Bộ TT&TT đề xuất Thủ tướng cho kết hợp truyền hình vệ tinh để số hóa truyền hình

Bộ TT&TT đề xuất Thủ tướng cho kết hợp truyền hình vệ tinh để số hóa truyền hình

Bộ TT&TT đề xuất Thủ tướng cho kết hợp truyền hình vệ tinh để số hóa truyền hình

Bộ TT&TT đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Trong đó, Bộ TT&TT đề xuất sử dụng giải pháp truyền hình vệ tinh tại vùng núi, hải đảo, vùng có địa hình phức tạp để kết thúc truyền hình tương tự mặt đất.

Việt Nam có 65-70% diện tích tự nhiên là địa hình đồi núi, có địa hình phức tạp, đặc biệt là các khu vực các tỉnh phía Tây Bắc, Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Vì vậy, việc đầu tư hạ tầng truyền hình số mặt đất tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cần một nguồn kinh phí rất lớn do phải triển khai nhiều máy phát lại công suất nhỏ, hạ tầng kỹ thuật, nguồn điện. Ước tính sơ bộ chi phí đầu tư 926 trạm phát lại truyền hình số mặt đất tại các địa phương trên là khoảng 740,8 tỷ đồng.

Việc khai thác, vận hành, bảo dưỡng các trạm phát lại, trạm phát công suất nhỏ, nguồn điện còn rất khó khăn do khu vực có địa hình phức tạp, thiếu lực lượng lao động để khai thác, vận hành, bảo dưỡng. Trong khi đó, số lượng người xem truyền hình mặt đất từ các trạm phát lại truyền hình mặt đất ngày càng giảm, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

Các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất chưa có kế hoạch và nguồn lực phủ sóng truyền hình số mặt đất toàn bộ các khu vực địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa để cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất. Vì vậy, nếu tiếp tục thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của khu vực trên theo phương thức cũ (cụ thể là chuyển đổi các trạm phát lại tương tự mặt đất sang các trạm phát lại số mặt đất) sẽ không hiệu quả và không thể thực hiện được theo kế hoạch của Đề án.

Mặt khác, có 53 địa phương đã truyền dẫn kênh truyền hình địa phương qua vệ tinh. Trong số các địa phương có điều kiện địa hình vùng núi, vùng địa hình phức tạp, hầu hết đã truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình thiết yếu qua vệ tinh.

Sau khi đánh giá hiện trạng thực tế, Bộ TT&TT đề xuất giải pháp sử dụng truyền hình vệ tinh tại vùng núi, hải đảo, vùng có địa hình phức tạp để kết thúc truyền hình tương tự mặt đất, cụ thể như sau: Bổ sung nguyên tắc kết hợp số hóa truyền hình mặt đất và truyền hình số vệ tinh.

Đối với việc triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực miền núi, Bộ TT&TT đề xuất các đơn vị VTV, VTC, AVG và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất khu vực căn cứ vào nhu cầu triển khai hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại trung tâm các tỉnh, khu vực đồng bằng thuộc các địa phương trên, không bắt buộc phải triển khai hạ tầng truyền hình số mặt đất tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với việc đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho số hóa truyền hình qua vệ tinh với một số địa phương có địa hình đồi núi, Bộ TT&TT đề nghị hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh cho các hộ nghèo và cận nghèo.

Cụ thể, hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất đối với khu vực thuộc phạm vi phủ sóng các trạm phát truyền hình số mặt đất chính, hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng địa hình khó khăn thuộc trạm phát lại truyền hình mặt đất. Chi tiết khu vực hỗ trợ trong từng iai đoạn sẽ do Bộ TT&TT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định cụ thể đối với từng địa phương.

Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi các nội dung của Quyết định 2451/QĐ-TTg theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo phù hợp với điều kiện địa hình và vùng phủ sóng, đồng thời bảo đảm phù hợp, thống nhất với nội dung quy định tại Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận