Tin tặc Triều Tiên nỗ lực đánh cắp bitcoin để đối phó với lệnh trừng phạt

Tin tặc Triều Tiên nỗ lực đánh cắp bitcoin để đối phó với lệnh trừng phạt

Theo CNBC, Công ty an ninh mạng FireEye phát hiện đội ngũ tin tặc của Triều Tiên đã nhắm tới ít nhất ba giao dịch bí mật của Hàn Quốc với mục đích đánh cắp mật mã trao đổi bitcoin trong khoảng thời gian từ giữa tháng 5 đến tháng 7.2017.
Yonhap trích thông tin từ Công ty an ninh mạng Hunti của Hàn Quốc cho biết các tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp khoảng 88.000 USD giá trị bitcoin trong giai đoạn giữa năm 2013 - 2015. Các hoạt động tương tự tăng vọt ngay sau khi Mỹ cho biết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên.
“Các biện pháp chế tài dành cho Triều Tiên có thể sẽ làm gia tăng hoạt động tội phạm mạng của họ. Những cuộc tấn công vào các loại tiền kỹ thuật số là một phương tiện tuyệt vời để có được nguồn tài chính. Với lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc và giá trị tăng vọt của bitcoin thì tiềm năng về các cuộc tấn công sẽ ngày một tăng theo”, ông Bryce Boland, Giám đốc công nghệ của FireEye tại Singapore, nói.
FireEye đã xác định ra một nhóm tin tặc Triều Tiên đứng đằng sau các cuộc tấn công bitcoin là TEMP.Hermit. Các hãng an ninh mạng khác đã liên kết nhóm này với một số cuộc tấn công mạng thông tin cao cấp. Tin tặc liên quan đến Triều Tiên cũng bị nghi ngờ là đã tiến hành một loạt vụ tấn công vào hệ thống ngân hàng toàn cầu hồi năm ngoái, trong đó ngân hàng trung ương Bangladesh đã bị đánh cắp hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên nhiều lần bác bỏ sự liên quan đến những cuộc khủng bố không gian mạng quốc tế.
Theo CNN, các cơ quan tình báo và chuyên gia an ninh mạng vừa qua cũng đã liên kết Triều Tiên với WannaCry, một trong những cuộc tấn công mạng lớn nhất thế giới yêu cầu nạn nhân phải trả tiền chuộc để lấy lại dữ liệu trên máy tính bằng bitcoin. Vụ việc này đã đem lại cho nhóm tin tặc hơn 140.000 USD.
Bitcoin thường được giữ trong các tài khoản giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, FireEye chỉ ra rằng tin tặc có thể hoán đổi chúng thành các loại tiền tệ ẩn danh khác, hoặc di chuyển chúng đến những nơi khác, cuối cùng là đổi và rút bitcoin ra bằng các loại tiền tệ truyền thống như đồng won hay USD.
Đầu tháng này, giá trị bitcoin tăng cao kỷ lục lên mức hơn 5.000 USD cho một bitcoin. Tuy nhiên, giá trị của đồng tiền này lại giảm mạnh trong vòng ba ngày sau khi Trung Quốc quyết định cấm các doanh nghiệp phát hành bitcoin lần đầu ra công chúng để tăng huy động vốn. Bắc Kinh thậm chí còn có thái độ cứng rắn hơn khi thông báo đang có kế hoạch để cấm giao dịch bitcoin.
Một số chính phủ đang cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng vào các loại tiền tệ ảo khi chúng di chuyển vào dòng tiền chính. Chẳng hạn, chính phủ Mỹ nói rằng luật chứng khoán có thể áp dụng cho ICO. Trong khi đó, Estonia cho biết họ muốn tung ra hệ thống tiền kỹ thuật số thông qua ICO do nhà nước bảo trợ.
“Vì bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số đã tăng giá trị trong năm qua, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng được xem như một loại tài sản đang nổi lên và trở thành mục tiêu quan tâm của nhiều quốc gia. Mặc dù Triều Tiên có đặc điểm là họ sẵn sàng tham gia vào mạng lưới tội phạm tài chính và sở hữu gián điệp mạng, nhưng tính kết hợp độc đáo này sẽ không kéo dài lâu vì các cường quốc trên thế giới cũng nhận thấy tiềm năng của tiền kỹ thuật số”, Luke McNamara, chuyên gia phân tích tình báo mạng cao cấp của FireEye, viết trong một báo cáo.

Phương Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận