Bão số 16 làm ảnh hưởng tiến độ lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo

Bão số 16 làm ảnh hưởng tiến độ lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo

Bão số 16 làm ảnh hưởng tiến độ lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo

Liên doanh BENTE-CTIN triển khai lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo tại Sóc Trăng.


Theo ông Nguyễn Quý Thọ, Trưởng ban triển khai Dự án của Liên danh nhà thầu BENTA – CTIN (đơn vị trúng thầu cung cấp và lắp đặt đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho gần 130.000 hộ nghèo, cận nghèo tại 5 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Khánh Hòa), do cơn bão Tembin được dự báo đổ bộ vào Nam Bộ nên trong 3 ngày từ 23-25/12, bà con phải lo chạy bão và chống bão, vì vậy các tổ lắp đặt đầu thu không thể triển khai được, dẫn đến việc lắp đặt đầu thu tại khu vực này bị chậm lại so với dự kiến. Theo cam kết của nhà thầu với Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích, đến ngày 31/12/2017 sẽ hoàn thành 60-65% kế hoạch, đến ngày 22/1/2018 hoàn thành toàn bộ việc lắp đặt.

Chỉ còn 3 ngày nữa là đến ngày 31/12/2017, ông Nguyễn Quý Thọ cho biết, Liên danh BENTA – CTIN sẽ đáp ứng được chỉ tiêu hoàn thành 65% kế hoạch. Cho đến 22/1/2018 đảm bảo hoàn thành 100% số hộ được thụ hưởng.

Ông Thọ cũng cho hay, tại Nam Bộ sóng DVB-T2 tốt nên bà con thu sóng được từ 30-40 kênh chất lượng tốt. Chỉ có ở Tây Ninh là chưa phủ sóng toàn bộ khu vực, hiện nay nhà thầu mới triển khai ở 5 huyện. Còn tại Khánh Hòa chỉ lắp đặt được ở Nha Trang, còn tại các huyện chưa có sóng truyền hình số do cơn bão đổ bộ vào Khánh Hòa trước đây làm đổ cột anten của truyền hình ở hai huyện Vạn Ninh và Diên Khánh, dự kiến phải trong quý I/2018 thì đơn vị phát sóng mới hoàn thành các trạm phát sóng. Chỉ đến khi có sóng thì nhà thầu mới lắp đặt đầu thu cho dân tại các huyện được. Hiện tại nhà thầu đã tổ chức cho nhân viên đo kiểm sóng truyền hình ở Khánh Hòa, điểm nào thu được sóng DVB-T2 thì lắp đặt cho dân, còn khu vực nào chưa có thu sóng thì chưa lắp đặt.

Theo ông Thọ, việc lắp đặt đầu thu khá khó khăn do các hộ nghèo, cận nghèo nằm rải rác ở nhiều vùng xa, nhất là vùng dân tộc ít người, chủ hộ có khi không biết chữ, hoặc không có chứng minh nhân dân nên cần có đại diện chính quyền như trưởng ấp, xóm trưởng đi vận động và tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu. Hoặc nhiều gia đình đi làm ban ngày nên đội lắp đặt thường phải đến làm vào buổi tối.

Cá biệt có có một số hộ nghèo do chưa nắm được chủ trương của nhà nước nên khi đội lắp đặt đến họ còn từ chối không dám nhận vì sợ sau này phải trả tiền hoặc nhận đầu thu rồi thì không được tiêu chuẩn hỗ trợ khác nữa. Sau khi được ấp trưởng đi cùng đội lắp đặt giải thích thì các hộ mới dám nhận và cho vào lắp đặt. 

Ông Thọ cho rằng, khâu tuyên truyền cho người dân trên các phương tiện truyền thông của địa phương rất quan trọng. Vì đa số hộ nghèo khả năng tiếp cận thông tin ít nên rất nhiều gia đình chưa nắm được chủ trương.

Tại Kiên Giang, UBND tỉnh mới ban hành công văn chỉ đạo triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TT&TT tổ chức tuyên truyền việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo danh sách đã xác nhận, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Đồng thời, phối hợp và hỗ trợ Công ty cổ phần Viễn thông ACT (nhà thầu) lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương theo danh sách đã xác nhận; kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất đảm bảo đúng tiến độ, đúng đối tượng trên địa bàn tỉnh; xác nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã nhận bộ thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận