Phong trào like, share và hậu quả sống ảo

Phong trào like, share và hậu quả sống ảo

Phong trào like, share và hậu quả sống ảo

Kẻ "đốt đền" thời internet


Cộng đồng mạng đã từng chứng kiến những cảnh đánh ghen, lên mạng tố người yêu cũ, đăng ảnh nóng, giả chết, chụp ảnh với người nổi tiếng rồi nhận làm người thân, hôn chuột chết để chụp hình đưa lên Facebook... nhằm câu view, câu like (like farming-cày like), để được nổi danh, để kiếm tiền... Những chiêu trò ấy đã bị lật tẩy, bị dư luận "ném đá" tưởng đã lắng đi, nhưng không ngờ nó lại biến tướng trở nên bạo liệt hơn, nguy hiểm hơn: Một thanh niên hứa sẽ ăn phân của chính mình; Có người xin đủ like sẽ trần truồng khoe thân chạy 7 vòng ở sân trường...

Ngày 29/2/2016, một chàng ở tỉnh Tây Ninh đăng lên trang cá nhân của mình nội dung: "Nhẹ nhàng 5k like cởi truồng đi từ quán cafeMonaco về báo Quốc Từ. Ủng hộ nhe". Chưa đến một ngày, anh đã được toại nguyện, nhận được hơn 5.000 lượt like. Đúng giờ, anh ta xuất hiện trên một chiếc xe máy do người khác chở. Trên người anh chỉ một chiếc nội y màu xanh, mình trần. Những người chờ sẵn ào ào vỗ tay, la hét cổ vũ. Một số bạn trẻ chụp được những hình ảnh phản cảm này và đăng lên Facebook. Nhiều người còn yêu cầu anh làm lại, thoát y 100% như đã hứa.

Ngày 21/9/2016, mạng xã hội lại sửng sốt với clip một nam thanh niên tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống kênh Tân Hóa, quận 11, Tp.HCM. Trước đó, thanh niên này đã lên Facebook tuyên bố, nếu bức ảnh của mình đủ 40.000 lượt like thì tối 20/9 sẽ "tự thiêu rồi nhảy xuống kênh". Sau 23 giờ đăng, status đã nhận được 86.000 lượt like và hơn 5.600 người share.

Gần 20 ngày sau, 9/10/2016, một cô gái khoảng 13 tuổi, đã thôi học, mang xăng đến trường cũ của mình ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, tưới xăng trước Phòng Y tế của trường rồi châm lửa đốt, xung quanh nhiều người hò reo. Vì trước đó cô câu like trên Facebook, rằng nếu được 1000 like sẽ châm lửa đốt ở trường học, đến khi đạt số like và bị bạn bè ép nên cô đã thực hiện "lời hứa" đó. Khi đốt trường, ngọn lửa bén vào người khiến cô cháy xém tóc, bỏng chân.

Những chân dung kẻ "đốt đền" thời internet mà tôi vừa khắc họa thật đa dạng làm sao! Hẳn là chúng ta còn nhớ chuyện "Đốt đền" trong thần thoại Hy Lạp, kể về một kẻ đã đốt đền Nữ thần Artemis, chỉ để được nổi tiếng, cho dù là nổi tiếng theo cách bị người đời phỉ báng.

Ở đời, ai cũng muốn có "danh", có "phận", nó không chỉ là nhu cầu tự thân, khát vọng có một vị trí và danh xưng xứng đáng mà còn là động lực thúc đẩy con người phấn đấu không ngừng tiến bộ. Thế nhưng thời internet chữ "danh" đang dần biến tướng và méo mó đến khó hiểu. Nhiều người vẫn dùng phương pháp này bằng tạo ra những scandal. Tự gây chuyện, đưa đầu ra chịu gạch đá của dư luận, thậm chí đôi khi còn làm những hành vi kiểu "hãy ném cà chua, trứng thối vào tôi đi, tôi đang rất cần bốc mùi để ai ai cũng phải ngửi thấy". Ngày trước, một bạn trẻ nổi tiếng được gọi là hot boy, hot girl khi họ có ngoại hình đẹp, hoạt bát, năng động, học hành giỏi giang và tham gia một số hoạt động xã hội. Ngày nay, để trở thành hot boy hoặc hot girl thì chỉ cần sở hữu lượng like lớn trên mạng là được, cuộc sống ảo đang ngày càng trở thành tiêu chuẩn của một bộ phận giới trẻ. Có những người câu like chỉ vì thích được like, nhưng đa số những người dựng chuyện câu like vì muốn nổi danh. Nhưng có ai biết rằng, những kiểu câu like đó là mầm nống sinh ra tội phạm. Tự thiêu vì like, đốt trường vì like đã hiển hiện. Có ai đoan chắc những vụ như hiếp dâm, thậm chí là giết người vì like sẽ không xảy ra?

Nghĩ gì trước khi bấm like, share?

Các mạng xã hội đã và sẽ tiếp tục phát triển, cải tiến. Nhờ các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh ngày càng hiện đại, nó tạo cho con người một hình ảnh khác, một con người khác trên các mạng xã hội. Những hình ảnh được đăng lên mạng cùng những dòng trạng thái đa dạng làm cho người xem có cái nhìn khác về người chủ trang thông tin cá nhân, từ đó khiến nhiều người say mê với cuộc sống ảo. Có một bộ phận cư dân mạng, nhất là bạn trẻ, dõi theo những hoạt động "thượng vàng hạ cám" trên mạng, không chỉ là thói quen, mà thành "nghiện", thành "lối sống" của họ, không "lên phây" là không chịu nổi.

Các mạng xã hội, nhất là Facebook đầy những tin tức thật, giả thật lẫn lộn. Những người không tỉnh táo khi tham gia thế giới ảo rất dễ tiếp tay cho kẻ xấu, gây ảnh hưởng đến người khác. Với một bức ảnh, mẩu tin thất thiệt, đoạn clip, một câu chuyện động tới lòng trắc ẩn, hoặc gây bức xúc, giật gân... mạng xã hội làm cuộc sống của nhiều người trở nên khốn khổ, một người vô tội sẽ bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Nhẹ là tốn thời gian giải thích, đính chính, nặng là mang tiếng suốt đời, rắc rối tới công việc, thậm chí liên quan luật pháp, cuốn vào vòng lao lý.

"Câu like, câu view" thực ra chỉ là bề nổi của cuộc sống ảo. Có lẽ một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới những hiện tượng đáng tiếc xảy ra chính là một bộ phận giới trẻ mất định hướng sống nên không có mục tiêu sống, không biết mình sống để làm gì, có ý nghĩa gì. Từ đó họ không trân trọng cuộc sống, sẵn sàng vì trò đùa, vì tâm lý đám đông, vì sĩ diện mà hủy hoại bản thân.

Còn những người bấn nút like tham gia trò câu like, câu view, đích thị là kẻ tòng phạm gây tội ác. Vụ tự thiêu, vụ đốt trường chắc chắn sẽ không xảy ra nếu như không có lượt bấm like.Tôi nghĩ, khi chạm nút like như một người chạm vào cò súng. Phải cân nhắc, đắn đo rất kỹ, mình bắn phát súng này vào mục tiêu nào, viên đạn này sẽ gây tổn thương hoặc giết chết một con người như thế nào?

Bạn hãy like, share một cách thông minh! Mỗi người tham gia mạng xã hội đều phải đóng vai trò là một "màng lọc thông tin", phân biệt đâu là thông tin xác thực, đâu là chuyện bịa đặt, để mạng xã hội, internet nói chung trở lại đúng với mục đích của nó là "ngôi nhà mở", ở đó có nửa riêng, nửa công. Người sử dụng nó phải đảm bảo cả hai yếu tố: Quyền cá nhân và trách nhiệm trước cộng đồng. Vì thiếu bản lĩnh, cuốn theo tâm lý bầy đàn mà bạn like hay share những thông tin thiếu căn cứ, tham gia, cổ súy cho những việc làm có ảnh hưởng xấu tới người khác, tới cộng đồng đó là hành động vô trách nhiệm.

Pháp luật có quy định quyền và trách nhiệm của người truyền tin trên mạng xã hội. Nhưng có những hành vi hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức cá nhân chứ không thể xử lý bằng pháp luật. Chẳng hạn như những người like trong các chiêu trò câu like của vụ tự thiêu, vụ đốt trường thì xử lý thế nào? Theo quy định của pháp luật, trẻ phải từ 13 tuổi trở lên mới được đăng ký tài khoản mạng. Nhưng thực tế nhiều cháu 10 tuổi đã có Facebook. Khi pháp luật chưa đề cập hoặc không điều chỉnh kịp những hành vi phát sinh trong thế giới ảo thì mỗi người hãy bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng bằng cách like, share, comment thông minh, nhân văn hơn.

Theo Vnreview

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận