Để ý tưởng đổi mới sáng tạo được “hợp lực”

Để ý tưởng đổi mới sáng tạo được “hợp lực”

Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, có nhiều cơ quan hạt nhân cùng tham gia xây dựng chính sách, vậy làm thế nào để ý tưởng đổi mới sáng tạo ở một cơ quan được “hợp lực” cùng các cơ quan khác?

Để trả lời câu hỏi nêu trên, Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn hai đã hướng tới đào tạo một mạng lưới nhân lực ở các cơ quan khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào một bộ/ngành, như ông Chu Văn Thắng, Điều phối viên Đổi mới sáng tạo quốc gia của IPP2, chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển trong cuộc phỏng vấn mới đây.

Để ý tưởng đổi mới sáng tạo được “hợp lực”
Ông Chu Văn Thắng nhận chứng chỉ khóa đào tạo đổi mới sáng tạo tại Helsinki.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Cần một đội ngũ làm chính sách có kiến thức cập nhật về đổi mới sáng tạo

Chúng tôi được biết, trong thời gian đầu, chương trình IPP hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện một số nhiệm vụ đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được lên kế hoạch từ trước. Hiện nay thì hoạt động hỗ trợ xây dựng chính sách của IPP có gì đổi mới, thưa ông?

Trong thời gian đầu, IPP đã hỗ trợ nhiều ý tưởng đột phá, cập nhật mà sau này được tích hợp vào đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST (Đề án 844), Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa... Nhưng sang đến giai đoạn sau, bắt đầu từ năm 2016, chúng tôi nghĩ rằng vẫn cần cải tiến tiếp, và tìm ra cách thức hỗ trợ có tác động sâu rộng hơn.

Ban đầu, chúng tôi cũng nghĩ, hỗ trợ chính sách là hỗ trợ làm luôn ra chính sách. Nhưng rồi chúng tôi tổng kết lại các chương trình hỗ trợ và nhận thấy, có lẽ tác động lớn và lâu dài nhất mà IPP tạo dựng được chính là tác động vào đội ngũ làm chính sách, làm sao để đội ngũ đó có kiến thức cập nhật về ĐMST so với thế giới, thay vì chỉ hỗ trợ các nhóm soạn thảo luật hay đề án mà mỗi nhóm chủ yếu gồm có vài ba người.

Năm 2016 là thời điểm chỉ còn không đầy hai năm nữa thì chương trình IPP sẽ kết thúc. Vậy có những khó khăn gì khi đề xuất chương trình đào tạo mới vào thời điểm đó, bởi các chương trình đều cần đánh giá cuối kỳ, trong khi hoạt động đào tạo lại không dễ thấy kết quả ngay?

Khi tài trợ cho doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy ngay hiệu quả ở sản phẩm đầu ra. Còn trong đào tạo, người học cần thời gian mới thẩm thấu và thể hiện được kiến thức đã học trong công việc. Tuy nhiên, rất may mắn là các cơ quan tài trợ cho ĐMST của Việt Nam và Phần Lan đều hiểu rõ đào tạo là một hình thức đầu tư dài hạn, và không bao giờ đòi hỏi đào tạo xong phải có kết quả ngay. Hiệu quả của chương trình đào tạo còn được đánh giá thông qua sự tiếp thu của người học và nhận xét của người dạy.

Ban đầu, chúng tôi có ý định thiết kế các chương trình đào tạo thông qua tổ chức các đợt thực tập sinh tại các tổ chức quốc tế để “học việc” nhưng vì một số lý do mà các tổ chức quốc tế này chưa nhận thực tập sinh nên phải chuyển hướng sang đào tạo về lý thuyết gắn với thực tế tại các nước phát triển là Phần Lan và Singapore.

Để ý tưởng đổi mới sáng tạo được “hợp lực”
Một khóa đạo tạo khởi nghiệp ĐMST do IPP2 tổ chức ở TPHCM. Ảnh: IPP

Khóa học đầu tiên của IPP2 cũng vấp phải một áp lực rất lớn, đó là sự nghi ngờ về tính hiệu quả khi trên thực tế nhiều đoàn cán bộ Việt Nam ra nước ngoài chỉ học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Các tổ chức quốc tế “truyền khẩu” rất nhiều về chuyện này. Do đó, để đảm bảo chất lượng khóa học, trực tiếp giám đốc IPP đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ KH&CN duyệt chọn từng thành viên trong đoàn, gồm lãnh đạo của các vụ trong Bộ KH&CN cũng như lãnh đạo của ba sở KH&CN Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM.

Qua quá trình đấu thầu quốc tế công khai minh bạch, đơn vị được chọn để thực hiện đào tạo là Học viện đào tạo cán bộ lãnh đạo thuộc Đại học Aalto, một đại học có uy tín hàng đầu của Phần Lan; giảng viên đều là những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong tư vấn ĐMST và xây dựng chính sách ở tầm quốc gia như nguyên Thủ tướng Phần Lan Esko Aho hay Giáo sư Goran Roos, một trong những nhà tư tưởng ĐMST hàng đầu hiện nay.

Thay đổi về tư duy có thể tạo ra tác động tức thì

Để đào tạo được đội ngũ cán bộ xây dựng chính sách cũng như trực tiếp tham gia vào các hoạt động ĐMST, thì việc lựa chọn đội ngũ học viên là khâu rất quan trọng, kinh nghiệm của IPP2 là gì?

Năng lực hỗ trợ ĐMST không thể chỉ khu trú ở Bộ KH&CN, ý tưởng ở một cơ quan cần được “hợp lực”cùng nhiều cơ quan khác, do đó rất cần đào tạo cán bộ thuộc nhiều cơ quan để xây dựng một mạng lưới hợp tác.

Bởi vậy, chương trình quyết định không dừng lại ở đào tạo quản lý ĐMST cho Bộ KH&CN mà năm 2017 mở thêm nội dung đào tạo về cơ chế tài chính và giáo dục cho thúc đẩy ĐMST nhằm hướng tới một đội ngũ cán bộ có năng lực phù hợp ở các cơ quan bộ, ngành liên quan, là những hạt nhân tiềm năng tham gia vào xây dựng hệ sinh thái ĐMST như ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...

Khi trong các cơ quan đó có những hạt nhân có năng lực thì việc ra đời chính sách [về khởi nghiệp ĐMST] thuận lợi hơn rất nhiều. Tất cả vấn đề xây dựng, đổi mới chính sách đều nằm ở tư duy của cán bộ, và chúng tôi muốn hỗ trợ phát triển tư duy ấy.

Đặc biệt, khóa đào tạo về Giáo dục thúc đẩy ĐMST chủ yếu dành cho lãnh đạo của 14 trường đại học và một trường Cao đẳng công nghiệp Thừa Thiên Huế (HUEIC) nhằm hướng tới việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST ngay trong các trường đại học. Theo kinh nghiệm của Phần Lan, trường đại học là nơi tập hợp tri thức và có khả năng tập hợp nhiều lực lượng xã hội cũng như thu hút sự liên kết với các doanh nghiệp, là những điều kiện lý tưởng cho phát triển hệ sinh thái ĐMST.

Chúng tôi suy nghĩ rằng, lãnh đạo các trường đại học đa phần đều đã có kiến thức rất tốt, chỉ cần được chia sẻ thêm kinh nghiệm về khởi nghiệp ĐMST. Vì thế, nếu được mời sang các nước phát triển, tận mắt thấy cách các trường đại học ở đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, tư duy của lãnh đạo các trường sẽ có những bước chuyển tích cực để phát triển thành công hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST của trường mình.

Tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết mà ông vừa nói, đó là trong số đại diện các trường tham gia khóa đào tạo về giáo dục của IPP có một trường cao đẳng, trong khi các trường cao đẳng vốn luôn được xem là không có nhiều vai trò đối với ĐMST?

Đây như một “thử nghiệm” của IPP nhằm đánh giá vai trò của các trường cao đẳng trong hệ sinh thái ĐMST. Về sau “thử nghiệm” đã được chứng minh là đúng, HUEIC không chỉ có các hoạt động khởi nghiệp ĐMST mạnh mẽ mà còn truyền tinh thần khởi nghiệp ĐMST cho các trường cao đẳng khác ở miền Bắc và miền Trung, tức là sức lan tỏa của nó vượt ra ngoài phạm vi địa phương. Hiện nay, lãnh đạo nhà trường đã cho thành lập một trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tại Huế từ sự học hỏi từ mô hình của Phần Lan.

Như vậy là, mặc dù không kỳ vọng từ đầu,ta cũng có thể nhìn thấy tác động của đào tạo ngay trong ngắn hạn. Điều đó nói lên rằng, nếu chúng ta tìm được những đơn vị có đầy đủ điều kiện thì chỉ cần hỗ trợ, tác động một chút là có thể tạo thay đổi tức thì.

Trân trọng cảm ơn ông.

Sau bốn khóa đào tạo, chương trình IPP - chương trình thúc đẩy ĐMST cấp quốc gia đầu tiên ở Việt Nam - đã tạo ra được một mạng lưới hơn 90 cán bộ, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp vụ ở Bộ KH&CN, và ở các bộ, cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở KH&CN một số địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ,...

Ông Vũ Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ, một trong những học viên, khẳng định, đây là chương trình “học thật”, các kiến thức về hệ sinh thái ĐMST của Phần Lan rất hữu ích cho công việc của ông. “Sau khi đi thực tế tại một số trường đại học ở Phần Lan, tôi đã có đủ kiến thức và trải nghiệm để thẩm định và sửa đổi bổ sung một số văn bản như Đề án Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ duyệt” - ông cho biết.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận