iPhone khoá mạng bị “hô biến” thành quốc tế với một đoạn mã

iPhone khoá mạng bị “hô biến” thành quốc tế với một đoạn mã

Cuối tuần qua, nhiều người sử dụng iPhone lock đã chia sẻ với nhau cách dùng thiết bị này như bản quốc tế. Cụ thể, người dùng chỉ cần nhập vào đoạn mã ICCID vào iPhone đang dùng sim ghép, sau đó lấy sim ghép ra, gắn sim nhà mạng vào và sử dụng bình thường. iPhone lock sau khi sử dụng cách này không bị lỗi danh bạ, kiểm tra tài khoản (bấm *101#), hiển thị danh bạ, Facetime hay những lỗi khác.

Mã ICCID là dãy số gồm 20 chữ số chứa thông tin của nhà mạng được nạp vào chip sim (nằm sau mặt sim), có thể dựa vào dãy số này thêm bất kì số điện thoại nào vào sim trắng (sim chưa có số) để sử dụng. Đây là cách nhân viên giao dịch của nhà mạng thêm số thuê bao vào sim trắng cho khách hàng.

Thông thường, iPhone bán kèm hợp đồng nhà mạng sẽ sử dụng sim của riêng nhà mạng đó. Nói cách khác, iPhone chỉ tương thích với dải ICCID đã đăng kí của nhà mạng này. Việc sử dụng sim ghép, mục đích là tạo một ICCID giả nằm trong dải mã của nhà mạng ban đầu, từ đó qua mặt iPhone để sử dụng mạng của nhà cung cấp khác.

Tuy nhiên, cách mới đang lan truyền còn dễ dàng hơn khi chỉ cần dùng sim ghép một lần duy nhất và ICCID để "hô biến" hàng khóa mạng thành quốc tế mà không cần tới nhà mạng. Nhật Huy, chủ một cửa hàng bán iPhone tại TP HCM cho biết, đoạn mã ICCID đã lan truyền trên các diễn đàn về iPhone nhiều ngày qua và được nhiều người dùng iPhone lock áp dụng thành công. Theo anh, đây là đoạn code mà các nhóm chuyên kinh doanh iPhone lock từ Trung Quốc khai thác và cung cấp, chưa được hệ thống Apple ghi nhận nên dễ bị vượt qua.

Trên các diễn đàn công nghệ và mạng xã hội, số người dùng iPhone lock rất quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, theo tiết lộ của một chủ cửa hàng kinh doanh iPhone xách tay tại quận 10 (TP HCM), doanh số iPhone khóa mạng đã tăng khoảng 30 đến 50% trong vài ngày gần đây. Trước đó, doanh số thiết bị này bị đánh giá là "èo uột" bởi liên tiếp gặp sự cố về sim ghép.

Mã ICCID phổ biến khiến nhiều người dùng iPhone xách tay lo ngại vì sợ rằng họ mua phải iPhone quốc tế nhưng thực chất là hàng lock được "phù phép". Một số ý kiến cho rằng các gian thương có thể dựa vào điều này lừa người mua iPhone không hiểu biết.

Theo anh Trần Mạnh Hiệp, admin diễn đàn Tinhte, cách phân biệt hàng lock và quốc tế dễ dàng nhất là khôi phục cài đặt gốc. Các bước gồm Cài đặt > Cài đặt chung > Đặt lại > Xoá tất cả nội dung và cài đặt. Đây còn gọi là reset dòng 2 để đưa máy về trạng thái ban đầu. Sau khi thực hiện bước này, máy lock gắn sim vào sẽ không kích hoạt được.

Bên cạnh đó, việc cập nhật lên phiên bản iOS mới nhất cũng khiến iPhone lock bị khóa trở lại. Do đó, anh Hiệp cho rằng đây chỉ là hình thức tạm thời và sớm bị Apple sửa lỗi như từng làm với sim ghép trước đây. "Đó có thể là một lỗ hổng trên iOS và sớm được Apple vá lại. Người dùng cần thận trọng khi mua loại iPhone này, tốt nhất nên đợi thêm vài ngày để xem tình hình hoặc mua iPhone quốc tế, hàng chính hãng", anh Hiệp nhận định.

Nguyễn Quang Thái, người có nhiều năm kinh nghiệm về kinh doanh và sửa chữa iPhone tại TP HCM, tỏ ra nghi ngờ, cho rằng đây là "cái bẫy" mà Apple đặt ra. "Không loại trừ khả năng Apple đang 'xả cổng' để nhận diện máy nào đang dùng sim ghép, sau đó liệt vào danh sách đen. Chỉ cần hãng quyết định khóa lại, toàn bộ iPhone lock active bằng cách này sẽ thành 'cục gạch', kể cả dùng sim ghép trở lại cũng không được", anh Thái nghi ngờ. Anh Thái cũng nhấn mạnh người dùng chưa nên mua hoặc tốt nhất là không nên iPhone lock lúc này.

iPhone lock là loại chỉ dành cho một thị trường nhất định (như Mỹ, Nhật Bản...) do nhà mạng ở đó phân phối, không thể sử dụng ở các nơi khác. Để qua mặt, loại iPhone này cần dùng đến sim ghép - bản vi mạch dùng để lắp chung với thẻ sim nhằm "qua mặt" hệ thống của Apple. Việc sử dụng sim ghép từ lâu không được chấp nhận nhưng vẫn có nhiều người tìm đến do chi phí rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng hoặc bản xách tay quốc tế (đã mở khóa mạng).

Theo Số Hoá.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận