Sợ tai nạn xe hơi? Những công nghệ này sẽ giúp bạn luôn được an toàn

Sợ tai nạn xe hơi? Những công nghệ này sẽ giúp bạn luôn được an toàn

Công nghệ phát triển giúp cho những chiếc xe ngày càng an toàn hơn, chủ động bảo vệ người lái khỏi những tai nạn trên đường.

Trên xe hơi, bên cạnh thiết kế và cảm giác lái, di chuyển thì việc đảm bảo an toàn cho người lái luôn là khía cạnh được nhà sản xuất quan tâm, đầu tư. Các biện pháp an toàn đã phát triển cùng với ngành công nghiệp ô tô trong suốt hơn 1 thế kỷ qua, và đang tiến tới tầm cao mới trong việc chủ động phòng tránh tai nạn.

Các công nghệ an toàn trên xe hơi được chia thành hai loại: bị động và chủ động. Công nghệ an toàn bị động gồm những thành phần như thiết kế khung gầm chắc chắn, dây đai an toàn, túi khí… Đây là những thành phần sẽ giúp bảo vệ người lái trong trường hợp va chạm đã xảy ra.

Ngược lại, an toàn chủ động là những công nghệ giúp đảm bảo xe không gặp va chạm, tai nạn. Nói cách khác, những công nghệ này phải được thiết kế để có thể lường trước được những nguy cơ xảy ra tai nạn, và tự động thực hiện các điều chỉnh để phòng tránh tai nạn.

Hiện nay phần lớn xe lưu thông trên đường đều được trang bị một hoặc vài công nghệ an toàn chủ động. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng khi chọn xe, nhưng đôi khi bị người dùng bỏ qua. Dưới đây VnReview xin liệt kê một số công nghệ an toàn chủ động phổ biến, để bạn đọc có thêm thông tin và tham khảo khi lựa chọn mua xe.

Cân bằng điện tử

Sợ tai nạn xe hơi? Những công nghệ này sẽ giúp bạn luôn được an toàn

Hệ thống cân bằng điện tử (Electronic Stability Program – ESP) được ứng dụng trên xe hơi để tăng độ ổn định, giảm khả năng xảy ra tai nạn trong khi xe lưu hành. Trên chiếc xe hơi được trang bị ESP, khi xe bị mất lái (đánh lái đột ngột), hệ thống sẽ tính toán và phanh riêng rẽ một hoặc nhiều bánh xe trên cầu trước hoặc cầu sau. Điều này sẽ giúp cho xe cân bằng lại, không bị lật trong những tình huống đánh lái đột ngột.

Video giải thích cách hoạt động của ESP

ESP hiện nay đã trở thành trang bị khá cơ bản, cần thiết kể cả với xe tầm trung. Một số hãng xe như Ford đã phổ biến tính năng này trên hầu hết các dòng xe. Tại Việt Nam hiện nay tất cả các dòng xe của Ford, trừ Transit, đều đã được trang bị ESP.

Ga hành trình chủ động (Adaptive Cruise Control)

Nhiều người lái xe đã quen thuộc với chức năng Cruise Control, kiểm soát tốc độ tự động. Chức năng này giúp xe luôn chạy ở một tốc độ đã định, thường được sử dụng trên đường cao tốc và giúp cho người lái nhàn hơn khi không phải ga đều.

Sợ tai nạn xe hơi? Những công nghệ này sẽ giúp bạn luôn được an toàn

Tuy nhiên khi sử dụng Cruise Control, đôi khi người lái chủ quan và không quan sát đường đi, dễ gặp phải tai nạn khi xe trước dừng đột ngột. Do vậy nhiều xe mới được trang bị Adaptive Cruise Control (ACC), bản nâng cấp của Cruise Control. Các xe có ACC bổ sung thêm các cảm biến trên xe để nhận biết được các phương tiện di chuyển phía trước.

Khi đặt tốc độ cho ACC, người lái còn có thể điều chỉnh khoảng cách với phương tiện phía trước. Nếu xe đi phía trước giảm tốc độ hoặc phanh, hệ thống ACC sẽ tự giảm tốc độ hoặc thậm chí phanh lại để giữ khoảng cách an toàn. Khi xe đi trước tăng tốc trở lại, hệ thống có thể tự động tăng tốc theo đến tốc độ đã định trước. ACC cũng có thể kết hợp với các công nghệ an toàn khác như ABS, ESP… để nâng cao khả năng vận hành trong điều kiện an toàn.

Công nghệ này thường được trang bị trên các xe tầm trung, cao cấp như Ford Everest, Explorer…

Cảnh báo điểm mù (BLIS)

Sợ tai nạn xe hơi? Những công nghệ này sẽ giúp bạn luôn được an toàn

Bất kỳ mẫu xe nào cũng có điểm mù, là những điểm mà gương chiếu hậu không thể phản chiếu được

Tất cả xe hơi, kể cả những mẫu xe nhỏ, đều có những điểm mù mà gương chiếu hậu không thể phản chiếu được. Do đó các nhà sản xuất đã nghiên cứu và phát triển tính năng cảnh báo điểm mù (còn gọi là BSM hoặc BLIS).

Trên các xe có cảnh báo điểm mù, cảm biến sẽ được trang bị ở phía sau. Khi có xe di chuyển tới từ phía sau, cảm biến này sẽ nhận biết được và thông báo bằng đèn trên gương chiếu hậu, rung vô lăng hoặc phát ra âm thanh. Một số xe còn có thể đưa ra hướng dẫn xử lý trong tình huống đó. Khi tài xế bất xi nhan để rẽ, BLIS cũng có thể đưa ra cảnh báo nếu như có xe đang di chuyển trong điểm mù cùng hướng rẽ.

Phanh chủ động trong thành phố

Việc di chuyển trong các con đường thành phố đông đúc luôn là một thử thách với người lái. Chỉ cần một khoảnh khắc mất tập trung, chúng ta có thể va chạm khi xe trước phanh gấp.

Để khắc phục tình trạng này, Ford đã giới thiệu tính năng gọi là "phanh chủ động trong thành phố". Các cảm biến đặt phía trước xe sẽ luôn quét để nhận biết những phương tiện di chuyển phía trước. Nếu cảm biến nhận thấy xe đang áp sát xe phía trước với tốc độ quá nhanh, xe sẽ tự động phanh để tránh va chạm.

Giải thích cách hoạt động của tính năng phanh chủ động trong thành phố

Tính năng này hiện được trang bị trên mẫu xe Ford Focus, và có thể hoạt động khi xe di chuyển ở tốc độ tới 50 km/h. Điểm hạn chế của tính năng này là cảm biến chỉ có thể phát hiện và phanh đối với xe hơi, còn nếu đi phía trước là xe máy hoặc xe đạp thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên theo chia sẻ của một đại diện Ford, khi di chuyển ở Hà Nội và có xe máy tạt ngang, cảm biến cũng có thể nhận ra và phanh gấp. Người lái và người ngồi ghế phụ sẽ luôn phải đeo dây an toàn nếu không muốn bị va chạm khi phanh gấp.

Anh Tú

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận