Bộ Tài chính đề xuất giảm phí sửa, bảo dưỡng cáp biển từ 500.000 USD xuống 50.000 USD

Bộ Tài chính đề xuất giảm phí sửa, bảo dưỡng cáp biển từ 500.000 USD xuống 50.000 USD

Bộ Tài chính đề xuất giảm phí sửa, bảo dưỡng cáp biển từ 500.000 USD xuống 50.000 USD

Bộ Tài chính đang đề xuất mức phí cấp phép sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cáp viễn thông trên biển (nộp một lần cho toàn bộ thời hạn giấy phép) là 50.000 USD (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 273/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông (Thông tư 273) hiện đang được Bộ Tài chính đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) và Cổng thông tin điện tử của Bộ (mof.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung là Biểu mức thu phí, lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông ban hành kèm theo Thông tư 273. Đáng chú ý, tại biểu mức phí, lệ phí cấp phép hoạt động viễn thông mới đang được Bộ Tài chính soạn thảo, cơ quan này đã đề xuất mức phí cấp phép sửa chữa, bảo dưỡng các công trình cáp viễn thông trên biển (nộp một lần cho toàn bộ thời hạn giấy phép) là 50.000 USD. Theo quy định tại Thông tư 273 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, mức phí đối với hoạt động này là 500.000 USD.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 5/2017 của Bộ TT&TT được tổ chức vào đầu tháng 6, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT nêu: theo Thông tư 273 của Bộ Tài chính, kể từ tháng 1/2017, phí xin giấy phép sửa chữa các tuyến cáp biển mỗi lần xảy ra sự cố là 500.000USD. Với hệ thống tuyến cáp quang biển AAG hay mất liên lạc, gặp sự cố với tần suất mỗi năm khoảng 3 - 4 lần thì tổng số tiền doanh nghiệp phải nộp để được cấp phép sửa chữa cáp cũng lên tới hàng triệu USD. Trong khi đó, giai đoạn trước ngày 1/1/2017, mức lệ phí doanh nghiệp phải nộp cho mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng cáp biển chỉ là 50 triệu đồng/ lần.

“Thông tư 273 mới được ban hành nhưng theo nhận định của chúng tôi thì không phù hợp lắm. Với số lượng tuyến cáp biển nhiều, số tiền xin giấy phép sửa chữa cáp mỗi lần có sự cố lên tới vài triệu USD/năm. Trong khi đó, chỉ riêng tiền duy tu, tiền thuê các đội tàu thường trực hàng năm, doanh nghiệp đã phải trả một khoản tiền cứng là vài triệu USD. Và đương nhiên mỗi lần họ vào sửa thì phải trả thêm tiền”, ông Trần Mạnh Hùng cho hay.

Bày tỏ sự băn khoăn về sở cứ để Bộ Tài chính đưa ra mức tăng phí cấp phép sửa chữa, bảo dưỡng cáp viễn thông trên biển quá nhanh, ông Trần Mạnh Hùng kiến nghị Bộ TT&TT có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi lại mức phí này.

Trả lời kiến nghị của Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng, cũng tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 5/2017 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Cục Viễn thông đã nhận được kiến nghị của VNPT và đã báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT.

Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về vấn đề này, trong đó kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, giảm mức phí cấp giấy phép cho một lần sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến cáp biển bằng 1/10 mức hiện nay, tức là 50.000 USD mỗi lần sửa chữa. Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, văn bản đã được gửi sang Bộ Tài chính và kiến nghị của VNPT sẽ là một sở cứ để Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức phí cho phù hợp.

Thời điểm hiện tại, trong hệ thống cáp kết nối Internet Việt Nam với quốc tế, 2 tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) và Liên Á (IA) gặp sự cố từ chiều ngày 27/8/2017 hiện vẫn chưa được đơn vị quản lý tuyến cáp biển này lên kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố. Cụ thể, tuyến cáp AAG bị đứt 2 đoạn tại các vị trí cách trạm cập bờ HongKong 66 km và 85 km. Đoạn cáp đứt của tuyến Liên Á cách trạm cập bờ HongKong 54 km.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận