Google đưa công nghệ AI với giao diện vô cùng thân thiện đến người dùng

Google đưa công nghệ AI với giao diện vô cùng thân thiện đến người dùng

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ vừa tung ra Cloud AutoML, một công cụ đào tạo AI và học máy vô cùng thân thiện với người dùng.

Google đưa công nghệ AI với giao diện vô cùng thân thiện đến người dùng

CEO Google Sundar Pichai trong hội nghị dành cho lập trình viên Google I/O 2016 tại Mountain View, California, Mỹ.

Các mô hình trí tuệ nhân tạo và máy học giờ đã có thể trở thành một phần của công nghệ hàng ngày, có sẵn cho các doanh nghiệp với mọi kiểu ngân sách lớn nhỏ bất kì, thậm chí cả những doanh nghiệp không sở hữu lực lượng kỹ sư chuyên biệt, tất cả là nhờ dịch vụ đám mây mới của Google.

Theo báo Nhật Nikkei, vào ngày 17/1 vừa qua, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã tung ra Cloud AutoML, một công cụ đào tạo AI và học máy vô cùng thân thiện với người dùng. Tuy mới chỉ có một số đối tượng khách hàng nhất định được sử dụng dịch vụ này ở thời điểm hiện tại, Google hiện đang có kế hoạch mở rộng phạm vi tiếp cận của dịch vụ này với mức giá chưa được tiết lộ. Mục đích chính của Cloud AutoML là hỗ trợ xây dựng các hệ thống nhận diện hình ảnh tiên tiến, thứ có thể được sử dụng để phát hiện các vật thể có trong ảnh dựa trên một bộ điều kiện nhất định.

Google đưa công nghệ AI với giao diện vô cùng thân thiện đến người dùng

Fei-Fei Li, nhà khoa học hàng đầu của Google về trí tuệ nhân tạo và máy học cho các dịch vụ đám mây, người cũng là giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Mỹ cho biết: "Hiện nay, có rất ít doanh nghiệp trên thế giới có đủ nhân tài và ngân sách để tiếp cận và tận dụng được trí tuệ nhân tạo và máy học một cách trọn vẹn. Nhiệm vụ của chúng tôi là "dân chủ hóa" trí tuệ nhân tạo".

Trước đây, một hệ thống tìm kiếm hình ảnh đòi hỏi tới hàng chục nghìn bức ảnh khác nhau và một chương trình chuyên biệt, nhưng nay, theo Google, một hệ thống tương tự cũng có thể được phát triển với số lượng ảnh gửi lên đám mây ít hơn rất nhiều. Ví dụ, để xây dựng một hệ thống nhận dạng hình ảnh một mẫu xe hơi trong một bộ sưu tập, người dùng giờ chỉ cần khoảng 100 bức ảnh.

"Đào tạo" các chương trình trí tuệ nhân tạo trước đây là một công việc không đơn giản chút nào, khi các kỹ sư phải tự lập trình chúng và "dạy" bằng cách cho chúng đọc một lượng dữ liệu khổng lồ. Ngay cả khi TensorFlow, phần mềm miễn phí của Google đã giúp cắt giảm đáng kể quá trình lập trình, một số phần việc vẫn đòi hỏi những chuyên môn nhất định.

Google, Amazon, Microsoft và các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khác tuy có cung cấp các mô hình AI đã được đào tạo cho nhận dạng giọng nói, nhận dạng hình ảnh và dịch thuật, nhưng các chức năng của chúng vẫn còn rất hạn chế. Với Cloud AutoML, Google hướng tới mục tiêu giải quyết sự thiếu thốn về mặt chuyên môn trong lĩnh vực này. Theo công ty, trên thế giới chỉ có khoảng vài nghìn nhà nghiên cứu AI có trình độ cao, còn số nhà khoa học dữ liệu thì chưa nổi 1 triệu người.

Google hiện đang xếp sau Amazon trong thị trường dịch vụ đám mây, khi Amazon mang lại các dịch vụ tập trung vào khách hàng nhiều hơn và có mức giá hấp dẫn hơn. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group Holding cũng đang rất tích cực thúc đẩy các dịch vụ đám mây có sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, chủ yếu ở châu Á. Bằng cách cung cấp các dịch vụ đám mây cho trí tuệ nhân tạo, Google đang tìm cách thu hút sự chú ý của khách hàng trong một lĩnh vực mà họ được cho là có nhiều lợi thế hơn các đối thủ của mình.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận