“Các nhà mạng không vì lợi ích ngắn hạn mà xâm hại lợi ích cộng đồng”

“Các nhà mạng không vì lợi ích ngắn hạn mà xâm hại lợi ích cộng đồng”

“Các nhà mạng không vì lợi ích ngắn hạn mà xâm hại lợi ích cộng đồng”

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì hội nghị phổ biến, hướng dẫn triển khai Nghị định 49 của Chính phủ  diễn ra ngày 16/5/2017 tại Hà Nội.

Quyết liệt đưa quy định mới về quản lý thuê bao trả trước vào cuộc sống

Sáng nay, ngày 16/5/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chủ trì hội nghị phổ biến Nghị định 49/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện (Nghị định 49).

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, đại diện Văn phòng Quốc hội, 28 Sở TT&TT các tỉnh, thành phố phía Bắc và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông VNPT, Viettel, MobiFone, GTel, Vietnamobile, FPT Telecom, CMC Telecom và NetNam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, Nghị định 49 này rất quan trọng, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Bộ TT&TT cũng như của các Sở TT&TT, doanh nghiệp viễn thông trong việc chấn chỉnh một cách bài bản công tác quản lý thông tin thuê bao di động trả trước.

Theo Thứ trưởng, đây cũng là một Nghị định rất đặc biệt về chuyên đề quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, sửa đồng thời 2 nội dung là Điều 15 của Nghị định 25 hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, tần số vô tuyến điện.

“Thông thường, sẽ có 2 Nghị định riêng biệt nhưng lần đầu tiên Chính phủ ra 1 Nghị định thể hiện quyết tâm xử lý nhanh chóng, hiệu quả về quản lý thuê bao di động trả trước. Với Nghị định này, Chính phủ cũng nhất trí cho sửa theo hình thức thủ tục rút gọn, không cần thành lập Ban soạn thảo. Bộ TT&TT đã bắt tay ngay vào việc xây dựng dự thảo và mời các doanh nghiệp, các Sở TT&TT góp ý. Việc xây dựng Nghị định 49 đã được làm rất trách nhiệm, cẩn thận, đã tổ chức nhiều cuộc họp tham vấn, nhiều lần lấy ý kiến doanh nghiệp”, Thứ trưởng cho hay.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định 49 là góp phần lành mạnh hóa, an toàn hóa môi trường viễn thông, CNTT, Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho biết, Nghị định này ban hành ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp viễn thông di động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nhận thức được đầy đủ trách nhiệm với xã hội. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đại diện các doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone, GTel và Vietnamobile có mặt tại hội nghị hôm nay đều thể hiện quyết tâm, mặc dù có khó khăn, mặc dù sẽ ảnh hưởng đến doanh thu nhưng đều rất quyết tâm, đồng lòng thực hiện các nội dung Nghị định mới của Chính phủ, đưa Nghị định này thực sự đi vào cuộc sống”.

Thứ trưởng cũng cho rằng, Nghị định 49 đặt ra những nhiệm vụ và mục tiêu rất thách thức cho công tác quản lý thông tin thuê bao di động trả trước. Cụ thể, thời gian chuyển tiếp của Nghị định là 3 tháng và trong thời gian này các doanh nghiệp viễn thông di động phải tổ chức lại một cách căn bản hệ thống phân phối, quản lý các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động. Trong vòng 12 tháng, phải hiệu chỉnh lại toàn bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin thuê bao di động, với số lượng hơn 120 triệu thuê bao trong cả nước. Trong đó, theo đánh giá của Bộ Công an, có tới 75 - 80% là thông tin thuê bao không chính xác.

“Như vậy, các nhà mạng sẽ phải tổ chức rà soát lại thông tin của khoảng hơn 100 triệu thuê bao trong 12 tháng. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ, tất cả chỉ trong thời gian 12 tháng. Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, qua hệ thống phân phối hùng hậu của mình, tính khả thi là khá cao. Nhưng với các doanh nghiệp mà hệ thống phân phối, nguồn lực còn hạn chế thì đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn và cũng đòi hỏi có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bạn”, Thứ trưởng phân tích.

Trên cơ sở phân tích nhiệm vụ, mục tiêu thách thức đặt ra tại Nghị định 49, Thứ trưởng cho rằng,  để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị định 49, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT và nhất là các doanh nghiệp viễn thông di động.

Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần sớm hoàn tất việc xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định 49, chi tiết đến từng tháng, từng tuần, từng ngày và phải ràng buộc trách nhiệm cá nhân đến từng cấp. “Chừng nào chưa ràng buộc được trách nhiệm cá nhân vào việc thực hiện các quy định mới trong Nghị định 49 thì mới có thể đưa quy định vào thực tế cuộc sống. Tôi đề nghị các doanh nghiệp báo cáo Bộ kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị định 49 trong tháng 5/2017. Kế hoạch này cũng cần được gửi các Sở TT&TT tỉnh, thành phố trước khi triển khai thực hiện ở địa phương”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng khẳng định: “Tất cả chúng ta, từ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, người dân phải nhận thực đầy đủ, sâu sắc hơn về trách nhiệm, quyền lợi, lợi ích của mình trong việc thực hiện nghiêm túc về quản lý thuê bao di động trả trước đúng như Nghị định 49 quy định. Về phía doanh nghiệp, cần hạn chế dần việc chỉ chú trọng lợi ích ngắn hạn, trước mắt; không vì lợi ích ngắn hạn, trước mắt mà chúng ta xâm hại đến lợi ích cộng đồng”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận