Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Cuộc chiến giữa Apple và FBI về việc mở khóa chiếc iPhone 5C một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc mã hóa dữ liệu. Trong trường hợp Apple và FBI, có thể bạn sẽ lên tiếng ủng hộ Cục Điều tra liên bang Mỹ vì họ đang cố gắng mở khóa smartphone của một tên khủng bố nhằm bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phớt lờ việc mã hóa. Ngược lại, đó là điều bạn cần làm ngay để bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo quyền riêng tư của chính mình. 

Smartphone của bạn chứa rất nhiều thông tin cần được bảo vệ, từ ảnh, tin nhắn, email, và có thể là các thông tin tài chính, sức khỏe mang tính nhạy cảm khác. Sẽ là một "thảm họa" nếu các thông tin này rơi vào tay kẻ xấu. Chính vì vậy, ngoài đặt mật khẩu, bạn rất nên mã hóa cho dữ liệu trên smartphone để đề phòng mất mát dữ liệu khi máy bị mất hay thất lạc. 

Hiện nay, iPhone và iPad của Apple, cũng như nhiều thiết bị Android khác, đều hỗ trợ người dùng mã hóa dữ liệu; và dưới đây là những hướng dẫn bạn cần nắm nếu muốn thực hiện công việc này. 

iOS

Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Apple bắt đầu cho mã hóa thiết bị bắt đầu từ phiên bản iOS 8 ra mắt năm 2014. Để kích hoạt mã hóa, tất cả những gì bạn cần làm là tạo một mã bảo mật cho máy. Trên iOS, bạn có thể dùng passcode 4 số truyền thống, và passcode này về cơ bản cũng đủ mạnh để bảo vệ dữ liệu; tuy nhiên, để tăng độ an toàn, bạn nên dùng passcode 6 số hoặc dài hơn, cũng như dùng mật khẩu thông thường (cả số, chữ, ký tự...). 

Để thiết lập, bạn mở ứng dụng Cài đặt (Settings) trên màn hình Home 

Chọn Touch ID & Mật khẩu (Touch ID & Passcode) hoặc chọn "Passcode" nếu iPhone/iPad của bạn là model cũ và không có cảm biến vân tay. 

Click vào "Bật mật khẩu" (Turn Passcode On)

Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Theo mặc định, iOS sẽ yêu cầu bạn chọn 6 con số làm mật khẩu, tuy nhiên, bạn có thể thay đổi bằng cách nhấn vào nút "Tùy chọn mật khẩu" bên dưới. Ở phần tùy chọn này, iOS cung cấp 3 lựa chọn cho bạn gồm "Mã Chữ số Tùy chỉnh", "Mã Số Tùy chỉnh", và "Mã Số 4 Số". Trong đó, lựa chọn đầu tiên cho phép đặt mật khẩu gồm cả chữ, số, ký tự (giống như mọi mật khẩu thông thường); lựa chọn thứ 2 cho bạn đặt mật khẩu bằng số con số lớn hơn 6; và lựa chọn thứ 3 là dùng mật khẩu 4 số truyền thống. 

Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Android

Nếu như việc mã hóa trên iOS cực kỳ đơn giản thì mọi chuyện lại trở nên phức tạp hơn trên Android. Trên thực tế, nếu bạn sở hữu smartphone hoặc tablet dòng Nexus của Google, chúng đã mặc định được mã hóa. Các thiết bị Android cao cấp mới ra mắt và chạy Android 6.0 Marshmallow như Galaxy S7 và Galaxy S7 Edge, cũng đã được mã hóa từ đầu. 

Tương tự như trên iPhone, bạn sẽ phải bật mật khẩu hoặc cảm biến vân tay trên các smartphone này để kích hoạt việc mã hóa. Để bật, bạn vào Settings, click vào phần Security, chọn Screen Lock, sau đó chọn tiếp Create a security code.

Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Tuy nhiên, với các thiết bị cũ như Moto X Pure và Galaxy S6, bạn sẽ phải mã hóa theo cách thủ công. Lưu ý rằng trước khi bắt đầu công việc, bạn cần cắm sạc cho máy do quá trình mã hóa có thể kéo dài hàng giờ - tùy thuộc vào lượng dữ liệu trên thiết bị. Bên cạnh đó, việc trước tiên bạn phải làm cũng là tạo mật khẩu theo hướng dẫn ngay phía trên.

Sau khi đã cắm sạc và tạo mật khẩu xong, bạn làm theo hướng dẫn dưới đây để mã hóa. 

Mở Settings
Chọn Security
Click vào Encrypt phone

Cách mã hóa để bảo vệ dữ liệu trên iOS và Android

Nếu bạn dùng Galaxy S6, cách mã hóa sẽ hơi khác một chút: Bạn mở Settings, chọn Lock Screen and Security, chọn tiếp Other Security Settings, rồi click vào Encrypt phone. 

Bạn cũng có thể mã hóa cho thẻ SD để đảm bảo an toàn cho dữ liệu, ngăn không cho truy cập dữ liệu trong thẻ này trên thiết bị khác. Trong trường hợp thẻ rơi vào tay kẻ xấu, chúng sẽ phải xóa dữ liệu trước nếu muốn sử dụng. 

 Để mã hóa cho thẻ SD, bạn vào Settings, chọn Security, chọn tiếp Encrypt external SD card và click vào Enable. Nếu như việc mã hóa thiết bị sẽ yêu cầu bạn phải xóa sạch dữ liệu, reset máy để tắt mã hóa, thì việc tắt mã hóa thẻ SD có thể được thực hiện dễ dàng ngay trong menu Settings. 

Những lý do không nên mã hóa điện thoại Android

Những tưởng việc mã hóa điện thoại là việc bạn nên làm mà không cần phải suy nghĩ, tính toán gì; thế nhưng vẫn có những lý do mà bạn có thể phải cân nhắc trước khi thực hiện. Việc mã hóa dữ liệu có thể làm ảnh hưởng tới hiệu năng của máy. Thực tế cho thấy, hiệu năng không bị giảm quá nhiều nếu như bạn sở hữu các model cao cấp ra mắt gần đây, tuy nhiên, các smartphone đời cũ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Người dùng, vì vậy được khuyên chỉ nên mã hóa các máy flagship mới ra mắt như Galaxy S6, LG G4, HTC One M9, và các model kế nhiệm chúng (Galaxy S7, LG G5,...). 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận