Windows Store chính là tương lai của Windows?

Windows Store chính là tương lai của Windows?

Tuần qua là một tuần đầy bận rộn đối với Microsoft: họ giới thiệu Windows 10S, Surface Laptop, bản cập nhật lớn tiếp theo cho Windows 10, và một số thứ thú vị khác tại hội nghị BUILD.

Windows Store chính là tương lai của Windows?

Nhưng nằm ở trung tâm của mọi sự chú ý chính là một Windows Store hoàn toàn mới, và người ta có thể thấy rõ rằng đây mới chính là trọng tâm, là tương lai của Windows.

Theo TheVerge, khi Windows Store lần đầu được giới thiệu vào năm 2012 trong bản Windows 8 và Windows RT, mọi thứ rất khác biết. Theo thành công của App Store của Apple trên iOS, các công ty công nghệ cũng lần lượt tung ra các Store của riêng họ (ngay cả Apple sau đó cũng tung ra Mac App Store vào năm 2011, tất nhiên kém thành công hơn nhiều), và Microsoft tất nhiên không chịu đứng ngoài cuộc chơi.

Tuy nhiên, Windows Store vào năm 2012 thực sự là một mớ hổ lốn. Windows 8 chạy trên nền tảng Intel x86/x64, trong khi Windows RT lại chạy trên ARM, vậy mà cả hai lại dùng chung một Store, nghĩa là ứng dụng trên Windows Store lúc này phải tương thích với cả hai nền tảng. Đồng nghĩa với việc, Windows Store lúc này thực ra chỉ là một nơi cung cấp các phần mềm với ngôn ngữ thiết kế Metro, hướng đến tablet, nhằm cạnh tranh với iPad thay vì hướng đến PC thông thường, bổ trợ cho các phần mềm Win32 hiện tại. Thêm vào đó, những phần mềm được viết bằng .NET hay dành cho nền tảng Win32 thì không được chấp nhận trên Windows Store, vô tình khiến nhiều phần mềm rất thông dụng không thể có mặt trên Windows Store nếu không được viết lại từ đầu bằng ngôn ngữ lập trình mới dành riêng cho Windows 8/10.

Windows Store chính là tương lai của Windows?

Từ đó đến nay, Microsoft rõ ràng đã học được nhiều bài học quý giá. Họ giới thiệu nền tảng Universal trên Windows 10, giúp các lập trình viên dễ dàng viết các ứng dụng chạy được trên nhiều nền tảng. Đến hội nghị BUILD 2016, họ tiếp tục tung ra Desktop Bridge Tool, giúp chuyển các ứng dụng .NET và Win32 truyền thống sang các ứng dụng tương thích với Windows Store. Cuối cùng, họ cho phép các trò chơi trên Xbox One có thể chạy trên Windows 10 thông qua Windows Store, nhờ chương trình Xbox Play Anywhere, biến Windows Store thành một vũ khí lợi hại chống lại Steam của Valve.

Mới đây, Microsoft lại tiếp tục giới thiệu Windows 10 cho ARM - có thể xem là Windows RT tái sinh - có thể chạy được mọi ứng dụng x86 thông qua một trình giả lập, dù ứng dụng này có được cài từ Windows Store hay không. Đây chính là câu trả lời của hãng đối với một lỗi lầm cực lớn họ đã tạo ra trên Windows RT nhiều năm trước. Microsoft tỏ ra rất tự tin với việc có thể lôi kéo các nhà phát triển đưa ứng dụng desktop lên Windows Store đến nỗi họ tuyên bố Windows 10S sẽ chỉ chạy được các ứng dụng từ Windows Store. Tất nhiên, hãng không nói suông, họ đã ngay lập tức bắt tay với nhiều tên tuổi lớn để đưa các phần mềm phổ biến như iTunes, Spotify, thậm chí là một số bản Linux lên Windows Store.

Windows Store chính là tương lai của Windows?

Thay vì xây dựng Store phục vụ cho nền tảng ARM, Microsoft đã xây dựng nó trở thành cốt lõi cho bất kì phần mềm Windows nào. Có thể nếu bạn cần những phần mềm phức tạp chuyên sâu như Photoshop, bạn sẽ phải lục tìm trên mạng, nhưng mọi thứ cơ bản khác đã có sẵn trên Store.

Nếu Microsoft có thể thuyết phục người dùng và lập trình viên quay lại với Windows Store, họ sẽ có thể thay đổi cả Windows. Việc cài và gỡ phần mềm sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều (không phải tải file exe về cài thủ công, và hi vọng nó có sẵn file uninstaller để gỡ khi cần). Đồng thời mọi việc nâng cấp cũng sẽ được tập trung về một mối.

Microsoft cũng thêm một chức năng mới vào bản Creators Update vừa rồi là ngăn cài đặt ứng dụng không phải từ Windows Store, tương tự tính năng Gatekeeper trên OS X của Apple. Rõ ràng, khi mọi thứ người dùng cần đều có sẵn trên Store, thì việc khóa cài đặt này sẽ làm cho Windows trở nên an toàn hơn nhiều.

Windows Store chính là tương lai của Windows?

Windows Store không chỉ làm lợi cho người dùng, mà Microsoft cũng hưởng lợi khi họ thu về được 30% giá trị của các ứng dụng tính phí. Tất nhiên, trước khi có thể ung dung hưởng lợi, họ sẽ phải tham gia một cuộc chiến cam go. Nên nhớ, Apple cũng từng thử chiến thuật này với Mac App Store và không được thành công lắm, bởi những giới hạn đối với việc truy xuất hệ thống mà các ứng dụng trên Store phải chấp nhận, cũng như các lập trình viên cũng không dễ dàng chấp nhận chia sẻ 30% giá trị của ứng dụng trong khi họ có thể dễ dàng bán nguyên giá ngay trên website của mình.

Chưa biết Microsoft sẽ thành công hay thất bại như Apple với Mac App Store, nhưng rõ ràng với những động thái nêu trên, định hướng của hãng chắc chắn là sẽ biến Windows Store thành trọng tâm, là cốt lõi và là tương lai của Windows. Hãng chỉ cần phải tìm cách thuyết phục người dùng và lập trình viên đi theo đúng hướng đi đó mà thôi.

Tấn Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận