Bộ TT&TT chuẩn bị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về đấu giá băng tần 2.6Ghz

Bộ TT&TT chuẩn bị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về đấu giá băng tần 2.6Ghz

Bộ TT&TT chuẩn bị xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về đấu giá băng tần 2.6Ghz

Bộ TT&TT đang triển khai đấu giá băng tần 2.6Ghz cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 4G. Ảnh minh họa: Internet

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Tần số Vô tuyến điện vào chiều ngày 19/12/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải yêu cầu việc triển khai đấu giá băng tần 2.6GhZ cần thận trọng. Việc đấu giá băng tần 2.6Ghz lần đầu tiên triển khai trong khi Luật Đấu giá tài sản mới được ban hành, văn bản hướng dẫn chưa có. Bộ TT&TT rất ủng hộ đấu giá băng tần, nhưng khi thực hiện phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn, quy định của pháp luật. Nếu vướng chỗ nào mà chưa có văn bản hướng dẫn thì cần lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TT&TT đang dự thảo văn bản xin ý kiến Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện sau khi Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng, Cục phải tích cực làm việc với các đơn vị của Văn phòng Chính tham mưu cho Thủ tướng để sớm có ý kiến chỉ đạo chính thức, một mặt chuẩn bị nội dung liên quan đến việc đấu giá băng tần này. Sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo sẽ cố gắng thực hiện trong năm 2018. Việc thí điểm đấu giá băng tần 2.6Ghz sẽ là cơ sở để thực hiện đấu giá băng tần “kim cương” 700Mhz sau khi hoàn thành số hóa truyền hình.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng nhấn mạnh, Cục Tần số Vô tuyến điện phải đặc biệt ưu tiên tuân thủ quy định pháp luật trong cấp phép băng tần được nêu rõ trong Luật Tần số Vô tuyến điện và phù hợp với quy hoạch băng tần quốc gia. Việc cấp phép băng tần phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, minh bạch trong quản lý cạnh tranh viễn thông.

Trong năm 2017, Cục Tần số Vô tuyến điện tham mưu và được Bộ TT&TT ban hành quyết định thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng tần số băng tần 2.6GHz và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng đấu giá và tổ giúp việc. Hội đồng đấu giá đã thực hiện nghiêm túc, khẩn trương và hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất giá khởi điểm, xây dựng hồ sơ mời đấu giá. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị đấu giá, Bộ TT&TT gặp một số khó khăn, vướng mắc đang chuẩn bị báo cáo Thủ tướng. Dự kiến nếu những nội dung trong kiến nghị của Bộ TT&TT được Thủ tướng thông qua thì thời gian hoàn thành việc tổ chức đấu giá băng tần 2.6Ghz là 6 tháng.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho hay, trong trường hợp nếu vướng mắc về thủ tục không thể giải quyết được sẽ tiến hành cấp phép tần số thay cho đấu giá.

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT đầu tháng 11/2017, ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã đưa ra đề nghị Bộ TT&TT xem xét sớm cho Viettel được sử dụng băng tần 2.6GHz để cung cấp dịch vụ 4G.

Theo ông Đỗ Minh Phương, Viettel đang dùng băng tần 1.8GHz để triển khai dịch vụ 4G và đã lắp đặt được hơn 34.000 trạm 4G. Viettel mong muốn có được thêm băng tần để mở rộng cung cấp dịch vụ 4G, không chỉ Viettel cần mà ngay cả nhà mạng VNPT cũng rất cần mở rộng thêm băng tần. Trong lúc Bộ TT&TT chưa có phương án cho doanh nghiệp đấu giá thì Bộ TT&TT cho doanh nghiệp "mượn" băng tần 2.6GHz để dùng trước, đến khi nào đấu giá xong, nếu doanh nghiệp không trúng thì cam kết sẽ trả lại cho Bộ. Còn để không như bây giờ rất lãng phí, trong khi nhu cầu doanh nghiệp muốn triển khai càng sớm càng tốt.

“Bộ TT&TT có thể cho các doanh nghiệp ký cam kết, hoặc thậm chí cơ quan chủ quản của Viettel là Bộ Quốc phòng đứng ra ký cam kết, nếu sau này khi Bộ TT&TT cho đấu giá, Viettel trúng thì trả tiền để dùng tiếp, còn không trúng thì trả lại cho Bộ”, ông Phương kiến nghị.

Liên quan đến kiến nghị của Viettel, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ TT&TT luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Phạm Hồng Hải trực tiếp chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện khẩn trương có báo cáo để gửi Thủ tướng Chính phủ; cố gắng xin ý kiến chỉ đạo về phương án cấp phép và đấu giá băng tần 2.6GHz nhanh nhất để doanh nghiệp mở rộng triển khai 4G hiệu quả hơn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận