Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Di động bùng nổ trong 2 thập kỷ qua có công của Cục Tần số”

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Di động bùng nổ trong 2 thập kỷ qua có công của Cục Tần số”

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Di động bùng nổ trong 2 thập kỷ qua có công của Cục Tần số”

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc Hội trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Đoàn Quang Hoan

Chiều nay 8/6/2016, Cục Cục Tần số Vô tuyến điện đã tổ chức lễ kỷ niệm 23 năm ngày thành lập. Đến dự Lễ kỷ niệm có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc Hội; Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ BCVT, Tổng cục Bưu điện qua nhiều thời kỳ... 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chức viên chức Cục Tần số Vô tuyến điện trong nhiều năm qua.  Bộ trưởng cho rằng, Cục Tần số Vô tuyến điện đang quản lý tần số là một lĩnh vực kỹ thuật chuyên môn sâu, có thể xã hội còn chưa biết đến nhiều, nhưng đây lại là lĩnh vực nắm giữ nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, giá trị cao, tác động tới sự phát triển của các ngành sử dụng thông tin vô tuyến như thông tin di động, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải.

“Sự phát triển bùng nổ của thông tin di động trong  hơn hai thập kỷ qua có đóng góp quan trọng của Cục Tần số Vô tuyến điện. Các hệ thống phát thanh, truyền hình mặt đất phát triển được như hôm nay là có dấu ấn đóng góp quan trọng của các đồng chí. Tôi hoàn toàn tán đồng và chia sẻ phát biểu của ông Tu Rê, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế, khi đến thăm Việt nam năm 2011 là “những người quản lý tần số là những người anh hùng thầm lặng””, Bộ trưởng Trươg Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn còn cho rằng, bên cạnh sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đánh giá cao vai trò của Cục Tần số Vô tuyến điện trong công tác quản lý tần số phục vụ quốc phòng, an ninh và công tác bảo vệ quyền lợi và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện. Việc đàm phán giành được quyền sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh để phóng các vệ tinh Vinasat-1, Vinasat-2 và VNRedsat-1 là một bước tiến lớn khẳng định quyền lợi và chủ quyền về tần số của Việt Nam trong không gian vũ trụ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Di động bùng nổ trong 2 thập kỷ qua có công của Cục Tần số”

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ ra những thách thức đặt ra trong công tác quản lý tần số khi CNTT và truyền thông vẫn đang tiếp tục phát triển, thay đổi với tốc độ nhanh chóng; sự hội tụ giữa viễn thông và phát thanh truyền hình ngày càng diễn ra mạnh mẽ; nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng rộng trong lĩnh vực khác nhau ngày càng gia tăng; kết nối vô tuyến giữa máy với máy trong Internet cho vạn vật phát triển nhanh trong thời gian tới,…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm này, ông Đoàn Quang Hoan Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, cách đây đúng 23 năm, ngày 8/6/1993, Cục Tần số Vô tuyến điện được chính thức thành lập, thực hiện chức năng giúp Tổng cục trưởng TCBĐ quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh trên phạm vi cả nước.

Thực tiễn phát triển rất đáng tự hào của lĩnh vực thông tin vô tuyến điện Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua khẳng định, việc thành lập Cục Cục Tần số Vô tuyến điện là một quyết định đúng đắn của Chính phủ, là sự thay đổi tư duy mạnh mẽ của Tổng cục Bưu điện lúc bấy giờ, là một trong những điều kiện tiền đề, mở đường cho sự phát triển bùng nổ của thị trường thông tin vô tuyến điện, đặc biệt là thông tin di động và phát thanh truyền hình những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Một năm sau ngày thành lập, năm 1994, Cục đã chính thức cấp phép băng tần đầu tiên cho doanh nghiệp thông tin di động MobiFone, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của thông tin vô tuyến tại Việt Nam. Các giấy phép băng tần 2G và 3G được cấp tiếp theo cho VinaPhone, Viettel và các doanh nghiệp thông tin di động khác đã tạo nên sự phát triển bùng nổ của thông tin di động của Việt Nam, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước.

Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, lĩnh vực phát thanh truyền hình là một lĩnh vực quan trọng, sử dụng nhiều phổ tần, đặc biệt là các băng tần thấp quý hiếm. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập Cục đã quyết tâm quản lý cho được tần số phát thanh truyền hình, và từ năm 1996 thì chính thức thực thi công tác cấp phép tần số đối với PTTH, tạo tiền đề để Tổng cục Bưu điện (sau này là Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Thông tin và Truyền thông) chính thức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Các quy hoạch tần số cho phát thanh, truyền hình được ban hành vào các năm 2003, 2005 và 2013, đã giúp cho việc sử dụng tần số trong lĩnh vực này được quy củ, tiết kiệm.

Năm 2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam (Vinasat-1) được phóng vào quỹ đạo, đánh dấu mốc son mới trong ngành viễn thông của Việt Nam. Tiếp theo thành công của Vinasat-1, Việt Nam đã phóng vệ tinh Vinasat-2 vào năm 2012 và vệ tinh viễn thám VNRedsat-1 vào năm 2013. Thành công của các dự án phóng vệ tinh có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Cục trong công tác đàm phán phối hợp tần số và vị trí quỹ đạo, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên vũ trụ.

Vẫn theo ông Đoàn Quang Hoan, thành công trong đàm phán tần số và quỹ đạo vệ tinh là một trong những kết quả của chiến lược chủ động hội nhập quốc tế ở cấp độ khu vực lẫn cấp độ toàn cầu mà Cục đã kiên trì thực hiện, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Mặc dù là nước đi sau, nhưng uy tín, tiếng nói và vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tần số ngày càng được ghi nhận. Từ năm 2010 đến nay, Cục đã được giao chủ trì về vấn đề quản lý tần số của các nước ASEAN. Năm 2014, lần đầu tiên ứng cử viên của Việt nam được bầu vào Ủy Ban thể lệ vô tuyến của ITU. Nhiều cán bộ trẻ của Cục được tín nhiệm giao nắm giữ các vị trí quan trọng trong các nhóm nghiên cứu về thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông quốc tế và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. 

Ông Đoàn Quang Hoan còn cho rằng một trong những công việc quan trọng mà Cục đã thực hiện là số hóa truyền hình tại Việt Nam. Tháng 11/2015, tại Đà Nẵng, truyền hình tương tự mặt đất sau nhiều thập kỷ tồn tại đã ngừng phát sóng hoàn toàn, chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của ASEAN hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Đây là thành công quan trọng bước đầu của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 15/6 tới đây một số kênh truyền hình tương tự sẽ được tiếp tục ngừng phát tại 23 tỉnh thành khu vực Bắc bộ và Nam Bộ, tiến tới ngừng hoàn toàn kênh tương tự tại các các địa phương này vào cuối năm nay.

“Hành trình 23 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Tần số VTĐ đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển thông tin vô tuyến Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ninh quốc gia, chung tay cùng các ngành, các cấp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan khẳng định.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Di động bùng nổ trong 2 thập kỷ qua có công của Cục Tần số”

Cục Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã cắt băng khánh thành trụ sở mở rộng tại số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm 23 năm thành lập, Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã cắt băng khánh thành trụ sở mở rộng tại số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.Tòa nhà bao gồm công trình xây mới cao 27 tầng kết hợp với khối nhà hiện có cao 10 tầng được sửa đổi nhằm tạo nên hình ảnh hiện đại, phù hợp với công năng tòa nhà cũng như các công trình xung quanh. Thiết kế tòa nhà hướng tới không gian xanh, hướng đến toàn nhà sử dụng năng lượng hiệu quả.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận