Thủ tướng: Không hốt hoảng, cần tìm giải pháp khoa học, thích hợp cho ĐBSCL

Thủ tướng: Không hốt hoảng, cần tìm giải pháp khoa học, thích hợp cho ĐBSCL

“Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó có việc đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại điều tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân vượt qua thách thức".

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên toàn thể hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) sáng 27/9. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 26-27/9 tại Cần Thơ.

Biến thách thức thành thời cơ

Thủ tướng thông tin, từ chuyến đi khảo sát ở Hà Lan trước đây và trực tiếp đi khảo sát ĐBSCL ngày 26/9, ông đã thấy được tầm quan trọng của các giải pháp công trình, phi công trình, cũng như vai trò quan trọng của người dân và chính quyền cơ sở trong ứng phó với biến đổi khí hậu... Nếu không tổ chức tốt công việc, chúng ta sẽ phải trả giá đắt với thiên nhiên, với sự sạt lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, sụt lún…

Mong muốn hội nghị đưa ra được những giải pháp căn cơ, chiến lược, khả thi, có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu khi thảo luận cần nói thẳng, nói thật, phản biện cả một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững thịnh vượng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sảng 27/9. Ảnh: Thống Nhất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sảng 27/9. Ảnh: Quang Hiếu

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau.

“Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước” - ông Dũng nói và cho rằng trong bối cảnh BĐKH, cần phải xem đây là cơ hội để tổ chức, sắp xếp, quy hoạch lại vùng. Trong đó, phải coi nước là nguồn tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế biển là động lực phát triển. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo nhưng phải thay đổi tư duy phát triển. Cần đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế - xã hôi - môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu các nguyên tắc như cần coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên, cân nhắc diện tích trồng lúa, hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu…

Giải quyết đồng bộ 3 nhóm: thủy sản, trái cây, lúa gạo

Tại phiên thảo luận chuyên đề ngày 26/9, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)Trần Quốc Khánh đã dẫn nhiều kết quả từ Chương trình nghiên cứu KH&CN và định hướng phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH.

Theo đó, thời gian qua nhiều đề tài nghiên cứu đã chỉ rõ những nguy cơ như: Diễn biến lũ không theo quy luật, thiếu nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ,phù sa và dinh dưỡng giảm sụt mạnh, xói lở bờ biển diễn biến phức tạp, mực nước ngầm giảm sụt nghiêm trọng, sụt lún đất diễn biến ra tăng trên diện rộng, ô nhiễm môi trường gia tăng, đe dọa đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ/ngành và các địa phương liên quan xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường ở ĐBSCL, đồng thời tổ chức triển khai các chương trình, dự án cấp quốc gia theo kế hoạch 5 năm và hằng năm.

Rất đông đại biểu tham dự hội nghị
Rất đông đại biểu tham dự hội nghị.

Từ các nghiên cứu này, các nhà khoa học “Đã xây dựng được mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai bằng các công nghệ hiện đại như viễn thám - bản đồ nhiệt bề mặt, bản đồ độ ẩm, bản đồ mưa, kịch bản lũ lụt, bản đồ biến động đường bờ biển, bản đồ biến động sử dụng đất, bàn đồ biến động lớp phủ thực vật…” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

Ông cũng dẫn thông tin các nghiên cứu cũng đưa ra cơ sở khoa học để cập nhật kịch bản về BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam và vùng ĐBSCL (theo hướng dẫn mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH), làm cơ sở cho việc phê duyệt kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam phiên bản năm 2016. Theo đó, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang là vùng có nguy cơ ngập cao nhất, khu vực chịu ảnh hưởng thấp nhất là An Giang và Đồng Tháp.

Ông Khánh cũng cho biết, các nghiên cứu đã đánh giá tác động, tổn thương đến các cây trồng chủ lực như lúa, ngô, đậu tương, mía, thủy sản theo các kịch bản BĐKH; đánh giá được tác động của BĐKH đối với tài nguyên nước, tài nguyên đất, xây dựng được bản đồ ngập đối với các loại quỹ đất, xu thế diễn biến mặn theo không gian và thời gian ở ĐBSCL.

“Chúng ta đã xây dựng được bộ chỉ số theo dõi, đánh giá hiệu quả các chính sách và hoạt động thích ứng với BĐKH, áp dụng thí điểm trong quản lý ở Cần Thơ, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho địa phương. Nhiều mô hình canh tác nông nghiệp (cho lúa, mía, lạc); kế hoạch sử dung đất thích ứng với BĐKH (thí điểm cho An Giang và Bạc Liêu); mô hình đô thị ven biển thích ứng với BĐKH; mô hình làng sinh thái ở ĐBSCL thích ứng với BĐKH (thí điểm tại Cà Mau)… cũng được xây dựng” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh điểm lại một số kết quả từ các đề tài, dự án đã triển khai.

Trong diễn biến tình hình mới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn, hạn hán nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của ĐBSCL.

“Cần nghiên cứu các mô hình sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL theo hướng thích ứng với BĐKH và thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thích ứng và giảm nhẹ trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương như Thỏa thuận Paris về BĐKH” – Thứ trưởng kiến nghị.

Báo cáo với Thủ tướng và hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong phiên thảo luận chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững, thủy lợi, phòng chống thiên tai sạt lở, các đại biểu và nhà khoa học đã thống nhất cần chủ động phát hiện, phát huy những lợi thế, kết hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 để biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế; theo đó phải coi mặt, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển...

“Đề nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, KH&CN và các địa phương trong vùng, trong 5 năm tới phải giải quyết bộ giống của 3 nhóm sản phẩm: thủy sản, trái cây, lúa gạo đưa ra được những giống đáp ứng được sản xuất, cạnh tranh” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận