Các CA đang “kéo nhau cùng chết” vì chiết khấu?

Các CA đang “kéo nhau cùng chết” vì chiết khấu?

Các CA đang “kéo nhau cùng chết” vì chiết khấu?

Tính đến tháng 3/2016, có 9 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng với đối tượng khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức (Ảnh minh họa. Nguồn:  Internet)

Thị trường chữ ký số đã bão hòa

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) vừa tổ chức hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 9 tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng gồm: VNPT-CA, CA2-CA, VIETTEL-CA, BKAV-CA, FPT-CA, SMARTSIGN, SAFE-CA, CK-CA, và NEWTEL-CA.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC cho biết, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 700.000 chữ ký số công cộng đang hoạt động, chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, bảo hiểm xã hội và hải quan điện tử.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của BKAV, đại diện BKAV-CA cho biết, trong khoảng 2 năm gần đây, các CA đều kinh doanh không dễ dàng. Quy mô thị trường chữ ký số vẫn chỉ có đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức. Số tổ chức, doanh nghiệp hiện nay khoảng 600.000 - 700.000 thì hầu hết đều đã sử dụng dịch vụ chữ ký số của các CA. Khách hàng mới để đủ quy mô thị trường cho 9 CA là vô cùng nhỏ.

“Với BKAV-CA, dịch vụ chứng thực chữ ký số chiếm tỷ trọng doanh thu tương đối nhưng không nhiều; giai đoạn đầu có lãi nhưng giai đoạn sau này kinh doanh dịch vụ hoàn toàn không dễ. Về  lý thuyết, các CA chỉ cung cấp và hỗ trợ dịch vụ chữ ký số nhưng thực tế hiện nay BKAV cũng như các CA khác đều đang phải “cõng” thêm việc hỗ trợ nghiệp vụ về khai thuế, khai hải quan - các dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, tổ chức sử dụng chữ ký số để thực hiện, do đó phải mất thêm nhiều chi phí chăm sóc khách hàng” ông Tuấn Anh cho hay.

Có cùng quan điểm với BKAV-CA, Phó giám đốc kinh doanh Viettel-CA Ngô Đình Vạn khẳng định, hiện thị trường chữ ký số đã bão hòa, các CA cạnh tranh khốc liệt nhưng chỉ cạnh tranh về giá và chiết khấu. “Được biết có CA chiết khấu tới 80% cho đại lý, tôi không biết các bạn sống bằng gì? Cũng có đơn vị thì hạ giá vài ba lần. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, chúng ta sẽ kéo nhau xuống, cùng nhau chết”, ông Vạn bức xúc.

Còn theo Giám đốc Trung tâm FPT-CA Lê Việt Cường, từ ngày đầu tham gia thị trường (khoảng 2010) đến nay, tỷ lệ % chiết khấu cho đại lý đã tăng “phi mã”, từ khoảng 15 - 20% ở thời kỳ đầu; đến nay có CA đưa tỷ lệ % chiết khấu cho đại lý lên tới 75 - 80%. Nếu tiếp tục giữ mức chiết khấu này, thực sự các CA nuôi đại lý là chính và sẽ kéo nhau cùng chết”. Ông Cường cũng cho biết thêm, do không còn thị trường mới và % chiết khấu cho đại lý cao nên hoạt động kinh doanh dịch vụ của FPT-CA trong năm 2015 cực kỳ khó khăn, tỷ suất lợi nhuận đi xuống khá rõ so với các năm trước.

Tình trạng hoạt động kinh doanh “chật vật” cũng là thực tế mà các CA nhỏ hơn  như CA2-CA, SMARTSIGN, SAFE-CA, CK-CA, và NEWTEL-CA đang phải đối mặt. Theo chia sẻ của Phó Giám đốc CA2-CA Phùng Huy Tâm, doanh thu dịch vụ của doanh nghiệp càng càng giảm, thuê bao tăng trưởng theo năm. Thậm chí trong 5 năm hoạt động của CA2-CA, sau 4 năm có lợi nhuận dương thì lợi nhuận của năm 2015 là lợi nhuận âm. Còn với SMARTSIGN, Giám đốc kinh doanh Lê Phúc Trần Tâm cho biết, sau 3 năm tham gia thị trường, tuy vẫn có lợi nhuận nhưng biểu đồ đi xuống và với tình hình như hiện nay thì sớm muộn cũng sẽ có lợi nhuận âm.

Đề xuất thành lập Hiệp hội chữ ký số

Theo phân tích của đại diện VIETEL-CA, tình trạng thị trường chữ ký số cạnh tranh khốc liệt về giá và chiết khấu như hiện nay là do thiếu sự đồng bộ và tiếng nói chung giữa các CA.  “Đã quá lâu 9 CA mới ngồi lại với nhau nên chưa có được tiếng nói chung, mỗi ông đi một kiểu dẫn đến tự chúng ta kéo nhau xuống. Tôi cho rằng chúng ta nên bàn bạc để làm sao các CA cùng sống được. Nếu chúng ta có được tiếng nói chung thì thực sự tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ không còn”, ông Vạn nhận định.

Đại diện lãnh đạo các CA đều bày tỏ sự thống nhất cao về việc cần thiết thành lập Hiệp hội chữ ký số. Ông Trịnh Đức Thụ, Phó giám đốc Ban khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT-CA chia sẻ: “Có Hiệp hội các CA có thể ngồi lại bàn với nhau, tìm được tiếng nói chung, cùng hướng tới cạnh tranh về chất lượng dịch vụ thay vì cạnh tranh nhau về giá như hiện nay”.

Để thị trường chữ ký số phát triển bền vững, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng NEAC và các CA cần cùng đồng hành để làm sao mở rộng thêm quy mô thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số, làm sao để bên cạnh việc các CA cạnh tranh cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng thì cũng mở rộng hơn quy mô thị trường, không chỉ giới hạn ở đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức mà có thể mở rộng tới cả đối tượng khách hàng cá nhân. Khi đó thị trường mới rộng mở, các CA mới có cơ hội để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho thị trường.

Đồng tình với ý kiến của đại diện BKAV-CA về việc cần phải ra thị trường mới, ông Lê Đình Cường kiến nghị Bộ TT&TT xúc tiến làm việc với các cơ quan nhà nước khác nhằm có được những chính sách mang tính định hướng mạnh mẽ, có thể yêu cầu một số lĩnh vực “bắt buộc” phải ứng dụng chữ ký số.

“Ví dụ như, có thể làm việc với Ngân hàng Nhà nước để ra quy định quy định với những giao dịch có giá trị cao trên 300 triệu đồng hoặc trên 500 triệu đồng thì bắt buộc phải sử dụng chữ kí số, khi đó thị trường chữ ký số mới được mở rộng thêm. Cái này giống như mô hình áp dụng tại Hàn Quốc: phân lớp rất rõ việc áp dụng biện pháp xác thực cho các giao dịch, chẳng hạn như những giao dịch từ 100.000 - 300.000 Won họ sử dụng “One Time Password - OTP”; và trên 300.000 Won là sử dụng chữ ký số cộng kết hợp với OTP”, ông Cường đề xuất.

Mặc dù có chung nhận định với đại diện FPT-CA là cần phải mở rộng thị trường song ông Trịnh Đức Thụ - đại diện VNPT-CA lại cho rằng việc dùng biện pháp ép buộc là khó. Ông Thụ đề xuất: “Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực CNTT-TT, Bộ TT&TT có thể tham mưu để đưa quy định những giao dịch, dịch vụ nào phải sử dụng chữ ký số để xác thực vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao dịch điện tử. Các CA sẵn sàng tư vấn, góp ý để Bộ tham mưu xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số”.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm quá trình 7 năm hoạt động của BKAV-CA, ông Ngô Tuấn Anh cũng chỉ rõ: các CA cần có sự đồng thuận trong việc cần có sự quản lý chặt chẽ trong việc quản lý các đại lý cũng như cộng tác viên. “BKAV mong muốn có sự quản lý chặt chẽ hơn từ NEAC đối với hoạt động của cac đại lý, cộng tác viên của các CA công cộng nhằm giúp cho việc cung cấp dịch vụ được  đảm bảo. Bởi lẽ chứng thực chữ ký số là dịch vụ đặc thù, nếu một CA trong quá trình cung cấp dịch vụ để xảy ra sai sót, mất an toàn  thông tin sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền đến tất cả các CA khác cũng như Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia. Dịch vụ chứng thực chữ ký số dựa trên sự tin tưởng, rõ ràng chỉ cần một CA có vấn đề, các CA khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận