Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ

Ngày 19/6 tới, Luật Chuyển giao công nghệ sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua. Trước đó, các đại biểu đã cho ý kiến và bày tỏ sự tán thành cao về những điểm tiến bộ được đề cập trong dự án luật.

Trao đổi với Khoa học và Phát triển, TS Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cơ quan soạn thảo - đã chỉ rõ những điểm mới tại dự án Luật này.

Ngăn chặn công nghệ, thiết bị lạc hậu

Thưa ông, Luật Chuyển giao công nghệ hướng tới thúc đẩy đưa công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, góp phần hiện đại hóa khoa học công nghệ trong nước. Nhiều người lo ngại rằng, việc nhập khẩu công nghệ nếu không kiểm soát chặt chẽ có thể khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ. Vậy dự thảo luật có những thay đổi nào để hạn chế điều này?

So với Luật Chuyển giao công nghệ 2006, để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ được bổ sung 1 chương (chương II với 8 điều) về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Chương này cũng quy định việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ (CGCN), nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong khâu kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư, việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

Luật CGCN sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động CGCN. Điều này thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý CGCN. Cơ chế bắt buộc đăng ký CGCNlà cần thiết, đặc biệt là CGCNtừ nước ngoài vào Việt Nam nhằm tạo bộ lọc để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, ngăn chặn gian lận, chuyển giá qua hoạt động CGCN, giúp cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Khuyến khích chuyển giao, đổi mới công nghệ

Ngoài điểm mới này ra, Luật CGCN còn có thêm những điểm nào đáng chú ý, thưa ông?

Dự thảo Luật CGCN(sửa đổi) có 6 chương, 63 điều, tập trung vào việc phát triển thị trường công nghệ, các biện pháp thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và thúc đẩy CGCN trong nông nghiệp.

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ
TS Đỗ Hoài Nam - Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ.

Để phát triển thị trường KH&CN, một loạt biện pháp được đưa ra. Trong đó, các tổ chức trung gian được hỗ trợ kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ như xây dựng hạ tầng kỹ thuật (sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo); xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian; nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ…

Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên, dự thảo luật đưa ra một số giải pháp như giao quyền, phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ liết kết giữa tổ chức sở hữu KH&CN với tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN.

Với việc hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, luật cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp…

Đối với nông nghiệp, dự thảo luật cũng dành 1 điều quy định phương thức, hình thức, loại hình CGCNđặc thù và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động CGCNtrong lĩnh vực này.

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ tiềm lực để nhập khẩu máy móc, thiết bị đắt tiền theo tiêu chuẩn mới. Vậy dự thảo Luật CGCN có quy định nào cụ thể để hài hòa việc nhập khẩu thiết bị vẫn còn giá trị sử dụng với tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp?

Các doanh nghiệp nước ngoài hầu như chỉ chuyển giao khi các công nghệ đã cũ để đổi công nghệ và dây chuyền máy móc mới. Đây là nguyên nhân chính khiến các nước phát triển tìm cách đẩy các thiết bị đã khai thác sang các nước kém phát triển hơn.

Một thực trạng không thể phủ nhận là tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì thế, nhập khẩu máy móc cũ từ các nước phát triển là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, cơ quan quản lý phải có chính sách quản lý chặt chẽ những công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam. Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là công cụ đầu tiên và qua thời gian thực thi, chúng tôi thấy có tác dụng nhất định. Nhiều doanh nghiệp đã xin Chính phủ nới lỏng quy định này nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì không nên.

Thực tế, đối với các công nghệ đã qua sử dụng, cần có quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn và năng lực tiêu hao nhiên liệu. Chúng ta đang thiếu nguyên liệu nên yêu cầu về công nghệ dù không phải tiên tiến nhất cũng phải giúp hạn chế tối đa việc tiêu hao năng lượng và bảo vệ môi trường. Nếu không đáp ứng được tối thiểu những yêu cầu này thì không nên nhập về.

Trong cuộc họp chuẩn bị ban hành Thông tư 23, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngày càng phải thắt chặt hơn việc nhập khẩu công nghệ. Về việc nhập khẩu các nhà máy đã đóng cửa từ nước ngoài, trước mắt thì có thể “chấp nhận” nhưng về lâu dài là “có tội với đất nước”. Luật sửa đổi sẽ hướng tới hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng.

Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ có thêm những giải pháp nào để thúc đẩy CGCN từ doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước?

Bản chất của CGCN thông qua FDI là công nghệ đi theo đầu tư, tức là vì nhu cầu đầu tư sinh lợi mà người ta phải đưa công nghệ vào chứ không phải nhu cầu từ phía Việt Nam. Vì thế, bên đầu tư phải tìm cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên thô để xuất khẩu.

Khi năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu đưa vào các công nghệ cao hơn, phục vụ nhu cầu sản xuất. Điều đáng nói là các sản phẩm này tuy được sản xuất ở Việt Nam nhưng đều mang đi xuất khẩu, không hề bán tại nước sản xuất.

Khoảng 90% số trường hợp CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam là chuyển giao quyền sử dụng chứ không bán đứt công nghệ. Các giải pháp, bí quyết kỹ thuật hầu hết đều do người nước ngoài nắm giữ. Khi công nghệ này lạc hậu, doanh nghiệp nước ngoài mới để cho người Việt Nam tiếp cận.

Các chuyên gia của Trung tâm Chuyển giao công nghệ Châu Á – Thái Bình Dương có đưa ra lời khuyên cần phải “make some by some” tức là phải vừa đầu tư, vừa nghiên cứu. Cái gì cần nắm rõ bản chất thì phải đầu tư nhân lực, cái gì cần tranh thủ kinh nghiệm từ nước ngoài thì mua qua CGCN. Không nên kỳ vọng vào nước ngoài quá nhiều, cũng không nên dựa chủ yếu vào nghiên cứu trong nước mà cần kết hợp cả hai.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Vũ (ghi)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận