Các doanh nghiệp viễn thông đã góp 4.150 tỷ đồng vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích

Các doanh nghiệp viễn thông đã góp 4.150 tỷ đồng vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích

Ngày 24/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 tại Quyết định 1168/QĐ-TTg (Chương trình 1168). Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 11.000 tỷ đồng, được đảm bảo từ nguồn thu của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Theo Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017, các doanh nghiệp viễn thông đã đóng góp 4.150 tỷ đồng vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. Trong đó năm 2015 có 28/29 doanh nghiệp hoàn thành xác nhận quyết toán với Quỹ, chỉ duy nhất có Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) không đăng ký kế hoạch, không thực hiện báo cáo số liệu và xác nhận quyết toán, mà mới chỉ tạm nộp 210 triệu đồng vào Quỹ cho khoản đóng góp năm 2015.

Năm 2016, Quỹ đã xác nhận quyết toán với 24/24 doanh nghiệp viễn thông đã đăng ký kế hoạch nộp Quỹ và đã được Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch.

Năm 2017, theo kế hoạch đã được Bộ TT&TT phê duyệt thì có 27 doanh nghiệp đăng đăng ký thực hiện nghĩa vụ tài chính vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và trong 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền về Quỹ.

Theo Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, việc thu đóng góp Chương trình 1168 phát sinh một số khó khăn như một số doanh nghiệp nhỏ tuy đã đăng ký và xác nhận kế hoạch nhưng chưa thực hiện nộp dứt điểm hoặc còn nợ đọng do các doanh nghiệp này có khó khăn trong kinh doanh. Duy nhất có trường hợp FPT Telecom là không thực hiện báo cáo số liệu, xác nhận quyết toán theo đúng quy định.

Từ nguồn thu do các doanh nghiệp viễn thông đóng góp Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã thực hiện thanh quyết toán và tạm ứng các khoản chi từ nguồn kinh phí của Chương trình 1168 với nguồn kinh phí gần 1.300 tỷ đồng cho 15 dự án: Dự án điều tra thí điểm phương thức thu xem truyền hình tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, dự án hỗ trợ tổng đài giải đáp thông tin về hỗ trợ đầu thu truyền hình tại 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận, hỗ trợ triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 cho các doanh nghiệp VNPT, Viettel, Vishipel... Với hàng triệu hộ gia đình được thụ hưởng.

Hiện tại Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền hình tại 15 tỉnh, thành phố, cũng như triển khai các dự án cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho người dân vùng sâu, vùng xa, dự án hỗ trợ ngư dân đánh cá trên biển.

Các doanh nghiệp viễn thông đã góp 4.150 tỷ đồng vào Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích

Người dân vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi từ Chương trình Viễn thông công ích.

Mục tiêu của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 là triển khai các dự án để hỗ trợ cho người dân được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước các dịch vụ viễn thông khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định; sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng của Chương trình theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.

Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hoặc dịch vụ thông tin di động mặt đất trả sau theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích nếu đã ký hợp đồng sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp viễn thông. Ngoài ra, còn được hỗ trợ thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền hình quảng bá công nghệ số.

Ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước dịch vụ viễn thông di động hàng hải phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển qua hệ thống đài thông tin duyên hải; sử dụng dịch vụ viễn thông di động hàng hải (điện thoại HF, VHF) qua hệ thống đài thông tin duyên hải theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.

Các trường học, bệnh viện, UBND cấp xã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.

Theo chương trình viễn thông công ích mà VNPT đang triển khai, các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được miễn cước thuê bao với dịch vụ điện thoại cố định, nếu sử dụng VinaPhone trả sau sẽ được giảm 20.000 đồng mỗi tháng cước thuê bao và miễn cước khi sử dụng dịch vụ điện thoại cố định gọi đến các số dịch vụ khẩn cấp 113, 114, 115, 116.

Còn với dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, các đối tượng được hưởng giá cước dịch vụ VTCI gồm có: các trường học tại tất cả các cấp học từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đến Trung cấp, Cao đẳng và Đại học; các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp huyện, tỉnh và trung ương; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tư nhân; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài; và Ủy ban nhân dân cấp xã.

Các trường trung học; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp tỉnh sử dụng gói Internet băng rộng tốc độ 32Mbps được giảm 150.000 đồng/tháng. Các trường Trung cấp; Cao đẳng; Đại học; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa của Nhà nước cấp trung ương sử dụng gói Internet băng rộng tốc độ 45Mbps được giảm 250.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, các bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 774 ngày 11/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, khi sử dụng dịch vụ kênh thuê riêng của VNPT sẽ được giảm 15 triệu đồng/tháng với kênh thuê riêng tốc độ 2Mbps có dự phòng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận