Bộ phận Một cửa phải được lắp đặt camera, máy lấy số xếp hàng tự động

Bộ phận Một cửa phải được lắp đặt camera, máy lấy số xếp hàng tự động

Bộ phận Một cửa phải được lắp đặt camera, máy lấy số xếp hàng tự động

Nghị định 61 của Chính phủ quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nghị định 61 của Chính phủ quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2018, Nghị định này không điều chỉnh việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa quốc gia quy định tại Luật Hải quan.

Theo Nghị định này, Bộ phận Một cửa là tên gọi chung của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Cùng với các quy định về việc tổ chức Bộ phận Một cửa, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ phận Một cửa, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ phận Một cửa…, Nghị định 61 cũng quy định cụ thể đối với việc bố trí trụ sở, trang thiết bị của bộ phận này. Theo đó, Bộ phận Một cửa được bố trí ở vị trí thuận tiện, dễ tìm, diện tích phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, quy mô diện tích phù hợp với số lượng giao dịch giải quyết tại Bộ phận Một cửa trong ngày.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ vào tình hình tiếp nhận hồ sơ TTHC thực tế tại bộ, ngành, địa phương mình để bố trí vị tí, diện tích hợp lý, ưu tiên việc nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc đã có hoặc thuê, hoán đổi công năng sử dụng của công trình sẵn có để tránh lãng phí. Trường hợp xây dựng trụ sở mới phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Về trang thiết bị, Chính phủ yêu cầu, căn cứ vào tính chất công việc và tình hình thực tế tại cơ quan và tiêu chuẩn, định mức về máy móc, thiết bị trang bị cho cơ quan nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các cấp quyết định theo thẩm quyền về trang thiết bị, phương tiện làm việc của Bộ phận Một cửa, đáp ứng nhu cầu làm việc và ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước.

Cũng theo Nghị định 61, tại Bộ phận Một cửa, phải bố trí khu vực cung cấp thông tin, TTHC; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của Bộ phận Một cửa có kết nối với cơ quan nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống; bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số xếp hàng tự động kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử, các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức và cá nhân tra cứu thông tin, TTHC, tra cứu kết quả giải quyết TTHC…

Đáng chú ý, Nghị định 61 của Chính phủ còn dành hẳn một Chương để quy định về ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC. Việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC phải tuân thủ các nguyên tắc gồm: bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, đồng bộ, tránh chồng chéo, lãng phí trong đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã dịnh danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

Bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước với nhau; khả năng tiếp nhận, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện TTHC thông qua các phương tiện điện tử, truyền thông, mạng xã hội được cấp có thẩm quyền cho phép. Đồng thời, tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, CNTT, văn thư, lưu trữ, an ninh, an toàn thông tin và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, các nội dung về xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, xây dựng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, cấp tỉnh và mã số hồ sơ TTHC cũng được Chính phủ quy định rõ trong Nghị định 61 mới ban hành.

Thời điểm Nghị định 61 có hiệu lực thi hành (ngày 21/6/2018), Quyết định 09 ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương sẽ hết hiệu lực. Việc tiếp nhận các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định này; không thực hiện các quy định về tiếp nhận văn bản đến tại Điều 13, 14 và 15 Nghị định 110 ngày 8/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư.

Chính phủ giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 61, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận