Sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Doanh nghiệp cần “bảo mẫu” hướng dẫn chính sách

Sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Doanh nghiệp cần “bảo mẫu” hướng dẫn chính sách

Khi phát biểu rằng doanh nghiệp đang rất cần “bảo mẫu” trong việc triển khai thành lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, TPHCM - bày tỏ mong muốn được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

“Ngon nhưng khó ăn”

Tại TPHCM hiện có 113 doanh nghiệp lập quỹ phát triển KH&CN với tổng số tiền trích lập là 1.903 tỷ đồng, nhưng chỉ 384 tỷ đồng (khoảng 20%) được sử dụng. Tại Bình Dương có 4 doanh nghiệp lập quỹ nhưng chưa sử dụng được.

Ví quỹ phát triển KH&CN như “cánh gà chiên bơ”, thơm ngon nhưng rất khó ăn, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho biết, để được vay vốn từ Quỹ Phát triển KH&CN TPHCM, doanh nghiệp phải có một số năm liên tiếp có lãi, hoặc đảm bảo những điều kiện mà chỉ doanh nghiệp lớn đáp ứng được.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập, sản xuất chưa ổn định, muốn phát triển sản phẩm mới nhưng không đủ điều kiện vay. Một số doanh nghiệp có quỹ nhưng gặp khó trong việc trích lập và sử dụng, nhất là phần tính thuế. "Doanh nghiệp lập quỹ, tiền đầu tư là của họ nhưng khi sử dụng lại phải tuân theo những thủ tục kiểm soát chi hết sức chặt chẽ" - ông Hưng nói.

Sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Doanh nghiệp cần “bảo mẫu” hướng dẫn chính sách
Nghiên cứu và phát triển tại Tập đoàn Lộc Trời - nơi trích 1% doanh số hằng năm cho nghiên cứu (tương đương 120 tỷ đồng trong năm 2017). Ảnh: Mạnh Ninh

Hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quỹ đều đã được ban hành, gồm: Quyết định 36/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về quy chế tổ chức và hoạt động quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; thông tư 15/2011/TT-BTC và thông tư 105/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN...

Mới đây nhất, thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đã khắc phục hạn chế của các văn bản trước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, thủ tục kiểm soát chi quy định giống như với ngân sách nhà nước. Ngoài ra, sau 5 năm, nếu không sử dụng hết 70%, doanh nghiệp phải đóng thuế cho khoản đã trích lập. Những điều này khiến doanh nghiệp không muốn lập quỹ.

Cần “bảo mẫu” hướng dẫn chính sách

Khó khăn hiện nay của doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định 95 và thông tư 12 là các cán bộ thuế mỗi nơi giải thích một cách. Vì vậy, theo ông Hưng cần thống nhất các văn bản pháp luật liên quan đến thuế và hoạt động KH&CN. Đặc biệt, phải hướng dẫn kỹ hơn cho doanh nghiệp để vận dụng thông tư 12, quán triệt cho cán bộ thuế am hiểu kỹ về văn bản này.

Gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn, miễn thuế, giảm thuế, ông Nguyễn Văn Trí mong muốn các sở KH&CN có cán bộ chuyên trách hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các quy định về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp muốn phát triển KH&CN: “Doanh nghiệp hiện rất cần một “bảo mẫu” như vậy để giúp họ thấm, hiểu và thực hiện được những cơ chế, chính sách của Nhà nước”.

Tại một hội thảo gần đây ở TPHCM, ông Nguyễn Tuấn Thành - phụ trách Quỹ Phát triển KH&CN của Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - chia sẻ: “Quỹ được thành lập từ năm 2013, số tiền đã lên tới hơn 60 tỷ đồng, nhưng phải đến nửa cuối năm 2016 Samco mới sử dụng được kinh phí từ quỹ. Suốt một thời gian dài, Samco không thể sử dụng quỹ do không biết làm thế nào để thanh toán cho hợp lệ, để thuế không xuất toán”.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục hành chính về sử dụng quỹ, có hướng dẫn chi tiết để việc sử dụng quỹ hiệu quả hơn. Samco sẵn sàng xây dựng cơ chế mua sản phẩm, kết quả nghiên cứu của cá nhân, tổ chức bằng nguồn kinh phí từ quỹ; nhưng trong quy định hướng dẫn sử dụng quỹ chưa nói rõ vấn đề này” - ông Thành bày tỏ.

Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, cần đơn giản hóa để quỹ dễ sử dụng hơn, bởi dù không có quỹ thì doanh nghiệp vẫn chủ động đầu tư cho đổi mới công nghệ. Các khoản chi này sẽ được tính vào chi phí doanh nghiệp khi quyết toán thuế.

Bên cạnh đó, ông Ngô Sỹ Quốc - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ KH&CN - cho rằng cần tổ chức các khóa tập huấn về thông tư 12 mà đối tượng đầu tiên phải là cán bộ thuế ở các địa phương - nơi trực tiếp thực hiện thông tư, rồi đến doanh nghiệp và các cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN. Theo ông, các sở KH&CN cần làm công văn đề nghị Bộ KH&CN, Bộ Tài chính mở các hội thảo này.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận