một nghề thì sống, đống nghề thì chết

Chiếc HomePod là biểu tượng đặc trưng cho cách mà Apple tiếp cận với công nghệ, điều mà chúng ta có thể thấy rõ từ iOS cho đến Siri. Nó là một sản phẩm "cài xong quên luôn cũng được" – bạn cắm điện rồi các thuật toán của Apple sẽ làm nốt phần còn lại, tinh chỉnh âm thanh và cài đặt mọi thứ cho bạn. Nó rất giống với iOS, nơi Apple "chặn" người dùng đến với những cài đặt nâng cao như thay đổi ứng dụng mặc định hay truy cập vào các tập tin hệ thống, vì mục tiêu của họ là biến sản phẩm của mình dễ sử dụng với tất cả mọi người.

Theo nhiều cách, HomePod dường như là thứ đúng với những những gì mà người dùng mong đợi từ Apple. Việc thiết bị mới của Apple hạn chế sự can thiệp của bên thứ ba và độc quyền với những dịch vụ của họ không phải là điều gì đó quá ngạc nhiên. Siri chỉ nhận được các phần mở rộng vào năm trước, và các tùy chọn nhà phát triển vẫn còn vô cùng hạn chế, bất chấp việc Siri đã đánh bại các đối thủ của mình vào thời điểm lúc bấy giờ. Tương tự như vậy, nếu Apple không cho phép bạn thay đổi ứng dụng nghe nhạc mặc định trên iPhone, tại sao một loa Siri lại có thể có sự khác biệt?

Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về HomePod. Vẫn còn hàng tháng trời cho đến ngày chính thức ra mắt của nó vào tháng 12, và sẽ có rất nhiều những sự thay đổi trong khoảng thời gian đó. Apple có thể sẽ "để dành" Siri hoàn toàn mới trong sự kiện ra mắt iPhone, hay thêm những sản phẩm mới mà HomePod hỗ trợ. Giá thành của HomePod nhiều khả năng cũng sẽ có những sự điều chỉnh, và 200 USD (khoảng 4,5 triệu đồng) sẽ hợp lí hơn rất nhiều so với con số 350 USD (khoảng 8 triệu đồng) ở thời điểm hiện tại.

Bây giờ, cách duy nhất để HomePod lọt vào mắt xanh của người dùng là khi bạn quá yêu thích Apple Music và hệ sinh thái iOS mà Apple là nơi duy nhất có thể cung cấp cho bạn. Và hãy thử tưởng tượng hàng triệu con người cũng giống như bạn, sẵn sàng bỏ tiền ra để "tậu" chiếc loa này về, như vậy Apple cũng đã rất thành công. Đây là chiến lược đã đem lại thành công của họ với chiếc Apple Watch, bằng cách thúc đẩy việc tích hợp phần mềm và phần cứng, đồng hồ thông minh của Apple là dòng sản phẩm duy nhất còn đứng vững trên thị trường.

Nhưng chiếc Apple Watch cũng đã cho thấy việc tích hợp chặt chẽ với các sản phẩm khác là chưa đủ - không ai coi nó là một thiết bị mang tính cách mạng, thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như cách mà iPhone và iPod đã làm. Với tiềm năng to lớn của thị trường loa thông minh, việc Apple lựa chọn giải pháp an toàn thay vì nắm lấy cơ hội để tạo ra sự đột phá thật đáng thất vọng.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận