Sếp CMC: “Ra nước ngoài cũng là tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội”

Sếp CMC: “Ra nước ngoài cũng là tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội”

Sếp CMC: “Ra nước ngoài cũng là tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội”

Ông Hoàng Ngọc Hùng, Phó Tổng Giám đốc CMC

Mới đây, CMC công bố chiến lược “Go Global, chiến lược này của CMC có gì khác với những doanh nghiệp ICT của Việt Nam đã đi ra nước ngoài?

Tôi cho rằng chiến lược “Go global” có rất nhiều cách. Cách đi thứ nhất là mình tự đầu tư mạnh mẽ như một số tập đoàn lớn ở nước ngoài hay trong nước, cách thứ hai là mua một công ty khác đã có năng lực về mảng mà CMC định đi sâu vào, cách thứ ba là tìm một kiểu lai ghép. CMC vẫn thiên về cách chủ động đầu tư, tức là đầu tư nguồn lực một cách bài bản. Tuy nhiên, chiến lược của CMC sẽ không đánh thị trường rộng mà sẽ đi vào thị trường mục tiêu. Chúng ta nhìn vào Apple thì sẽ thấy hãng này cũng chỉ có 4 - 5 sản phẩm nổi trội. Những hãng công nghệ như Facebook cũng vậy, nghĩa là họ có chiến lược tập trung. Khi điều hành mảng phần mềm của CMC, tôi cũng nhận thấy sản phẩm phủ rộng quá là rất khó thành công, bởi chúng tôi đã từng làm theo cách cứ văng hạt ra, rồi mong chờ một cái cây nào đó tốt rồi phát triển tiếp. Thế nhưng, thực tế đã không phải thế, khi làm nhiều việc quá, sự tập trung cho từng việc là không đủ và thực tế nhiều mảng khi làm không tới lại trở thành những “gánh nợ” rất khó dẹp. Vì vậy, CMC đi global hơi khác các công ty khác, đó là sẽ tập trung làm những việc đã được xác định trong chiến lược, tạo ra năng lực cạnh tranh, cái không dễ xây dựng đối với các công ty vừa và nhỏ. Chúng tôi có thể lựa chọn những đối tượng khách hàng là những công ty dài hạn nghiêm túc, khi đó họ muốn có một thị trường riêng và có thể dự đoán được thị trường này trong tương lai.

Chiến lược “Go global” của CMC có tác động ngược lại đến thị trường trong nước hay không thưa ông?

Đúng như vậy. Tôi cho rằng khi mình đi ra ngoài, làm và bán được sản phẩm ở thị trường quốc tế thì khi làm với khách hàng trong nước sẽ thuận lợi và tự tin hơn nhiều. Chúng tôi có thể mang kinh nghiệm nước ngoài vào để phát triển các sản phẩm cho thị trường trong nước tốt hơn.

Chiến lược “Go global” của CMC có mục tiêu để rèn luyện quân, thứ hai CMC đi ra nước ngoài để lan tỏa thương hiệu và mở rộng thị trường. CMC muốn tập trung vào digital marketing để đưa toàn bộ nhân lực ra ngoài, trong đó CMC Global chỉ là cái cầu nối. Mới đây, chúng tôi sang Đan Mạch thì đối tác cũng rất đồng quan điểm về chiến lược out-sourcing như thế. Cách đây 10 năm, họ đã cùng chúng tôi xây dựng 01 JV với đầy đủ các cấu phần để có thể làm FYLL- CYCLE ở Việt Nam chứ không phải một số công ty như họ nói ở Ấn Độ chỉ làm một số việc sau đó nhăm nhăm chờ bên đối tác giao việc, không có là chết. Mình thì làm out-sourcing cả trong và ngoài nước. Hãy tưởng tượng nếu mình làm sản phẩm trong nước có chất lượng quốc tế giá rẻ thì thị trường gần 100 triệu dân này cũng không hề nhỏ. Nếu mình hy vọng mang những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ ra nước ngoài, thì có bán được không? Câu trả lời là không bán được. Vì vậy, CMC Global đi đầu, với tâm thế là phải chuẩn mực chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình. Thứ hai về dài hạn là tạo ra một cách giúp cho các công ty của chúng tôi làm dịch vụ trong nước phải nâng chất lượng sản phẩm của mình lên và có thể đi ra ngoài. Tôi cho rằng chỉ 2-3 năm nữa thôi, sẽ không còn biên giới nữa, sẽ không còn khái niệm sản phẩm bán ở quốc tế hay Việt Nam nữa.

Sếp CMC: “Ra nước ngoài cũng là tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội”
Lãnh đạo CMC làm việc với Giám đốc CMC Japan ông Kumeda

CMC đặt mục tiêu như thế nào ở thị trường ngoại?

Có 2 khái niệm, start up một mình và start up trong công ty. CMC Global đang là start up trong tập đoàn. Mục tiêu của chúng mỗi năm tăng gấp đôi về nhân lực. Mục tiêu của chúng tôi đến hết năm 2018 sẽ có 500 nhân lực và hết năm 2019 sẽ là 1.000 nhân lực và hết năm 2020 là 2000 nhân lực. CMC cũng xác định chỉ cần vượt con số 500 nhân lực sẽ xây dựng công thức phù hợp với tăng trưởng của các công ty lớn.

CMC Global cũng đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ phải lớn hơn thị trường trong nước. Nếu so sánh thì ông ra nước ngoài đang còn rất bé so với ông trong nước – nhìn theo báo cáo tài chính, nhưng ngược lại thị trường trong nước đang rất bé so với thị tường quốc tế. Vì thế xu thế toàn cầu hóa là có cơ hội cho CMC có thể mở mang thị trường bằng những năng lực tích luỹ của mình.

Chúng tôi cho rằng Nhật vẫn là thị trường trọng tâm. Ngoài ra, một số thị trường như Hàn Quốc cũng sẽ là những thị trường tiềm năng bởi thị trường này khách hàng ra quyết định rất nhanh, nghiêm túc. Có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng đã biết đến Việt Nam và đây là thị trường chấp nhận tiếng Anh.

Đối với thị trường Châu Âu có tiềm năng lớn nhưng vào đó sẽ rất khó dù CMC cũng có cái duyên với thị trường này. Chúng tôi đã gắn bó với một công ty Đan Mạch và cùng họ khai phá thị trường Châu Âu. Tôi cho rằng Châu Âu đã bắt đầu vượt qua giai đoạn nền kinh tế đi ngang, người làm CNTT ở đó ít người tham gia, nếu mình vào với vị thế second player citizen thì rất khó, nhưng nếu mình kết hợp với một công ty bản xứ kiểu như mình là một người ảo thì cũng có thể mở ra cơ hội tốt.

Chiến lược ra nước ngoài của CMC chỉ thực sự mạnh mẽ 2 năm gần đây, vậy điều đó có làm cho các ông gặp nhiều khó khăn hay không?

Xu hướng toàn cầu hóa ở Việt Nam đã có khá lâu rồi và cũng không phải bây giờ CMC mới bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa. Rất nhiều sản phẩm và dịch vụ mà CMC cung cấp cho khách hàng và đối tác nước ngoài cũng đã có từ cách đây 10 năm, và nhiều dự án được triển khai thành công ở nhiều nước trên khắp thế giới. Ngày 31/3/2017 mới công bố thành lập CMC Global, đó là vì chúng tôi thấy rằng thời điểm này là thời điểm chín muồi, hội tụ tất cả sức mạnh tập đoàn, và bây giờ CMC Global thành lập thì có thể tập trung toàn bộ nguồn lực đã có để phát triển ra thị trường nước ngoài mạnh mẽ nhất và cung cấp các dịch vụ CNTT với chất lượng cao nhất.

Tôi nghĩ rằng thị trường quốc tế giống như câu chuyện đi vào đại dương xanh hay đi vào đại dương đỏ. Đại dương xanh là mình phải đủ tài mới tạo ra cái mới và trở thành tỷ phú luôn như Elon Musk làm ra xe điện bán khắp Châu Âu. Đại dương đỏ là như quán phở, phở thì có cả trăm năm rồi và mình cứ tiếp tục mở quán phở, lúc ấy mình phải chấp nhận cạnh tranh. Thực tế, phần lớn mọi người thích đại dương xanh, ngại phải cạnh tranh, nhưng về công nghệ thì tôi khẳng định thẳng là chúng ta chưa thể ra đại dương xanh, vì chúng ta chưa thể làm ra các cái mới cho thế giới. Chiến lược Đại dương đỏ thì mình phải chấp nhận là thị trường có rồi. Chúng tôi đi theo chiến lược đại dương đỏ bằng năng lực đầu tư, bằng quy trình con người, cố gắng đảm bảo chất lượng, không cần quá nổi trội vì nổi trội sẽ không nhiều, và thứ ba là mình giữ được cái cam kết. Người nước ngoài coi trọng chuyện đấy, nói gì làm nấy, người ta cũng hiểu là mình cần có thời gian.

Sếp CMC: “Ra nước ngoài cũng là tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội”

Ngày 7/11/2017, Tập đoàn Công nghệ CMC chính thức khai trương công ty CMC Japan tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản

CMC Global cũng đặt mục tiêu tăng trưởng nhân lực rất mạnh trong những năm tới, nhưng câu chuyện nguồn nhân lực hiện là bài toán khó đối với nhiều công ty. Vậy các ông sẽ giải quyết bài toán này thế nào?

Đúng là vấn đề chất lượng nhân lực là bài toán khó. Để phát triển nhân lực thì có 2 cách là thu hút nhân lực của thị trường (hunting) hoặc đào tạo, phát triển dựa trên nguồn lực có tố chất tiềm năng. Hunting cũng là câu chuyện khó vì hunting sẽ giống như cái chợ, và giá càng ngày sẽ càng lên cao hơn.

CMC luôn dành cơ hội cho người có tố chất tốt, được đào tạo và có khả năng phát triển năng lực lên nhanh, chứ chúng tôi không nghĩ nhân sự kiểu “đá phủi”, không hợp văn hóa CMC là những nhân tố trụ cột, bởi những người này hay mắc bệnh ngôi sao, không phù hợp quy trình. Chúng tôi chọn những người có tố chất tư duy tốt, ham học hỏi, có tính gắn bó, cam kết, quyết liệt, dám đương đầu với thách thức để đào tạo họ.

Để xây dựng nguồn nhân lực, CMC đã phải lập ra trung tâm đào tạo. Chúng tôi đang xây dựng quy trình thật tốt để thu hút được những sinh viên giỏi nhất của trường đại học và chấp nhận đào tạo theo kỹ năng mình mong muốn.

Cảm ơn ông!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận