Thúc đẩy phát triển liên kết vùng Đông Nam Bộ: Cần có một "nhạc trưởng"

Thúc đẩy phát triển liên kết vùng Đông Nam Bộ: Cần có một "nhạc trưởng"

Tại hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ lần thứ 14 được tổ chức vừa qua tại TPHCM, một số đại biểu nhấn mạnh vai trò của một “nhạc trưởng” trong các chương trình liên kết vùng.

Liên kết vùng còn yếu

Trong những năm qua, các sở KH&CN vùng Đông Nam Bộ đã có một số hoạt động liên kết, hợp tác. Chẳng hạn, Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận với các trường đại học trên địa bàn TPHCM về hợp tác phát triển KH&CN của tỉnh đến năm 2020; phối hợp phát triển chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho thị trường TPHCM, tạo chuỗi liên kết trong việc thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”.

Các sở KH&CN trong khu vực cũng đã có sự trao đổi, tham khảo, học tập kinh nghiệm của nhau về quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực hoạt động KH&CN...

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục công tác phía nam, Bộ KH&CN và ông Phạm Văn Sáng - Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai, hoạt động liên kết vùng về KH&CN ở các địa phương vùng Đông Nam Bộ chưa thực sự được coi là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của từng tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm. Sự liên kết còn mang tính hình thức, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, thiếu sự chỉ đạo thống nhất và một cơ quan quản lý điều phối kế hoạch tổ chức thực hiện liên kết, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu vùng làm nền tảng cho việc xây dựng chương trình liên kết… nên hiệu quả của các chương trình liên kết còn nhiều hạn chế.

Xưởng sản xuất thiết bị cơ khí tại Bình Dương. Ảnh: Báo Đấu thầu
Xưởng sản xuất thiết bị cơ khí tại Bình Dương. Ảnh: Báo Đấu thầu

Từ thực tế đó, ông Phạm Xuân Đà đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động liên kết vùng trong hoạt động KH&CN. Cụ thể là: Trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng, xây dựng mô hình liên kết trong hoạt động nghiên cứu triển khai và nghiên cứu ứng dụng để phát triển sản xuất và sản phẩm; liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng; thực hiện tốt công tác quản lý một số lĩnh vực KH&CN có tính chất đặc thù của vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và chuyển giao cơ sở dữ liệu cho vùng…

Cần có trọng tâm

Theo ông Văn Công Thới - Giám đốc Sở KH&CN Bình Thuận, do toàn bộ hàng hóa đều lưu thông qua các tỉnh nên trong liên kết vùng, ngoài trọng tâm là liên kết hỗ trợ nhau hoạt động chuyển giao công nghệ, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh trong các hoạt động dịch vụ khoa học như tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ... “Nếu không có sự liên kết này, sẽ có nhiều bất lợi trong phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa” - ông nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm cần có sự chia sẻ, hỗ trợ, đặc biệt là đối với việc chuyển giao công nghệ, ông Đặng Hà Giang - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Phước - cho rằng, để làm việc này có hiệu quả, chúng ta cần có kho tư liệu về công nghệ vừa sẵn sàng chuyển giao, vừa đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh như công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ phục vụ thu hoạch, chế biến sản phẩm, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng thành phố thông minh...

Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều tại hội nghị là làm thế nào để phát huy hiệu quả của liên kết vùng? Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương, chúng ta không nên xây dựng quá nhiều mối liên kết, quá nhiều lĩnh vực hợp tác dẫn đến rất khó thực hiện có hiệu quả, vừa phân tán dàn trải tiềm lực, vừa rất khó quản lý điều hành.

Vì vậy ông cho rằng, trước mắt nên tập trung liên kết giải quyết hai vấn đề: Chia sẻ về tiềm lực, thông tin về các nhiệm vụ KH&CN và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc các địa phương chia sẻ với nhau về tiềm lực, nhiệm vụ KH&CN sẽ giúp tránh lãng phí trong đầu tư trang thiết bị và trùng lắp trong nghiên cứu, ứng dụng. Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đã có các mối liên kết nhưng chưa rõ nét, chủ yếu là liên kết 1-1 giữa các địa phương với nhau.

Phát huy thế mạnh của từng địa phương

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề cập đến một số việc cấp thiết phải triển khai. Trước hết là chương trình liên kết vùng phải có “một nhạc trưởng” chỉ đạo và điều hành; đồng thời chương trình này cần có những giải pháp để phát huy được thế mạnh của từng địa phương trong các hoạt động KH&CN, trong chia sẻ thông tin về tiềm năng của từng địa phương, những vấn đề đã nghiên cứu; trong xây dựng kho dữ liệu chung về KH&CN và cần sớm nghiên cứu ban hành một chính sách đặc thù cho hoạt động KH&CN của vùng Đông Nam Bộ để phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ cán bộ và hạ tầng cơ sở KH&CN hiện có của vùng. Cần tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể như chương trình liên kết để phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng trong chuỗi giá trị.

Cũng tại trong hội nghị giao ban, Cục công tác phía nam - Bộ KH&CN - được đề xuất làm đầu mối để xây dựng chương trình, kế hoạch liên kết vùng; đồng thời có thể chủ trì một số đề tài để giải quyết vấn đề thực tiễn cho vùng, như đề tài về trồng dưa lưới trong nhà màng...

Theo ông Sáng, cục nên duy trì việc tổng hợp, đánh giá lại những điểm nổi bật trong hoạt động KH&CN của các tỉnh dựa trên báo cáo hằng tháng của các sở KH&CN để phổ biến lại cho các địa phương trong vùng, chia sẻ các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động KH&CN của các địa phương...

Theo báo cáo của các sở KH&CN trong vùng Đông Nam Bộ, giai đoạn 2011-2016 đã có hơn 1.380 nhiệm vụ KH&CN các cấp (chủ yếu là các nhiệm vụ KH&CN theo hướng ứng dụng) được triển khai, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết nhiệm vụ bức xúc của ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận