“Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” giành giải Nhất hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2017

“Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” giành giải Nhất hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2017

“Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” giành giải Nhất hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2017

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn THCS HCM và bà Nguyễn Thị Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh trao giải Nhất cho các thí sinh ở các Bảng của hội thi Tin học trẻ toàn quốc

Hôm nay, ngày 30/7, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, Hội Tin học Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao thưởng hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017.

Qua hơn 20 năm được tổ chức, đến nay hội thi Tin học trẻ đã trở thành hoạt động truyền thống quan trọng trong lĩnh vực tin học dành cho thanh thiếu nhi, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn học sinh các cấp trong cả nước tham gia.

Diễn ra trong 3 ngày từ 28/7 đến 30/7/2017 tại tỉnh Bắc Ninh, hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017 có sự góp mặt của 252 thí sinh đến từ 49 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các thí sinh này là những học sinh của 3 khối Tiểu học, THCS và THPT đã đạt giải cao tại Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh, thành phố.

Theo thể lệ, mỗi tỉnh, thành phố được cử 1 thí sinh cho mỗi bảng A (cấp Tiểu học), B (cấp THCS) và tối đa 2 thí sinh cho bảng C (cấp THPT). Riêng 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ và Bắc Ninh được cử tối đa 2 thí sinh cho mỗi bảng A, B và tối đa 4 thí sinh bảng C. Các địa phương đăng ký sản phẩm sáng tạo (phần mềm, phần cứng, sản phẩm tích hợp) dự thi bảng D theo nhu cầu, trong đó bảng D2 dành cho học sinh THCS và bảng D3 dành cho học sinh THPT. Ban tổ chức khuyến khích các thí sinh làm sản phẩm sáng tạo theo nhóm, với số lượng thành viên mỗi nhóm không quá 3 thí sinh.

Thể lệ hội thi cũng quy định rõ, dự thi ở Bảng A, các thí sinh thực hiện 2 phần thi: thi trắc nghiệm kiến thức cơ sở về về CNTT, tự duy suy luận logic trong 30 phút; và thi thực hành trong 90 phút, sử dụng ngôn ngữ LOGO để lập trình giải những bài toán thuộc chương trình Tiểu học, tạo tệp trình diễn có chèn tranh, ảnh do thí sinh tự vẽ hoặc dùng ngôn ngữ lập trình kéo thả SCRATCH để giải những bài toán thuộc chương trình Tiểu học.

Với bảng B, trong thời gian 150 phút, các thí sinh giải một số bài toán thuộc chương trình THCS bằng cách sử dụng thư viện ngôn ngữ Pascal (Free Pascal), C/C++ (trên DevC++) do Hội đồng giám khảo cung cấp, hoặc bằng cách sử dụng ngôn ngữ lập trình kéo thả SCRATCH.

Thời gian thi của các thí sinh bảng C cũng là 150 phút. Các thí sinh sử dụng công cụ bất kỳ giải bài toán theo chủ đề cho trước. Thí sinh tự trang bị laptop được cài sẵn Free Pascal, DevC++ đểl àm bài thi và được phép sử dụng tài liệu đã chuẩn bị trước nhưng không được dùng mạng Internet dưới bất kỳ hình thức truy cập nào. Bài thi của các thí sinh được Hội đồng giám khảo chấm công khai.

Đối với nội dung thi sản phẩm sáng tạo, các thí sinh được sử dụng tất cả các công cụ (phần mềm, phần cứng) hiện có để tạo ra sản phẩm sáng tạo là phần mềm, phần cứng hoặc sản phẩm tích hợp phục vụ học tập, giải trí và các nhu cầu thực tiễn khác. Ban tổ chức khuyến khích các thí sinh xây dựng sản phẩm sáng tạo tích hợp ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, giao thông, môi trường, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Góp mặt tại vòng chung khảo hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2017, thí sinh dự thi sản phẩm sáng tạo trình bày về sản phẩm và trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của Hội đồng giám khảo cùng các thí sinh, lãnh đạo, huấn luyện viên của các đoàn và khán giả.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm nay đã có sự đổi mới về cả về nội dung và hình thức; có số lượng thí sinh tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay; chất lượng hội thi cũng đã được nâng cao và nhiều sản phẩm sáng tạo có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Tại lễ tổng kết và trao giải hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII – năm 2017, Ban tổ chức trao giải Nhất bảng A cho thí sinh Nguyễn Khắc Lâm Phong, lớp 5C, trường Tiểu học Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; giải Nhất bảng B cho thí sinh Đặng Xuân Minh Hiếu, học sinh lớp 7/8 trường THCS Nguyễn Văn Cừ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng; giải Nhất bảng C cho thí sinh Hoàng Bảo Long, lớp 12T, trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa; và giải Nhất bảng D3 cho nhóm thí sinh Đàm Thanh Phong, Nguyễn Vĩnh Lạp, Nguyễn Dương Hoàng Sơn, trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nhóm tác giả sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn”.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao 14 giải Nhì, 24 giải Ba, 68 giải Khuyến khích cho các thí sinh ở các bảng thi. Giải Đồng đội đã được trao cho 3 đơn vị là tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hậu Giang và TP.Đà Nẵng. Đây là các địa phương có đủ các đối tượng dự thi và đạt kết quả thi cao nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải thưởng cho 6 thí sinh trẻ tuổi nhất hội thi; trao giải và học bổng cho 6 thí sinh là người dân tộc thiểu số.

Dự kiến, hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XIV - năm 2018 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận